Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKiểm toán BOT, giảm 100 năm thu phí: Phải xin lỗi dân

Kiểm toán BOT, giảm 100 năm thu phí: Phải xin lỗi dân

“Khi BOT xây dựng chỉ dựa trên lợi ích nhóm, lợi ích chủ đầu tư chứ không đứng trên lợi ích của người dân thì sai phạm là dễ hiểu”.

BOT thu sai, phải bồi thường cho dân (Ảnh: Lao động).

TS Nguyễn Xuân Thủy nói thẳng liên quan tới kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về những sai phạm tại 27 trạm BOT đã được công bố.

Người dân không phải là túi tiền tiết kiệm của BOT

Ông Thủy cho biết, những sai phạm trên hoàn toàn có thể được dự báo trước, và trên thực tế dư luận đã theo sát, phản ánh trong suốt quãng thời gian dài.

Chỉ rõ ba vấn đề, vị chuyên gia nói:

Thứ nhất: Thiếu thông tin công khai, minh bạch.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện không có cơ quan giám sát, không có cơ quan chịu trách nhiệm hoặc có cũng làm không hết trách nhiệm, sơ xài, cẩu thả.

Thứ ba, dự án được xây dựng chỉ dựa trên lợi ích của một nhóm người, lợi ích của chủ đầu tư mà không dựa trên lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Phân tích cụ thể hơn, vị chuyên gia cho biết, sự thiếu minh bạch, thiếu công khai các thông tin liên quan tới dự án cả từ phía chủ đầu tư cũng như từ phía cơ quan quản lý nhà nước là tiền đề cho những sai phạm, những tiêu cực, thất thoát tại các trạm BOT hoành hành.

Về phía chủ đầu tư BOT bên cạnh việc phải công khai dự án, còn phải công khai cả thời gian thu phí, mức thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm thu phí để người dân kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, việc công khai thông tin dù đã có chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng chủ đầu tư vẫn tìm cách né tránh không công bố hoặc có công bố cũng không đầy đủ, cụ thể.

Còn đứng về phía Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT là những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước cũng cần phải minh bạch mọi thông tin liên quan.

Cụ thể là phải minh bạch mức thu phí, số phí thu được qua từng quý, từng tháng, từng năm từ đó quy định thời gian thu phí hợp lý.

Vì đứng về phía doanh nghiệp, khi nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng thì họ phải có lợi nhuận. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm tính toán hài hòa giữa lợi ích chủ đầu tư với lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Nếu có những cơ chế quản lý chặt chẽ, minh bạch thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo được lợi nhuận, còn người dân và doanh nghiệp cũng vẫn có thể chịu đựng được.

“Tuy nhiên, cứ nhìn vào thực tế thì sao?”, vị chuyên gia tự đặt câu hỏi rồi lại tự đi tìm câu trả lời.

“Liên tục dư luận lên tiếng về những sai phạm nhập nhèm của các trạm BOT như thu chênh phí, thu sai phí, thu quá nhiều phí…

Điển hình tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, số thu bình quân là 1,97 tỉ đồng/ngày, trong khi chủ đầu tư báo cáo số thu bình quân chỉ là 582 triệu đồng/ngày.

Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT phải rút ngắn thời gian thu phí của 4 dự án ít nhất từ năm năm trở lên. Thậm chí có trạm thu phí bị đề nghị rút thời gian thu phí từ 24 năm xuống còn… 13 năm.

Theo ông Thủy, quy trình mà Bộ GTVT nói hoàn toàn không sai. Để có được những dự án trên trước hết Bộ KHĐT là đơn vị tham mưu chính, Bộ GTVT là đơn vị xây dựng đề án và đề xuất lên Chính phủ, tiếp đến là Bộ Tài chính đồng ý về chủ trương đầu tư tài chính, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cuối cùng nhưng đóng vai trò khá quan trọng trong vấn đề khuyến khích, hỗ trợ vốn cho dự án triển khai.

Tức là, toàn bộ kế hoạch xây dựng, quy định mức thu phí, thời gian thu phí… đều đã có sự thỏa thuận, thống nhất giữa các cơ quan quản lý với chủ đầu tư.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi thỏa thuận, làm việc như vậy các cơ quan quản lý nhà nước đã đặt quyền lợi của người dân nằm ở vị trí nào trong các bản hợp đồng xây dựng BOT ấy?

Bởi theo ông, nếu lợi ích của người dân được xem trọng những sai phạm sẽ ít xảy ra.

“Đến thời điểm này, KTNN đã vào cuộc, chỉ ra một loạt những sai phạm tại 27 dự án BOT như: Kiểm tra 27 trạm BOT đã giảm tới gần 100 năm thu phí; Hầu hết trong tổng số 27 dự án được kiểm toán đều được chỉ định thầu; có đường dân không đi vẫn phải đóng phí; Nâng cấp, cải tạo tuyến cũ, buộc dân phải trả phí mà không được đi đường miễn phí… mà vẫn có những lãnh đạo thuộc các bộ, ngành chủ quản lên tiếng bao biện đó là “sai sót chuyên môn”.

Tôi cho rằng, người dân có quyền nghi ngờ những sai phạm trên có liên quan tới các nhóm lợi ích khi thỏa thuận để ký hợp đồng. “, ông Thủy nói.

“Cần phải chấm dứt ngay việc thu tiền phí BOT một cách bừa bãi. Chấm dứt ngay tình trạng coi người dân là cây ATM để các trạm BOT rút tiền”, vị chuyên gia bức xúc.

Ngoài ra, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, yếu tố lợi ích là lý do khiến chủ đầu tư cũng như các cơ quan chủ quản cố tình trì hoãn, dây dưa không muốn áp dụng, cố tình chậm áp dụng công nghệ thu phí ETC trong thu phí.

“Chính phủ phải ra Nghị định quy định chặt chẽ những vấn đề liên quan tới BOT. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phải lên tiếng mạnh mẽ, thực hiện quyền giám sát chặt chẽ các hoạt động thu phí. Chỉ như vậy mới loại trừ được tình trạng thương mại hóa giao thông một cách tùy tiện. Coi người dân là túi tiền tiết kiệm của BOT muốn thu bao nhiêu cũng được như hiện nay là không được”, ông Thủy nhấn mạnh.

Phải xin lỗi dân

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, KTNN mới chỉ làm việc qua 27 trạm BOT mà đã giảm được gần 100 năm thu phí, trong khi cả nước có tới hơn 80 trạm thu phí con số này sẽ lên tới bao nhiêu?

Chưa nói tới những hình thức làm ăn gian dối, thu chênh phí, nộp phí không đủ gây thất thoát nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước của các chủ đầu tư BOT. Tiếp tục chỉ thẳng vấn đề nằm ở khâu kiểm tra, giám sát thiếu minh bạch, thiếu công khai, vị chuyên gia yêu cầu phải xử lý trách nhiệm trực tiếp những đơn vị liên quan để làm gương. 

“Chính những bộ trưởng các bộ phải là người chịu trách nhiệm chứ không phải một nhân viên hay anh chánh văn phòng nào cả. Vì ai cũng hiểu không phải tự nhiên chủ đầu tư BOT có thể tự xây dựng, tự đưa ra mức phí bao nhiêu? Thu trong bao nhiêu năm?”, ông Thủy nói.

Do đó, vị chuyên gia yêu cầu những cơ quan có trách nhiệm phải đứng ra xin lỗi người dân, đồng thời phải tìm cơ chế bồi thường lại những khoản thu sai, thu chênh cho người dân.

“Không thể có chuyện thu sai của dân hàng nghìn tỷ mà lại coi như không có chuyện gì xảy ra. Vì vậy, cần có cơ chế chỉ đạo các chủ đầu tư phải giảm bớt mức phí cho các phương tiện khi đi qua các trạm thu phí BOT trên trong khoảng thời gian nhất định”, ông Thủy nói.

“Tư duy tận thu phải được thay đổi. Phải lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ chứ không phải quyền lợi của doanh nghiệp là trung tâm”, vị chuyên gia chỉ rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới