Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngTQ thử khả năng "chịu nhiệt" của ông Trump ở Biển Đông

TQ thử khả năng “chịu nhiệt” của ông Trump ở Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi xuất hiện thông tin Trung Quốc chuẩn bị cải tạo ở bãi cạn Scarborough của Philippines. Đây sẽ là thách thức mới đối với chính quyền của ông Trump nhằm ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ phóng thử máy bay không người lái. 

Trong giai đoạn tranh cử và chuyển giao quyền lực, ông Trump đã nhiều lần có những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông. Bên cạnh việc chỉ trích chính sách thương mại của Bắc Kinh, ông Trump còn đặt câu hỏi về việc Mỹ có nên tiếp tục duy trì quan điểm đối với chính sách “một Trung Quốc” vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. 

Cụ thể, hồi tháng 12/2016, sau khi tiến hành cuộc điện đàm gây tranh cãi với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, ông Trump chia sẻ trên Twitter rằng Bắc Kinh “không hề hỏi ý kiến Mỹ về việc họ có thể xây các tổ hợp quân sự quy mô lớn ở ngay giữa Biển Đông hay không”. Lời bình luận của ông Trump nhằm ám chỉ tới việc Trung Quốc xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và các tiền đồn quân sự ở Hoàng Sa.

Khi tới thăm Tokyo hồi đầu tháng Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng nhấn mạnh chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục củng cố chính sách ở Biển Đông dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. 

Theo ông Mattis, tự do hàng hải là điều tối quan trọng ở Biển Đông và “Mỹ thấy không cần thiết điều động quân sự quy mô lớn tới vùng biển này”. Nhưng khi thảo luận riêng với giới chức Nhật Bản, ông Mattis cho biết Mỹ đang bắt đầu tính tới chuyện tăng cường sự hiện diện và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực thường xuyên hơn. 

Hôm 19/2, Reuters cho hay nhóm hạm đội tấn công Hải quân Mỹ bao gồm tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson đã bắt đầu hoạt động tuần tra ở Biển Đông theo kế hoạch từ ngày 18/2.​

Kể từ năm 2015, chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã tiến hành 4 cuộc tuần tra ở Biển Đông với mục đích đảm bảo quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế. Hành động của Mỹ đã chọc giận Trung Quốc.  

​Theo một số báo cáo mới đây, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã trình lên Tổng thống Trump các phương án khôi phục hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Trước đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng đã phản đối việc chính quyền của cựu Tổng thống Obama cắt giảm hoạt động tuần tra ở vùng biển chiến lược mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm. 

Ông Ankit Panda, biên tập viên của tạp chí The Diplomat nhận định dù Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ hoạt động tuần tra ở Biển Đông do Hải quân Mỹ tiến hành, song hoạt động này lại giúp đảm bảo quyền lợi của Mỹ khi quân đội nước này hiện diện thường xuyên ở đây. 

Ông Panda cho biết việc chính quyền của cựu Tổng thống Obama có động thái hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh khi cho cắt giảm tần suất tiến hành tuần tra ở Biển Đông là nhằm đảm bảo Mỹ – Trung có thể duy trì quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, chính quyền của cựu Tổng thống Obama không muốn có thêm hành động khiêu khích Trung Quốc khi Bắc Kinh luôn khẳng định Washington đang tiến hành “quân sự hóa” ở Biển Đông. 

Đáng nói sau khi Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 7/2016, Bắc Kinh vẫn không ngừng có xâm chiếm và cải tạo trái phép ở vùng biển này. 

Câu hỏi đặt ra với chính quyền của ông Trump là liệu sau Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc có tiếp tục cải tạo trái phép ở bãi cạn Scarborough của Philippines trên Biển Đông hay không. Kể từ đầu năm 2016, nhiều báo cáo cho biết Trung Quốc đang có động thái chuẩn bị xây dựng ở bãi cạn này. Trong khi đó, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte, mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines đang có những biến chuyển theo chiều hướng tích cực.  

Do đó, nếu Trung Quốc tiến hành cải tạo ở bãi cạn Scarborough, chắc chắn, quan hệ nồng ấm Bắc Kinh – Manila sẽ bị ảnh hưởng. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ đẩy chính quyền của ông Trump vào thế bí trong tiến trình tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh ở Scarborough. Điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị mà sau đó là xung đột quân sự. 

RELATED ARTICLES

Tin mới