Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKiểm toán trạm BOT, giảm 100 năm thu phí: Rất bức xúc

Kiểm toán trạm BOT, giảm 100 năm thu phí: Rất bức xúc

“Cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể, kể cả xử lý hình sự nếu có khi để xảy ra những sai phạm tại các trạm thu phí BOT…”

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Hà Nội thẳng thắn nêu quan điểm.

Trách nhiệm cụ thể của Bộ GTVT, Bộ Tài chính…

Vị chuyên gia bày tỏ rất bức xúc trước những sai phạm liên tiếp của những trạm thu phí BOT thời gian qua. Ông Liên cho biết hoàn toàn đồng tình với những kết luận của KTNN liên quan tới những sai phạm tại các trạm thi phí BOT như: Kiểm tra 27 trạm BOT đã giảm tới gần 100 năm thu phí. Đáng chú ý, hầu hết trong tổng số 27 dự án được kiểm toán đều được chỉ định thầu; có đường dân không đi vẫn phải đóng phí; Nâng cấp, cải tạo tuyến cũ, buộc dân phải trả phí mà không được đi đường miễn phí…

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết, những nội dung kết luận của kiểm toán không nằm ngoài những phản ánh của dư luận trong suốt cả một thời gian dài vừa qua.

Ông cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ những sai phạm đó được công bố dựa trên những phản ánh của báo chí, dư luận từ hàng năm qua chứ không phải từ phía các cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư.

“Sự thiếu sòng phẳng, minh bạch của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch đầu tư… về những sai phạm trên khiến dư luận cảm thấy khó hiểu”, ông Liên nêu.

Theo ông, dư luận hoàn toàn có quyền đặt nhiều câu hỏi về lợi ích nhóm, nhiều băn khoăn về sự khuất tất giữa các doanh nghiệp BOT với các cơ quan quản lý trong trường hợp này.

“Là yếu kém về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ hay là có sự thỏa thuận ngầm, đi đêm, móc ngoặc với doanh nghiệp để đẩy chi phí, giá thành BOT lên cao làm lợi cho cá nhân, làm lợi cho doanh nghiệp?”, ông Liên đặt câu hỏi.

Do đó, vị chuyên gia đồng tình và bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý, các cơ quan điều tra sau khi công bố kết luận sai phạm phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức để xử lý thật nghiêm.

“Tại sao một công dân vi phạm đèn vàng, đèn đỏ lập tức CSGT bắt lỗi và phạt ngay mà cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống hàng triệu người dân, làm méo mó cả một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong đầu tư BOT lại không bị xử lý”?, ông Liên tiếp tục đặt câu hỏi.

Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Hà Nội cho rằng, mới chỉ kiểm tra 27 trạm thu phí đã giảm được 100 năm, đó là con số không hề nhỏ.

“Một trạm thu phí, thu hàng chục tỷ mỗi ngày, con số này nhân với 27 trạm, thu trong 100 năm số tiền sẽ là bao nhiêu?”

“Đó là sai phạm rất lớn cần phải xử lý nghiêm từng cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm cũng như buông lỏng trong quản lý dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng nêu trên. Việc xử lý sai phạm tại các trạm thu phí BOT cũng phải được thực hiện giống như xử lý trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan tới sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh, có như vậy mới thỏa đáng”, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Về những kiến nghị từ phía KTNN, ông Liên chỉ ra một số vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, đối với kiến nghị cần ban hành chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để người dân có quyền lựa chọn mất tiền hay đi đường miễn phí.

Ông Liên cho hay, việc này Chính phủ hoàn toàn có thể lựa chọn một số tuyến đường để sửa chữa, nâng cấp bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ, huy động từ nguồn lực của dân mà không bắt buộc phải kêu gọi đầu tư BOT, sau đó buộc dân phải trả tiền.

Thứ hai, người dân không đi vẫn phải trả tiền. Đó là điều vô lý, Chính phủ phải khắc phục.

Thứ ba, về khoảng cách tối thiểu đặt trạm thu phí. Ông Liên cho biết, tình trạng trên xảy ra là do có sự thỏa thuận giữa địa phương với bộ, ngành và doanh nghiệp.

Ông lấy ví dụ, trên tuyến Hà Nội – Thái Bình có hơn 100 cây số nhưng đã có tới 4 trạm thu phí. 2 trong 4 trạm đó là do địa phương tự thỏa thuận với doanh nghiệp đặt ra.

Trường hợp này, ông Liên kiến nghị Chính phủ nên đứng ra mua lại 2 trạm thu phí bất hợp lý đó để giảm gánh nặng cho dân.

Đề cập tới tình trạng chênh lệch tiền thu phí tại các trạm thu phí BOT thời gian quan, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Hà Nội yêu cầu các cơ quan quản lý phải chỉ rõ sai phạm cụ thể như thế nào? Sai phạm ở đâu? Ai sai?.

“Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra phải chỉ ra sai phạm cụ thể như thế nào? Số tiền sai phạm đó cũng phải được thu hồi xung công quỹ chứ không phải nêu lên rồi để đấy”, ông Liên nhấn mạnh.

Nâng cấp, cải tạo tuyến cũ, dân không còn cơ hội sử dụng đường miễn phí

Trước đó, báo chí đưa tin, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán đối với 27 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2011-2016 được đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội xem xét sáng 21/2. Trong bản kết luận, KTNN đã chỉ ra rất nhiều sai phạm liên quan tới những dự án này.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phương thức đầu tư theo hợp đồng BOT chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát lãng phí.

Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Tại nhiều dự án “nâng cấp, cải tạo” tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Cũng theo kết quả kiểm toán, dù Bộ Tài chính hướng dẫn khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70km, nhưng thực tế không đáp ứng được như vậy do có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương.

Liên quan tới nội dung thu phí, KTNN cho biết nhiều dự án trong số 27 dự án kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí. Đáng chú ý, hầu hết trong tổng số 27 dự án được kiểm toán đều được chỉ định thầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới