Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnCuộc "đấu trí" giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông

Cuộc “đấu trí” giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông

Khác với cách sử lý mềm mại của Barack Obama, ông Donald Trump có thể gia tăng hơn nữa can thiệp vào Biển Đông, do đó Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án. Cuộc “nắn gân” lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra gay gắt trên Biển Đông khiến những nước trong khu vực đặc biệt quan tâm.

Ngày 17/2, 3 chiến hạm Trung Quốc đã kết thúc cuộc tập trận tấn công bất ngờ ở Biển Đông kéo dài một tuần, ngay sau khi tàu sân bay Liêu Ninh mới thử nghiệm vũ khí trong vùng biển tranh chấp.

Một trong số 3 chiến hạm này có mang tên lửa dẫn đường, 3 chiến hạm chia nhau tiến ra Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Hoạt động tập trận này từ phía Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực thực sự lo ngại.

Các nhà bình luận quân sự nói gọi các cuộc tập trận này là “không có kịch bản trước, càng gần càng sát thực tế chiến đấu”. 

Ý định Trung Quốc tiến hành thường xuyên các hoạt động tập trận như thế ở Biển Đông là để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra. Mọi người cho rằng, khả năng tác chiến tầm xa của hải quân Trung Quốc “không đủ đảm bảo lợi ích của mình trong các vùng biển mở”.

Để đáp lại những mưu đồ của Trung Quốc, Hải quân Mỹ cho biết cụm hàng không mẫu hạm tấn công USS Carl Vinson bắt đầu tuần tra ở Biển Đông kể từ hôm 18/2 sau một đợt huấn luyện ở Hawaii, Guam và vùng biển Philippines.

Hiện tại Hải quân Mỹ cũng có ý định, cụm tàu sân bay tấn công này có tuần tra trong vòng 12 hải lý ở các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp tại Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hay Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Trước đó ngày 12/2 theo nguồn tin được tiết lộ khả năng này, trong đó cụm USS Carl Vinson có thể tuần tra trong 12 hải lý đảo nhân tạo ở Trường Sa và, hoặc cả ở Hoàng Sa.

Các nhà bình luận Trung Quốc cho rằng Biển Đông dự kiến sẽ là nơi Bắc Kinh kiểm tra ngưỡng phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống cũng như quá trình chuyển giao quyền lực, ngoài chính sách “một nước Trung Quốc”, Donald Trump còn xem Biển Đông là nơi cạnh tranh ảnh hưởng chủ yếu giữa Bắc Kinh và Washington.

Tuy nhiên, hiện nay có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn những gì sẽ là điểm ưu tiên trong chính sách của Donald Trump đối với mối quan hệ Trung – Mỹ, cũng như mức độ cứng rắn mà chính quyền mới ở Mỹ có thể theo đuổi.

Chính vì vậy, một vấn đề mới đang đặt ra là liệu Trung Quốc có bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Scarborough hay không? Mặc dù Philippines và Trung Quốc đã cải thiện quan hệ từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức, nhưng có lẽ Bắc Kinh sẽ buộc Washington phải bộ lộ giới hạn chính sách thông qua một hành động tại bãi cạn này, cho dù nó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Nhiều khả năng Trump sẽ gia tăng sự can thiệp vào Biển Đông

Việc Mỹ triển khai cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson vào tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 18/2 là một mối đe dọa quân sự với Trung Quốc. Cho dù chính sách của Trump vẫn chưa rõ ràng, nhiều khả năng ông sẽ tăng sự can thiệp của Hoa Kỳ vào khu vực.

Hoạt động tự do quân sự của Mỹ ở Biển Đông dưới thời chính quyền Barack Obama chủ yếu nhằm chống lại việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo. Nay Washington triển khai tàu sân bay đến Biển Đông là nhằm gia tăng áp lực quân sự lên Bắc Kinh. Việc Mỹ điều cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson vào tuần tra ở Biển Đông là nhằm thăm dò phản ứng của Trung Quốc. chính phủ mới tại Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Động thái quân sự này của Mỹ mang tính răn đe đối với Trung Quốc.

Việc điều động cụm tàu sân bay hạt nhân đến Biển Đông cho thấy Mỹ đang phô diễn sức mạnh của mình với các đồng minh, đối tác ở Đông Á, đồng thời thách thức yêu sách chủ quyền và hàng hải của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó về ngoại giao, cũng như về quân sự. Trung Quốc cũng nhận thấy, không có gì đảm bảo Trump sẽ rút Mỹ khỏi châu Á, bởi đây là địa bàn quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Trung Quốc đang chủ động nắn gân Donald Trump ở Biển Đông

Về phía Bắc Kinh, trong 1 tuần tập trận trên Biển Đông trước ngày cụm tàu sân bay Mỹ kéo vào vùng biển này, Trung Quốc đã điều động cả lực lượng tên lửa phòng không HQ-9 tham gia.

Trung Quốc sử dụng tên lửa HQ-9 (bố trí bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam) trong cuộc tập trận này là động thái phản ứng với hoạt động tuần tra của tàu sân bay Mỹ.

Tuy nhiên, thủ đoạn nắn gân Donald Trump nguy hiểm hơn mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua không phải là quân sự, mà là trên phương diện pháp lý.

Trung Quốc mới công bố một dự thảo luật sửa đổi về giao thông hàng hải, trong đó lấy cớ “an ninh quốc gia” để ngăn chặn, hạn chế tàu  thuyền nước ngoài đi qua các vùng biển họ yêu sách “chủ quyền” có thể dẫn đến xung đột Trung – Mỹ ở Biển Đông.

Đó là dự thảo sửa đổi Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc năm 1984. Theo đó Bắc Kinh dự kiến sẽ ra quy định bắt tàu thuyền nước ngoài khi đi qua “lãnh hải” Trung Quốc yêu sách đều phải báo cáo, xin phép, tàu ngầm phải chạy nổi trên mặt nước và căng cờ quốc gia…

Đáng lưu ý, trong bản dự thảo này Trung Quốc có nhắc đến các khái niệm “lãnh hải”, “vùng tiếp giáp lãnh hải”, “vùng đặc quyền kinh tế” và “thềm lục địa”, nhưng không nhắc đến đường 9 đoạn, còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò ở Biển Đông đã bị Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bác bỏ.

Sự mập mờ của Trung Quốc trong việc bỏ ngỏ khả năng dùng các điều luật nội địa để ngăn cản tàu thuyền quốc tế tự do qua lại trên Biển Đông chủ yếu sẽ nhằm vào phạm vi 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo họ xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa.

Đây cũng là cái cớ pháp lý Bắc Kinh đang tìm cách dựng lên để ngăn chặn các hoạt động tự do hàng hải, hàng không mà Mỹ đang tiến hành, để một khi xảy ra sự cố, Trung Quốc sẽ có bàn đạp để tiến hành một cuộc chiến truyền thông, nhất là với dân chúng trong nước để tìm kiếm sự ủng hộ.

Còn với đường lưỡi bò, tuy Trung Quốc không nhắc đến trong các văn kiện, dự thảo luật kể từ ngày 12/7/2016, nhưng không có nghĩa là Trung Quốc đã âm thầm từ bỏ hoàn toàn. Có lẽ họ vẫn cứ để đường lưỡi bò đấy, khi cảm thấy điều kiện thuận lợi thì lại lôi ra.

Cuộc tập trận kéo dài 1 tuần có bắn tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông đã kết thúc hay hoạt động tuần tra của cụm tàu sân bay Mỹ có lẽ là những động thái ném đá dò đường thử phản ứng của nhau.

Tuy nhiên, một chính sách rõ ràng của Mỹ đối với Biển Đông cần có thêm thời gian và dữ kiện để đánh giá.

Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao mọi động thái từ Hoa Kỳ, nhưng có lẽ cũng không loại trừ họ chủ động tạo ra một số tình huống để buộc Mỹ bộc lộ phản ứng, chính sách trong thời gian tới, sau khi quan sát cách thức Trump xử lý các khó khăn về đối nội, đối ngoại kể từ khi vào Nhà Trắng.

RELATED ARTICLES

Tin mới