Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXử hình sự tội bán đồ bẩn độc: Sao quá nhân đạo?

Xử hình sự tội bán đồ bẩn độc: Sao quá nhân đạo?

Các quốc gia khác đã xử lý hình sự tội bán đồ bẩn độc từ rất lâu trong khi Việt Nam vẫn quá nhân đạo, nặng về nhắc nhở là chính.

Cần điều chỉnh cho hợp lý

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015, trong đó có đề cập đến việc xử lý hình sự vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng trong điều kiện thực phẩm bẩn độc đang tràn lan như hiện nay thì việc xem xét, áp dụng hình phạt trên là hết sức cần thiết.

Ông Thịnh nhắc đến quy định hành vi vi phạm ATTP phải làm giảm sức khỏe 30%-60% mới được xử lý đang gây tranh cãi và nhận được nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.

Theo vị chuyên gia, đây là một trong những giải pháp được đưa ra để làm căn cứ khi xuất hiện ngộ độc cấp tính, dễ phát hiện và đánh giá được tác hại. Tuy nhiên để áp dụng vào thực tế ông Thịnh cho rằng cần phải có những nghiên cứu và quy định cụ thể hơn, không thể chung chung như những khái niệm hiện nay.

“Tôi nghĩ đây chỉ là một ý kiến và ý kiến đó cũng cần thảo luận. Ngay cả ảnh hưởng đến bao nhiêu % sức khỏe, chúng ta cũng cần phải có phương pháp luận để xác định. Nếu tiến hành giám định thương tật thì dễ dàng, vì hiện nay đã có các phương pháp luận để làm. Nhưng về mặt ngộ độc thì thế nào là 30%, 40% vẫn phải bàn bạc thêm chứ không thể đưa ra 1 cách chung chung.

Tôi nghĩ nếu được thông qua thì  khi đó một loạt các chuyên gia khác sẽ làm tiếp. Sau khi Quốc hội chốt phương án, chúng ta sẽ có cơ sở để xác định được tình trạng sức khỏe của người bệnh”, ông Thịnh khẳng định.

Ông Thịnh chia sẻ, đối với  ngộ độc cấp tính chúng ta có thể xem xét mức độ tổn hại sức khỏe để yêu cầu xử lý tuy nhiên với trường hợp ngộ độc trường diễn, phải 10 năm sau mới có ảnh hưởng, không thể xác định được ngay lập tức tổn hại sức khỏe. Do đó, vị chuyên gia đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước phải có những cách thức đánh giá khác nhau để xử lý toàn diện vấn đề.

“Tôi đề nghị căn cứ vào tổng số lượng hàng hóa của cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu vượt quy định cho phép thì sẽ bị truy cứu. Ví dụ nước uống vừa rồi bị nhiễm chì và với số lượng lớn như vậy thì hoàn toàn có thể căn cứ vào số lượng kiểm tra, kê khai để đưa ra biện pháp xử lý.

Cách thứ 2 là xử lý dựa vào mức độ nguy hiểm của sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào thời gian chất độc hại có thể khả năng gây bệnh tật cho người sử dụng để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.  Nếu mức độ nguy hại tính bằng tiền dưới mức độ quy định thì sẽ tiến hành xử phạt hành chính, còn trên mức độ đó thì xử lý hình sự”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cùng đưa ý kiến, TS Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam khẳng định, cá nhân ông hoàn toàn đồng tình với việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm vệ sinh ATTP.

Tuy nhiên, ông Vân cho rằng, không cần đưa ra quy định phải chứng minh sức khỏe bị ảnh hưởng từ 30-60% mới được xử lý các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trái phép.

“Việc này sẽ rất khó khăn và gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với  việc xử lý hình sự các vi phạm về ATTP vì nếu chúng ta khôn làm mạnh sẽ khiến cho xã hội trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát.  Đặc biệt với những trường hợp cố tình vi phạm, chứ không phải do thiếu hiểu biết thì lại càng phải xử lý nghiêm hơn”, ông Vân nhấn mạnh.

Các nước xử từ lâu, Việt Nam quá nhân đạo

Tiếp tục phân tích, TS Nguyễn Kim Vân nhận định, các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đều quản lý rất tốt vấn đề vệ sinh ATTP. Trong khi đó Việt Nam thời gian qua tình trạng này ngày càng phức tạp và khó xử lý.

Theo ông Vân, những nước này xây dựng hệ thống pháp luật hết sức chặt chẽ, theo từng cấp độ để xử lý ngay các trường hợp vi phạm. Họ sẽ đối chiếu theo khung hình phạt để đưa ra các biện pháp như xử lý hình sự, xử phạt hành chính, thậm chí đưa ra các biện pháp hòa giải.

Một vấn đề quan trọng khác ông Vân đề cập đến đó là ý thức của người dân. Trong khi các nước đều tuân thủ nghiêm các quy định được đưa ra thì nhiều hộ kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam lại không chấp hành, thậm chí tìm cách để lách luật.

“Các quốc gia khác vẫn sử dụng những loại thuốc, chất bảo quản nhưng họ sử dụng đúng mục đích, đúng hướng dẫn và liều lượng. Không bao giờ có chuyện dùng thuốc trừ cỏ cho lúa đưa sang pha chế để ngâm chuối, biến chuối xanh thành chuối già, vàng nhanh rồi bán trên thị trường.  Nhưng vô trách nhiệm trên đã gây ra nhiều trường hợp ngộ độc chết người.

Trong khi các quốc gia khác làm rất nghiêm túc. Họ có ý thức ngay từ người sản xuất cho đến người kinh doanh.

Tôi đã từng đi sang Nhật, sang Úc. Không phải tự động chúng ta có thể vào vườn hoa ngắt cành lá hay tự động bắt con vật này kia. Họ sẽ phạt rất nặng. Ở các nước châu Âu hay Đông Âu nếu bắt bồ câu về làm thịt thì người ta phạt rất nặng, có thể đến mấy tháng lương.

Còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Các hình phạt cũng như chế tài của chúng ta còn quá nhẹ, thiên về nhắc nhở là chủ yếu nên không tạo được tính răn đe”, ông Vân dẫn chứng.

Bổ sung thêm ý kiến, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng Việt Nam đang quá nhân đạo trong vấn đề xử lý vi phạm ATTP. Trong khi các quốc gia khác trên thế giới đã áp dụng biện pháp xử lý hình sự với các hành vi kinh doanh trái phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng thì Việt Nam vẫn chủ yếu xử phạt hành chính và nhắc nhở.

“Những nước tiên tiến như Nhật, Mỹ, Châu Âu đều xử lý hình sự hết. Họ cũng có 2 mức xử phạt hành chính và xử phạt hình sự. Và tùy thuộc vào đặc điểm từng nước để có những quy định phù hợp. Thậm chí ở Trung Quốc còn có luật tử hình với các vi phạm về ATTP. Chẳng hạn như vụ bán sữa nhiễm Melamine, Trung Quốc đã xử tử 2 người, trong đó có giám đốc công ty phụ trách sản xuất.

Hiện nay Quốc hội cũng đang rất bức xúc trước tình trạng này. Nhà nước đã kiên quyết đưa vào luật và đang xin ý kiến về việc hình sự hóa vi phạm về ATTP. Tôi đánh giá đây là mức độ rất cao. Tuy nhiên nói như vậy không phải là để chúng ta đi mang bỏ tù, bỏ tội nhiều người. Mục đích chính của biện pháp này là răn đe để giảm bớt các hành vi vi phạm pháp luật. Càng nghiêm minh bao nhiêu thì mức độ nguy hiểm của ATTP sẽ càng ít đi, số lượng người phạm pháp ít hơn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhanh chóng áp dụng

Một vấn đề khác được TS Nguyễn Kim Vân nhắc đến, đó là tỷ lệ các căn bệnh ung thư tại Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây. Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức thì phần đông trong số đó có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng phải những thực phẩm bẩn độc, kém chất lượng.

Theo ông Vân, bản thân hóa chất hay các chất phụ gia không có tội. Ở đây do người sử dụng vô ý thức, bất chấp các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh ATPP nên gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội. Nếu không xử lý dứt điểm và nhanh chóng đưa biện pháp xử lý hình sự đối với vi phạm của các hộ sản xuất kinh doanh thì tình hình ATTP sẽ ngày càng báo động hơn nữa.

“Nếu không xử lý nghiêm thì sẽ tạo cơ hội cho nhiều người làm ăn gian dối. Chúng ta không chỉ có 1 mặt hàng mà rất nhiều mặt hàng đang bày bán trên thị trường. Điều này rất nguy hiểm.

Việc các mặt hàng được nhập lậu, đi qua con đường tiểu ngạch và cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được sẽ thật sự rất nguy hiểm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến chất lượng lương thực thực phẩm và an toàn thực phẩm”, ông Vân kiến nghị.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, ngoài việc cụ thể hóa Luật xử lý hình sự vi phạm về ATTP bằng các nghị định, văn bản hướng dẫn, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.

“Vấn đề không hẳn chỉ là Luật mà phải giáo dục ý thức tự giác cho người dân. Nếu chờ đến Luật thì mọi thứ không phải muộn nhưng mà có thể hiệu quả thấp. Luật chỉ mang tính răn đe. Mỗi người dân phải ý thức được trách nhiệm công dân của mình trước vấn đề an toàn cho chính bản thân mình, cho gia đình, cho dân tộc”, ông Thịnh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới