Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnNhững lái súng khổng lồ

Những lái súng khổng lồ

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình buôn bán vũ khí. Theo đó, trên toàn thế giới việc buôn bán loại công cụ giết người trong 5 năm qua đã tăng ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Tên lửa Đông Phong do Trung Quốc sản xuất (Ảnh: Ausairpower.net.)

Tính từ năm 2012 đến 2016, các lái súng khổng lồ là nới xuất khẩu vũ khí lớn nhất  là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức. 5 ông lớn này xuất khẩu tới  74% lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới, trong đó Mỹ và Nga chiếm tới 56%.Lượng vũ khí mà các nước châu Á, châu Đại Dương và Trung Đông mua tăng mạnh, trong khi nhập khẩu vũ khí vào châu Âu, châu Mỹ và châu Phi  lại giảm. Lượng vũ khí nhập khẩu vào các nước châu Á và châu Đại Dương giai đoạn 2012-2016 tăng 7,7% so với 5 năm trước đó và chiếm 43% lượng vũ khí giao dịch toàn thế giới.

Đứng ngôi đàu vẫn là Mỹ, với lượng vũ khí xuất khẩu tăng 21% so với giai đoạn 2007-2011, trong đó một nửa xuất sang Trung Đông. Mỹ xuất khẩu vũ khí sang ít nhất 100 quốc gia. Các loại “hàng” chủ yếu của quốc gia này là máy bay chiến đấu mang tên lửa hành trình và các loại vũ khí có độ chính xác cao, cũng như hệ thống phòng không và chống tên lửa hiện đại thế hệ mới nhất.Còn vũ khí của Nga chủ yếu bán sang các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria… tăng 4,7% so với 5 năm trước.  

Hiện tại, trong số  các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất, Trung Quốc đứng thứ ba, chỉ sau Mỹ và Nga.  Ông Siemon Wezeman, nghiên cứu viên cao cấp về chương trình thu mua quân sự của SIPRI, cho hay:“Cách đây 10 năm, Trung Quốc chỉ có thể sản xuất những thiết bị kỹ thuật thấp. Nhưng điều này đã thay đổi. Vũ khí mà họ sản xuất đã hiện đại hơn thập kỷ trước, thu hút nhiều thị trường lớn”.

Quốc gia nào mua vũ khí Trung Quốc  nhiều nhất? Đó là các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương. Trong số này, khách hàng lớn nhất là Pakistan , Bangladesh và Myanmar.

Trong khi đó,  5 năm vừa qua, nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25%  so với giai đoạn 5 năm trước. Đủ thấy Bắc Kinh rất tự tin về ngành công nghiệp vũ khí nội địa. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình chế tạo vũ khí nội địa của nước này, nhằm đáp ứng tham vọng hàng hải trên Biển Đông và ở Ấn Độ Dương. Tổng ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm 2015 là 886,9 Nhân dân tệ (khoảng 141,45 tỷ USD), tăng 10% so với năm ngoái.

Thế nhưng nước này vẫn phải mua những máy bay vận tải lớn, trực thăng, động cơ máy bay, xe cơ giới và tàu thuyền… Xuất khẩu tuy nhiều nhưng Trung Quốc cùng với Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vẫn là những nhà nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Theo SIPRI, nhập khẩu vũ khí của các nước Trung Đông từ giai đoạn 2007-2011 đến giai đoạn 2012-2016 tăng 86%, chiếm 29% lượng nhập khẩu vũ khí của thế giới. Trong giai đoạn này, Saudi Arabia đứng thứ 2 trong số các nước nhập khẩu vũ khí với mức tăng 212%. 5 năm gần đây, phần lớn các nước Trung Đông tăng cường mua vũ khí hiện đại, chủ yếu từ Mỹ và châu Âu. Mặc dù giá dầu thấp, các nước khu vực này trong năm 2016 vẫn tiếp tục tăng cường nhập khẩu vũ khí trong bối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Giới chuyên gia nhận định, vùng Vịnh sẽ tiếp tục là thị trường chủ chốt của các nhà cung cấp vũ khí trong năm 2017. Còn  Giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin, chi nhánh Các tiểu vương quốc Arab thống nhất(UAE), ông Robert S. Harward, cho rằng: Môi trường an ninh không ổn định, các nước vùng Vịnh đang đứng trước nhiều thách thức chưa từng thấy, là nhân tố thúc đẩy hoạt động mua sắm vũ khí trong khu vực. 

Mới đây Báo điện tử Gulf News của UAE dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Boeing Defence, Space & Security’s business, thuộc tập đoàn Boeing (Mỹ), hiện chiếm khoảng 30% doanh số bán vũ khí của thế giới. Boeing có thể tiếp tục chứng kiến các cơ hội tăng trưởng khởi sắc, nhất là tại các khu vực Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương.Các xu thế hiện nay cho thấy, sự tăng trưởng ở nhiều phân khúc thị trường, trong đó không chỉ có hàng không vũ trụ mà còn cả an ninh mạng, thông tin liên lạc và thiết bị kiểm soát bạo động.

Quy định về quản lý buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) của Mỹ vẫn sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán vũ khí của nước này tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Có thể thấy cơ hội cho các nhà cung cấp vũ khí tại thị trường Trung Đông năm 2017 nằm ở các lĩnh vực công nghệ. Các hệ thống tự động, thiết bị mạng và thông tin liên lạc tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi.

Trước đây, hiện nay và ngày mai, buôn bán vũ khí vẫ là mỏ lợi nhuận siêu khủng. Ngành công nghiệp vũ khí là một ngành kinh doanh toàn cầu sản xuất vũ khí, các công nghệ và thiết bị quân sự.  Chừng nào các quốc gia còn chạy theo món lợi nhuận khủng này thì chiến tranh, khủng bố, xung đột sắc tộc còn gieo rắc cái chết cho cả loài người.

Tiếc rằng, trong số các lái súng có cả một ông Cộng sản khổng lồ: Trung Quốc!

RELATED ARTICLES

Tin mới