Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinToàn cảnh một tháng cầm quyền của ông Trump

Toàn cảnh một tháng cầm quyền của ông Trump

Tròn một tháng kể từ khi Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump, cả xứ sở cờ hoa và thế giới đều có những xáo trộn.

Ông Trump ký một loạt sắc lệnh bãi bỏ di sản của người tiền nhiệm.

Tân Tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục

Một bản thăm dò dư luận của Gallup tiến hành trên 1.527 công dân Mỹ từ 13 – 15/2 cho thấy, tỷ lệ những người ủng hộ công việc ông Trump đang làm là 40%, thấp hơn 21 điểm % so với tỷ lệ trung bình của các Tổng thống Mỹ là 61% cùng thời điểm tròn một tháng cầm quyền.

Trước Tổng thống Trump, cựu Tổng thống Bill Clinton là người giữ kỷ lục về tỷ lệ ủng hộ thấp sau một tháng đầu tiên, chỉ với 51% người ủng hộ. Như vậy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã “phá kỷ lục” của ông Bill Clinton. Ngoài ra, tỷ lệ người ủng hộ ông từ phe Dân chủ chỉ có 8%.

“Lật ngược” di sản của người tiền nhiệm

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã ký tổng cộng 24 văn bản hướng dẫn và sắc lệnh hành pháp. Đây cũng là con số kỷ lục trong một tháng cầm quyền của các đời Tổng thống Mỹ.

Trong đó có nhiều văn bản nhằm “lật ngược” nhiều di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, chẳng hạn như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, các đạo luật từ thời cựu Tổng thống Barack Obama cũng bị bãi bỏ hoặc đưa ra xem xét như quy định về việc thải khí metan ra môi trường, kiểm soát súng đạn, quy định buộc các công ty dầu mỏ công khai các khoản thanh toán với chính phủ nước ngoài…

Tuyên bố tại một cuộc họp ở Nhà Trắng với các lãnh đạo kinh doanh ngày 23/1, ông Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể cắt giảm đến 75% các quy định hoặc hơn”.

“Gây chiến” với báo chí

Ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Trump đã liên tục đổ lỗi cho truyền thông thiên vị đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là bà Clinton và đưa các tiêu cực về mình. Điều này không thay đổi ngay cả khi ông Trump đã lên nắm quyền.

Ông Trump liên tục có các cuộc “đấu khẩu” với giới truyền thông trong các cuộc họp báo của Nhà Trắng. Trong buổi họp báo đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông đã gọi hãng tin CNN là “tồi tệ”, cáo buộc hãng tin này đưa các thông tin giả (fake news).

Đến ngày 16/2, ông Trump tiếp tục chỉ trích một loạt các hãng truyền thông CNN, NBC, tờ New York Times… đưa tin tức giả và cho rằng, báo chí đang hoàn toàn “mất kiểm soát”.

Thực tế, không chỉ có báo chí gặp phải phản ứng này của tân Tổng thống mà đối với cả những thông tin về tỷ lệ không ủng hộ đối với mình, Tổng thống Trump cũng tuyên bố, bất kỳ cuộc thăm dò dư luận nào cho thấy kết quả tiêu cực đều là những tin tức giả mạo.

Sắc lệnh gây tranh cãi

Trong số các sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump đã ký, sắc lệnh di trú cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ gây tranh cãi nhiều nhất.

Theo đó, sắc lệnh cấm tất cả mọi người từ 7 quốc gia là Iran, Iraq, Syria, Sudan, Libya, Yemen và Somaliatrong 90 ngày; đình chỉ Chương trình Tiếp nhận người tị nạn của Mỹ trong 120 ngày.

Ngay từ khi mới được ban hành, sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối từ cả người dân và giới chức tư pháp. Quyền Bộ trưởng Tư pháp thời điểm đó là bà Sally Yates đã bị ông Trump bãi nhiệm vì lên tiếng phản đối tính hợp pháp của sắc lệnh này.

Giới chức từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng, gần 800.000 người tị nạn đã vào Mỹ từ vụ khủng bố 11/9/2001 nhưng chưa đầy 20 người bị bắt với cáo buộc khủng bố. Theo phân tích của tờ New York Times năm 2015, một nửa số vụ tấn công khủng bố ở Mỹ từ ngày 11/9/2001 là do người sinh ra ở Mỹ thực hiện.

Tiếp theo đó, một loạt các thẩm phán tại các bang cũng bác bỏ việc áp dụng sắc lệnh. Một vụ kiện đã được Tòa phúc thẩm khu vực 9 xem xét và quyết định ngưng sắc lệnh này trên toàn quốc. Đây cũng là sắc lệnh liên tiếp vấp phải hàng trăm các cuộc biểu tình của công dân Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Tạo căng thẳng với nhiều lãnh đạo

Tổng thống Trump cũng tạo ra hiềm khích với nhiều lãnh đạo quốc gia khác. Có thể kể đến đó là việc thúc đẩy kế hoạch xây bức tường biên giới Mỹ – Mexico, dẫn đến việc cuộc gặp cấp cao giữa ông với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto bị hủy.

Hay ông giận dữ gác máy trong lúc đang nói chuyện với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, vốn là một đồng minh thân cận.

Cụ thể, ngày 28/1, ông Trump nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Turnbull rằng, cuộc đối thoại giữa hai người là “tệ nhất từ trước đến nay” và đe dọa xem xét thỏa thuận tị nạn với nước này được ký dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

RELATED ARTICLES

Tin mới