Tuesday, March 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 20/02

Bản tin Biển Đông ngày 20/02

Bản tin Biển Đông ngày 20/02/2017.

Trung Quốc hoàn tất cuộc diễn tập trên biển

Ngày 18/02, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, ngày 17/2, ba tàu chiến của Trung Quốc đã kết thúc tuần diễn tập huấn luyện trên Biển Đông sau khi tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành thử vũ khí ở khu vực này. Theo Tân Hoa xã, cuộc diễn tập đã thực hiện thành công nội dung tấn công bất ngờ “trong điều kiện thời tiết xấu”. Tân Hoa xã cho biết, các tàu chiến đang di chuyển về phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Mỹ phải làm sao để kiểm soát tình hình ở Biển Đông

Ngày 18/02, trang Gulf News Thinker đăng bài viết “Mỹ phải làm sao để kiểm soát tình hình ở Biển Đông” Alexander L. Vuving, Giáo sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương phân tích về khả năng Mỹ có thể kiểm soát tình hình ở Biển Đông qua phát biểu của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil, trong phiên điều trần ngày 11/01. Sau phát biểu của ông Tillerson, những người phản đối cho rằng tuyên bố của tân Ngoại trưởng thể hiện sự thiếu cơ sở về mặt pháp lý, không có lợi về mặt chính trị và thực tiễn, vì nghĩ rằng Trung Quốc hoàn toàn đủ “gan” và đủ khả năng gây chiến tranh nếu bị “khiêu khích”. Tuy nhiên, tác giả cho hay nhóm phản đối đã hiểu nhầm về đề nghị của ông Tillerson cũng như chưa hiểu hết tình hình phức tạp ở Biển Đông. Thêm vào đó, một kế hoạch phong toả hàng hải không phải là cách duy nhất để có thể đạt được mục tiêu mà ông Tillerson đưa ra.

Tác giả cho rằng cần phải hiểu “một loạt các biện pháp” theo hướng “giảm bớt sự tập trung vào Mỹ”. Thay vì hiểu rằng đó là sự phong toả về mặt quân sự như ý kiến của một số nhà bình luận, Mỹ và các nước đối tác có thể sử dụng nhiều biện pháp như đàm phán ngoại giao, trừng phạt kinh tế hay một số các nhằm kiềm chế một cách gián tiếp hoặc trực tiếp để có thể ngăn chặn chương trình bồi đắp đảo và quân sự hoá của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông. Qua đó, Mỹ có thể nhắm các biện pháp trừng phạt vào các cá nhân hay công ty đã hỗ trợ, khuyến khích hoặc tham gia vào các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo tác giả, hướng tiếp cận với các biện pháp có mục tiêu rõ ràng này có thể sẽ trở thành công cụ quan trọng một cách gián tiếp có thể thay đổi được hành vi của Trung Quốc. Bên cạnh đó, tác giả còn mở ra thêm một lựa chọn trực tiếp hơn cho Mỹ và các đồng minh là tận dụng chính “mánh lới” của Trung Quốc và mô phỏng lại chiến lược “bắp cải” để ngăn nước này đi ra các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời khiến họ từ bỏ ý định đe doạ bằng chiến tranh và xung đột vũ trang nhằm đáp trả. Cụ thể, một chiến lược “bắp cải chống Trung” cũng sẽ có ba tầng nấc, xung quanh các đảo mục tiêu với các thuyền dân sự ở vòng trong, được hỗ trợ bởi các tàu thuyền chấp pháp ở vòng ngoài, với sự bảo vệ của các tàu chiến. Bài viết khẳng định, biện pháp này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế bởi “nếu Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực, Mỹ cũng sẽ đáp trả bằng cách cũng đưa ra hạn chế đối với quyền tự do của Mỹ”, đặc biệt là sau khi Phán quyết Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông được đưa ra vào ngày 12/7/2016 đã bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi ý của Trung Quốc ở Biển Đông, phê phán việc nước này chiếm đóng Đá Vành Khăn, ngăn cản sự đi lại ở bãi cạn Scaborough và việc bồi đắp đảo ở Trường Sa. Hơn nữa, dù luật quốc tế không có cơ chế thi hành Phán quyết nhưng luật quốc tế cho phép các nước thi hành các biện pháp trả đũa các hành động phi pháp. Tác giả nhận định, để có thể tránh một cuộc chiến tranh đồng thời buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, cần phải có cách tiếp cận nước đôi, kết hợp một cách nhuần nhuyễn lợi thế của cây gậy và củ cà rốt, đồng thời giảm bớt những điểm bất lợi của chiến lược này. GS. Vuving giải thích, việc tránh một cuộc xung đột quy mô lớn vẫn là một trong nhữg mục tiêu trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông. Thêm vào đó, Trung Quốc thừa hiểu rằng, trong quan hệ với Mỹ ở khu vực thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ngoài ra, tác giả cho rằng, sự tham gia của nhiều bên khác ở khu vực như các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế cũng có thể trở thành “cơ hội tốt” để thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Thậm chí, ông còn khẳng định rằng, nếu được chú ý đầu tư, các biện pháp có thể tác động mạnh đến những công ty lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc, các hãng hàng không Hải Nam và Nam Trung Quốc, các công ty viễn thông… từ đó tạo ra sức ép từ bên trong để Trung Quốc phải từ bỏ các yêu sách phi lý ở Biển Đông.

ASEAN bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán cấp cao về Biển Đông

Ngày 19/2, hãng ABS – CBN đưa tin, ngày 18/2, quan chức ngoại giao các nước Đông Nam Á đã bắt đầu các cuộc thảo luận cấp cao về khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực này. Theo ông Roilo Golez, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines, một bộ khung, và sau đó là bộ Quy tắc ứng xử có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý có thể sẽ là “di sản” riêng của Tổng thống Rodrigo Duterte khi nước này đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2017.

Đề cập đến sự ngang ngược của Trung Quốc khi thản nhiên triển khai các hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cũng như lắp đặt các thiết bị lên các đảo trong khi vẫn duy trì thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử, ông Golex cho rằng một bộ quy tắc ứng xử “gần như chỉ còn là vấn đề lý thuyết”. Tuy nhiên ông vẫn khẳng định rằng Bộ Quy tắc ứng xử vẫn sẽ “hữu ích… trong việc điều chỉnh hành vi trong tương lai của các bên liên quan”, “duy trì hoà bình, an ninh và quản lý căng thẳng ở khu vực”. Ông kêu gọi Trung Quốc cần “đi đến cùng việc ký kết và chấp thuận (Bộ Quy tắc ứng xử)” để qua đó chấm dứt các hoạt động quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Nhóm tàu sân bay của Mỹ bắt đầu “hoạt động tuần tra thường lệ” ở Biển Đông

Ngày 19/2, tờ The Japan Times đưa tin, ngày 18/2, Nhóm tàu sân bay tác chiến 1 của Hải quân Mỹ, trong đó có một tàu sân bay loại Nimitz USS Carl Vinson, bắt đầu “hoạt động tuần tra thường xuyên” ở Biển Đông, bất chấp lời đe doạ của phía Bắc Kinh. Tuần trước, Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuyệt đối không thách thức “chủ quyền của nước này” ở khu vực biển chiến lược này. Theo nguồn tin, Mỹ đã tiến hành hoạt động này nhằm thách thức những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải và thách thức các yêu sách biển thái quá của nước này ở Biển Đông.

Liên quan đến kế hoạch đưa các tàu chiến từ nhóm tàu sân bay Vinson tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm giữ trái phép trên Biển Đông, ông Matt Knight, Người Phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương chưa thảo luận về lịch trình hoạt động của các tàu này. Ông Knight chỉ khẳng định “Hải quân Mỹ đã hoạt động một cách thường xuyên và hợp pháp ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông hàng chục năm qua, và sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động này”. Chuẩn Đô đốc James Kilby, Tư lệnh nhóm tác chiến cho hay “cuộc diễn tập huấn luyện gần đây thực sự đã gắn kết các thành viên trong đội và cải thiện đáng kể hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu của một nhóm tác chiến”. Ông Kilby cũng nhấn mạnh rằng “Mỹ mong muốn khẳng định sức mạnh của mình đồng thời củng cố các quan hệ vững mạnh với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Ông Nick Bisley, Giáo sư Quan hệ quốc tế thuộc Đại học La Trobe, Úc bày tỏ hy vọng rằng với việc đưa nhóm tàu Vinson tới các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, Washington sẽ tiến hành đánh giá phản ứng của Trung Quốc và sau đó sẽ triển khai nhiều hơn các hoạt động tự do hàng hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới