Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLập Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Khó kỳ vọng lớn?

Lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Khó kỳ vọng lớn?

“Tôi nghĩ khó mà kỳ vọng lớn về cơ quan mới nếu chúng ta không thay đổi tư duy về lợi thế của cạnh tranh, của khu vực kinh tế tư nhân”.

Cần tổ chức giám sát độc lập

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc Bộ KH-ĐT hoàn thiện và trình Chính phủ 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý vốn nhà nước, trong đó nghiêng về phương án 1 với điểm nhấn là thành lập Ủy ban mới độc lập trực thuộc Chính phủ quản lý, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM cho rằng cần phải xem xét thận trọng các phương án được đưa ra.

Đưa ra quan điểm cá nhân, PGS.TS Nga khằng định, ông đồng tình với phương án đầu tiên thay vì đề xuất thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN để quản lý các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC hay phương án tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ, làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình DN, không phải ủy ban).

“Phương án 2 so với phương án 1 giống như bình mới rượu cũ. Phương án 3 thì chắc chắn không hiệu quả vì bản thân SCIC đã hoạt động một thời gian và bộc lộ những yếu kém cố hữu và không thể sửa được.

Chúng ta chấp nhận xây mới và học hỏi kinh nghiệm của bản thân và nước ngoài trong việc quản lý hiệu quả vốn nhà nước. Đây cũng có thể gọi là sự phá huỷ mang tính sáng tạo nhằm xây dựng một cơ quan mới khoẻ mạnh, sáng tạo và miễn dịch hơn”, ông Nga nhấn mạnh.

Phó Trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM khẳng định, việc thay đổi hay giải thể 1 tổ chức hay 1 doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là hết sức bình thường, kể cả đó là doanh nghiệp hay 1 tổ chức nhà nước.

“Thấy sai thì phải sửa cho phù hợp, hiệu quả, xây dựng qui tắc và điều lệ để các cá nhân hành động một cách hợp lý và không gây hại trong mối quan hệ Uỷ quyền – tác nghiệp. Cho dù đây là 1 bài toán nan giải nhưng cần và nhất định phải tìm ra lời giải hợp lý trong bối cảnh hiện nay”, ông Nga nêu quan điểm.

Vị chuyên gia dẫn chứng khi bắt đầu thành lập SCIC cũng nhận được nhiều kỳ vọng từ Chính phủ cũng các Ban ngành, đoàn thể. Bằng chứng là đơn vị này được giao thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như: đầu tư vốn, đầu tư vào những ngành kinh tế định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức đầu tư.

Tuy nhiên đến thời điểm này, SCIC đã không thực hiện được mục tiêu đề ra và ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành, quản lý vốn nhà nước.

“Tôi nghĩ khó mà kỳ vọng lớn về cơ quan mới nếu chúng ta không thay đổi tư duy về lợi thế của cạnh tranh, của bàn tay vô hình, của khu vực kinh tế tư nhân. Xin nhắc lại là bản chất của con người là tham lam, ích kỷ và lười biếng. Nếu không có một tổ chức giám sát độc lập thì hậu quả như trên đã nói về mối quan hệ Uỷ quyền – tác Nghiệp sẽ xảy ra là điều rõ như ban ngày”, ông Nga khẳng định.

Về người đứng đầu tổ chức này, vị chuyên gia cho rằng chúng ta nên thuê những chuyên gia có uy tín từ các nước phát triển giống như thuê huấn luyện viên cho đội tuyển thể thao.

“Nếu không thuê chuyên gia nước ngoài thì hoặc Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng thường trực phải đứng đầu cơ quan này”, ông Nga chia sẻ.

Phải đi đúng kinh tế thị trường

Đưa ra quan điểm khác, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương cho rằng, vấn đề quản lý vốn nhà nước ở một nền kinh tế thị trường tư bản hay các quốc gia phát triển là một câu chuyện bình thường và không có gì ghê gớm. Tuy nhiên đối với Việt Nam, đây lại là một bài toán khó và đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có những phương án tối ưu nhất.

“Hệ thống tài chính của chúng ta liên quan đến vốn của nhà nước đầu tư vào các hoạt động dưới hình thức kinh doanh và các tập đoàn kinh doanh. Vốn này quản lý rất khó vì ông chủ một người, sở hữu lại thuộc về người khác. Cho nên xét về mặt kinh tế học thì không thể giải được bài toán quản lý vốn.

Nguyên nhân sâu xa của việc này là do chúng ta chưa phát triển đúng với quy tắc của nền kinh tế thị trường. Điểm căn bản là chủ doanh nghiệp phải là chủ sở hữu nguồn vốn, của cải đó. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nguồn vốn đó trên nguyên tắc “thua ăn, lỗ chịu”. Tuy nhiên chúng ta không làm được điều này. Do đó nguồn vốn không được sử dụng đúng mục đích”, ông Đoàn khẳng định.

Về 3 phương án mà Bộ KH-ĐT đưa ra để trình Chính phủ, ông Đoàn cho rằng chắc chắn sẽ không phát huy tác dụng, giải quyết được những tồn tại hiện nay nếu chúng ta duy trì cách quản lý cũ.

“Chúng ta cần phân tách rõ vai trò của nhà nước. Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý chung còn nếu kiêm luôn việc vay vốn là chưa đúng. Nhà nước đi vay vốn ODA ở nước ngoài thì vốn đó phải trở thành vốn kinh doanh cho những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đó hoặc nhà nước tham gia xây dựng các dự án và đấu thầu các dự án đó.

Khi chúng ta phân tách được rõ ràng như vậy thì  mới bàn đến chuyện quản lý vốn nhà nước như thế nào. Khi đó mới phát huy tác dụng”, ông Đoàn khẳng định.

Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga thừa nhận, thời gian qua, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng mô hình của SCIC thiếu sự giám sát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng khi xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước thì  không ai chịu trách nhiệm.

Với thể chế hiện nay, ông Nga cho rằng chúng ta khó có thể xây dựng được một mô hình hiệu quả vì có rất nhiều đầu mối quản lý và quan chức nhà nước hầu như không đủ trình độ cũng như kinh nghiệm để quản lý số vốn khổng lồ.

“Để giải quyết vấn đề vốn nhà nước hiệu quả thì nhà nước nên thoái vốn và nên để tư nhân đầu tư và kinh doanh. Nếu không làm được điều này thì e câu chuyện sẽ xấu đi và việc nhà nước mất vốn sẽ xảy ra tiếp tục.

Nếu chúng ta vẫn nhất quyết xây dựng mô hình mới thì phải có một cơ quan giám sát độc lập, có thể là thuê nước ngoài, và tìm học hỏi kinh nghiệm thành công từ các nước đi trước”, ông Nga nói.

Một vấn đề quan trọng khác được vị chuyên gia đề cập đến, đó là người đứng đầu Ủy ban quản lý vốn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và Chính phủ để bảo toàn và gia tăng vốn nhà nước.

“Nếu không làm được thì sẽ phải từ chức, sai phạm nhiều phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Muốn vậy người đứng đầu phải chuyên trách và hưởng thu nhập cao như các CEO các tập đoàn lớn”, ông Nga đề xuất.

Bổ sung thêm ý kiến, PGS.TS Lê Cao Đoàn khẳng định, cần phải phân chia rõ ràng 2 loại vốn: vốn nhà nước và vốn vay để đầu tư. Ở đó, phải có quy định cụ thể không có kinh doanh của nhà nước. Việc nhà nước cung cấp các hàng hóa thông qua một hệ thống tư nhân để thực hiện việc này.

“Trên cơ sở người kinh doanh là tư nhân, còn nhà nước không tiến hành các hoạt động kinh doanh. Chúng ta cần bỏ ngay hoạt động kinh tế, kinh doanh của các Bộ, ngành, nhất là những Bộ không dính dáng về kinh tế như: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Còn Bộ Công Thương là quản lý về các hoạt động đó chứ không phải quản lý việc kinh doanh của nhà nước trong các hoạt động đó.

Khi mọi thứ đã rành mạch như vậy thì vốn nhà nước hay vốn vay từ nước ngoài sẽ được thị trường quyết định dựa trên những yếu tố: đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào? Từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh tự do, tạo ra áp lực hiệu quả, chất lượng trong hoạt động kinh tế”, ông Đoàn nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới