Friday, April 19, 2024
Trang chủThâm cung bí sửGiải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình...

Giải mã chiến dịch của Mao Trạch Đông biến Đặng Tiểu Bình thành người “không ai cản nổi”

Mao Trạch Đông đã từng dự đoán rằng, sau khi ông qua đời, không ai có thể cản nổi Đặng Tiểu Bình còn Giang Thanh về sau như thế nào thì “chỉ có trời mới biết”.

Đặng Tiểu Bình (trái) và cố Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Ảnh: SCMP

Theo Sina (Trung Quốc), sau vụ rơi máy bay của Phó chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc Lâm Bưu vào ngày 13/9/1971, Mao Trạch Đông gặp phải đả kích lớn khiến sức khỏe ngày càng suy yếu. 

Tháng 6/1974, Thủ tướng Chu Ân Lai lâm trọng bệnh, phải nằm viện điều trị. Điều này khiến Mao Trạch Đông buộc phải xem xét tìm người thay thế Chu đảm nhiệm công việc của đảng.

Lúc này Đặng Tiểu Bình mới khôi phục công tác sau vụ đấu tố trong Cách mạng văn hóa, phụ trách công việc thường ngày của Trung ương đảng và Quốc vụ viện.

Những năm cuối đời, Mao Trạch Đông đã từng dự đoán rằng, sau khi ông qua đời, không ai có thể ngăn cản nổi Đặng Tiểu Bình còn Giang Thanh về sau như thế nào thì “chỉ có trời mới biết”.

Chiến lược “bốn bước” của Mao Trạch Đông

Để giúp Đặng Tiểu Bình thuận lợi phụ trách công việc, Mao Trạch Đông đã xây dựng bốn bước kế hoạch.

Trước hết, khôi phục công tác để Đặng nắm rõ tình hình, xây dựng uy tín. Mao Trạch Đông đã đích thân đề bạt giúp Đặng Tiểu Bình khôi phục công tác và khẳng định rằng, khi còn ở căn cứ địa cách mạng, Đặng đã đồng cam cộng khổ với Mao và cũng không có vấn đề chính trị, có công trong chiến tranh giải phóng và xây dựng ĐCSTQ sau này.

Chính khẳng định của Mao đã giúp Đặng xóa bỏ cái bóng “thành phần phản cách mạng” trong thời kỳ Cách mạng văn hóa và trở thành Ủy viên trung ương đảng, tham gia lãnh đạo Quốc vụ viện.

Bước hai, đề bạt Đặng Tiểu Bình trở thành Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Quân ủy, tham gia lãnh đạo quân ủy. Đồng thời bổ nhiệm Đặng vào vị trí Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, giúp Đặng trở thành hạt nhân lãnh đạo của trung ương và quân đội.

Tại hội nghị Bộ chính trị tháng 12/1973, Mao Trạch Đông đã hết lời khen ngợi Đặng Tiểu Bình như “làm việc quyết đoán”, “trong nhu có cương” v.v…

Theo Sina, việc Đặng được người quyền cao chức trọng trong toàn đảng, toàn quân, toàn quốc là Mao Trạch Đông đánh giá cao cho thấy, trước tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu, Mao và Chu cần phá bỏ thông lệ, nhanh chóng đưa Đặng lên vị trí lãnh đạo quan trọng.

Điều này giúp sự nghiệp của Mao, Chu có người kế nhiệm.

Bước ba, để Đặng Tiểu Bình tham gia hội nghị tại Liên hợp quốc, “tỏa sáng công khai” trên trường quốc tế.

Tháng 4/1974, Hội nghị đặc biệt khóa VI Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc với sự tham gia của các nhà hoạt động chính trị quan trọng và người đứng đầu chính phủ các nước.

Đặng Tiểu Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự. Tại hội nghị, bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Đặng đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế.

Khi đó, giới truyền thông Trung Quốc ra sức ca ngợi rằng Đặng Tiểu Bình không chỉ đại diện cho hình tượng một Trung Quốc mới mà còn là “người đại diện tuyệt vời nhất” của Chu Ân Lai.

Bước bốn, hoàn thành thủ tục pháp lý, giúp Đặng Tiểu Bình chính thức đảm đương công tác lãnh đạo quan trọng trong hệ thống đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Đối với việc lựa chọn Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm công tác lãnh đạo quan trọng của hệ thống đảng, chính phủ, quân đội, Mao Trạch Đông đã xem xét kỹ lưỡng trong thời gian hơn năm tháng tại Hồ Bắc và Hồ Nam.

Đến tháng 1/1975, thông qua văn kiện 1, Hội nghị toàn thể lần thứ II Ủy ban trung ương khóa X và Đại hội đại diểu nhân dân toàn quốc khóa IV, Mao đã nhanh chóng hoàn thành thủ tục tổ chức và trình tự pháp lý bổ nhiệm Đặng vào vị trí Phó Chủ tịch trung ương ĐCSTQ, Phó thủ tướng Quốc vụ viện thứ nhất, Phó chủ tịch quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng quân giải phóng.

Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo hạt nhân Trung Quốc

Theo báo Trung Quốc, lúc này Mao Trạch Đông rất xem trọng Đặng Tiểu Bình bởi Mao từng nói: “Vương Hồng Văn không bằng Đặng Tiểu Bình”. Vương Hồng Văn, một phần trong “nhóm 4 tên” thời Cách mạng văn hóa, từng là một trong những người được Mao chọn vào đội ngũ kế nhiệm.

Ngay sau khi Đặng trở thành Phó thủ tướng thứ nhất vào ngày 4/10/1974 thì ngày 11/10, ĐCSTQ ra tuyên bố quyết định khai mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) khóa IV vào ngày 13-17/1/1975.

Chính tại đại hội này, Đặng Tiểu Bình được xác định trở thành hạt nhân lãnh đạo Quốc vụ viện.

Trước đó, ngày 23/2/1974, Chu Ân Lai đáp máy bay đến Trường Sa, Hồ Nam để báo cáo với Mao Trạch Đông về công tác trù bị Đại hội trên. Vương Hồng Văn cũng có mặt tại buổi nói chuyện này.

Khi đó, Mao tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ Đặng: “Các đồng chí ngồi lại đây nói chuyện, báo cáo công tác của đồng chí Đặng Tiểu Bình tại Bắc Kinh”.

“Politics – chính trị – mạnh hơn cậu ta”, Mao chỉ về phía Vương Hồng Văn khi nói với Chu Ân Lai.

Vương Hồng Văn ngây người ra do không hiểu tiếng Anh. Mao Trạch Đông buộc phải nói lại với Vương lần nữa: “Năng lực chính trị của đồng chí không mạnh bằng Đặng Tiểu Bình”.

Vừa nói Mao vừa viết ra giấy chữ “cường” (mạnh mẽ).

Khi Chu Ân Lai báo cáo công tác sắp xếp nhân sự đại hội, nói đến việc Đặng Tiểu Bình đảm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tổng tham mưu trưởng, Mao Trạch Đông chậm rãi nói:

“Tôi nghĩ rằng, Tiểu Bình làm Phó chủ tịch quân ủy. Phó chủ tịch quân ủy, Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tổng tham mưu trưởng”.

Mao lại đặt bút viết: “Nhân tài nan”. Chu Ân Lai đọc và thốt lên: “Nhân tài khó kiếm”.

Mao Trạch Đông quay sang nói với Vương Hồng Văn: “Thủ tướng là Thủ tướng của chúng ta”. Rồi lại nói với Chu Ân Lai rằng: “Đồng chí sức khỏe kém, sau đại hội này nên an tâm dưỡng bệnh. Công việc của Quốc vụ viện có thể để đồng chí Đặng Tiểu Bình đảm đương”.

Chu Ân Lai nghe xong liền gật gật đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới