Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐiểm tinNga: Hải quân Việt Nam mua vũ khí gì cũng sẵn sàng

Nga: Hải quân Việt Nam mua vũ khí gì cũng sẵn sàng

Các quan chức Nga đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác quân sự tốt đẹp giữa hai nước và sẵn sàng bán thêm vũ khí hải quân cho Việt Nam.

Việt Nam được trang bị các loại tàu nổi, tàu ngầm hiện đại của Nga

Nga muốn bán thêm vũ khí hải quân cho Việt Nam

Bên thềm lễ thượng cờ trên 2 tàu ngầm Kilo thứ 5 và thứ 6 của hải quân Việt Nam, các quan chức Nga tuyên bố rằng, nước này sẵn sàng bán thêm các loại trang bị-vũ khí hải quân, đặc biệt là các phương tiện tác chiến như tàu ngầm và chiến hạm mặt nước cho Việt Nam.

Theo truyền thông Việt Nam, vào sáng ngày 28/02, tại căn cứ quân sự Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân Việt Nam đã tổ chức lễ thượng cờ cho 2 tàu ngầm Kilo 636 thứ 5 và thứ 6 mang số hiệu 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân cùng với một số lực lượng khác đã được ưu tiên hiện đại hóa để trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, quân chủng Hải quân đã phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức lực lượng và trang bị vũ khí, trong đó có lực lượng tàu ngầm hiện đại, có uy lực tác chiến cao với 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka của Nga, mà 2 chiếc cuối cùng được thượng cờ ngày 28/02.

Trong bối cảnh đó, ông Vladimir Kozhin, trợ lý Tổng thống Liên bang Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật tuyên bố trước giới truyền thông rằng, Nga sẵn sàng phát triển sự hợp tác quân sự với Việt Nam lên tầm cao mới, có thể tiếp tục là các hợp đồng cung cấp các loại vũ khí tiên tiến nhất.

“Căn cứ vào mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta, phía Nga đã bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho phía Việt Nam trong việc củng cố quân đội, kể cả với các chủng loại tàu nổi và tàu ngầm hiện đại” – vị quan chức Nga nhấn mạnh.

Theo lời ông Kozhin, vào ngày 28/2 đã diễn ra buổi lễ thượng cờ hải quân Việt Nam trên 2 tàu ngầm diesel-điện thứ 5 và thứ 6, thuộc dự án 636 (Project 636) do Công ty cổ phần Admiralty Verfi đóng theo đơn đặt hàng 6 chiếc của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Vị quan chức Nga hào hứng nhấn mạnh, các tàu ngầm đã được Lực lượng hải quân Nhân dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức đưa vào biên chế và sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nên độc lập của và chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hồi tháng 12 năm ngoái, vị quan chức Nga cũng đã từng gọi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, song song bên cạnh các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Algeria, đặc biệt là về lĩnh vực hải quân.

Hầu hết các loại vũ khí-trang bị hải quân của Việt Nam là sản phẩm của Liên Xô/Nga, trong đó những vũ khí hiện đại nhất mới mua trong giai đoạn gần đây, từ tàu nổi, tàu ngầm, hệ thống tên lửa bờ đối hạm, tiêm kích đánh biển cho đến các thiết bị thông tin, radar…

Việt Nam là một trong những đối tác hải quân lớn nhất của Nga

Giám đốc của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) là ông Igor Korotchenko cũng đã từng đánh giá, tiếp nối truyền thống hợp tác hữu nghị với Liên Xô, Việt Nam đã, đang và sẽ là một trong những đối tác kỹ thuật quân sự quan trọng nhất của Nga.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nóng lên do những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia trong khu vực, nguồn vũ khí cung cấp từ Nga sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam vững tin khi đối phó với bất kỳ diễn biến xấu nào.

Nhờ những hợp đồng ký với Nga, Việt Nam đã nhận được hai tổ hợp tên lửa cơ động bảo vệ bờ biển K-300P Bastion-P, sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-800 Yakhont (SS-N-26). Mỗi tổ hợp khả năng bảo vệ cho 600 km bờ biển và kiểm soát vùng biển 200.000 km2.

Các tàu cao tốc tên lửa Project 1241.8, lớp Molniya mà Nga bàn giao cho Việt Nam đã chứng minh chất lượng rất tốt, tạo cơ sở để phía Việt Nam ký thêm hợp đồng với Nga, cung cấp giấy phép chuyển giao công nghệ để chế tạo trong nước thêm 6 chiếc nữa.

Ngoài 2 chiếc đầu tiên đã nhận, Nga còn đang đóng cho Việt Nam 2 tàu hộ vệ tên lửa “Gepard 3.9” theo hướng nâng cao năng lực chống ngầm và thiết kế thêm nhà chứa máy bay trực thăng. Việt Nam cũng đã đề xuất mua thêm 2 tàu trang bị tên lửa hành trình Kalibr.

Không quân Việt Nam cũng đã nhận được từ Nga hàng chục máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30. Những chiếc tiêm kích đa năng này không chỉ có khả năng không chiến, tấn công mặt đất, mà còn có thể đánh biển rất tốt. Đây cũng sẽ là vũ khí lợi hại nâng cao khả năng tác chiến biển cho Việt Nam.

Không chỉ được mua các vũ khí hiện đại nhất của Nga, sự hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật quân sự cũng giúp hải quân Việt Nam tiếp cận được với những công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại nhất, tiêu biểu là chương trình hợp tác chế tạo tên lửa chống hạm Kh-35UE, có tầm phóng lên tới gần 300km.

Loại tên lửa này có thể gắn trên tàu nổi, hệ thống phòng thủ bờ biển, hệ thống tên lửa container, máy bay chiến đấu, thậm chí là cả máy bay trực thăng tấn công Ka-52K, không chỉ là một lợi khí cực lớn giúp Việt Nam nâng cao khả năng tác chiến biển mà còn nâng cao rất nhiều trình độ chế tạo tên lửa của ngành công nghiệp quốc phòng đất nước.

Ông Igor Korotchenko nhận định, hợp tác thương mại quân sự-kỹ thuật của Nga và Việt Nam có triển vọng tốt đẹp và rõ ràng là còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Bởi việc mua một số hệ thống vũ khí riêng biệt cũng đồng nghĩa là tạo cơ sở cho những hợp đồng mới.

Ví dụ như mua tàu ngầm còn phải xét đến hệ thống trang bị cho căn cứ và phương tiện bảo vệ, bố phòng dành cho những điểm neo đậu tàu ngầm. Ngoài ra, cũng phải xây dựng trung tâm liên lạc, đảm bảo truyền đạt mệnh lệnh chỉ huy đến tàu thuyền đang trên hành trình tuần tra chiến đấu…”.

Chuyên gia Nga nhận xét: “Tất cả những điều đó tạo cơ sở để ký kết các hợp đồng mới giữa Moscow và Hà Nội. Đương nhiên Nga luôn xuất phát từ yêu cầu của khách hàng, đối với bất cứ loại vũ khí nào mà Việt Nam quan tâm, chúng tôi nhất định sẽ có phương án tốt đẹp nhất”.

Các chuyên gia Nga nhận định, trong thời gian dài tới, Việt Nam sẽ tiếp tục mua sắm các trang bị tác chiến hải quân của Nga bởi tính năng tiên tiến, giá rẻ, dễ bảo dưỡng và đặc biệt là nguồn cung đảm bảo độ tin cậy 100%, không bị ảnh hưởng hay chi phối bởi các yếu tố chính trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới