Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 03/03

Bản tin Biển Đông ngày 03/03

Bản tin Biển Đông ngày 03/03/2017.

Phát ngôn viên của Kỳ họp thứ 5 Chính hiệp Trung Quốc khóa 12 mạnh miệng đáp trả những cáo buộc quốc tế đối với hành động xây dựng đảo trái phép của mình trên Biển Đông

Ngày 2/3, hãng Tân Hoa xã đưa tin, trong một cuộc họp báo tại Đại Lễ đường Nhân dân Trung Hoa, trước những thông tin và dư luận quốc tế quan ngại về các hành động của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải thông qua việc xây dựng các công trình nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có các công trình dùng để tên lửa, ông Vương Quốc Khánh, Phát ngôn viên của Kỳ họp thứ 5 Chính hiệp Trung Quốc khóa 12 đã chỉ trích đó là một “nhận định giả dối”. Ông này lớn tiếng phát biểu rằng, “kể từ khi Trung Quốc thu hồi các “đảo” ở Biển Đông cuối Thế chiến thứ II, chưa từng có vấn đề gì xảy ra đối với tự do hàng hải ở khu vực”. Mặt khác, ông Vương khăng khăng rằng, “các “đảo” ở Biển Đông là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc” nên việc Trung Quốc xây dựng các công trình phòng thủ là “cực kỳ bình thường”.

Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu du lịch ra Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Ngày 2/3, hãng Tân Hoa xã đưa tin, một tàu du lịch mới có tên Changle Gongzhu đã bắt đầu chuyến hải trình xuất phát từ “Tam Á” tới Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, với 308 hành khách trên tàu. Chủ chiếc tàu, cũng là một nhân viên của Công ty Vận tải Eo biển Hải Nam cho biết, chuyến hải trình này sẽ kéo dài 4 ngày 3 đêm. Dự kiến tàu sẽ tới Trường Sa sáng ngày 3/3, thăm Bãi Xà Cừ, Ốc Hoa và đảo Ba Ba.

Việc làm này cùng các hoạt động quân sự hóa các cấu trúc mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông sẽ tiếp tục làm nóng tình hình Biển Đông trong thời gian tới.

Biển Đông: nhiều câu hỏi hơn câu trả lời

Ngày 3/3, trang The Stratfor đăng bài viết “Có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời ở Biển Đông”. Bài viết khẳng định, mặc dù những căng thẳng trên Biển Đông giữa các quốc gia đang tạm lắng song cuộc họp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vừa qua tại Bali, Indonesia và kế hoạch tổ chức thêm một hội nghị tại Philippines dự kiến diễn ra vào tháng 6 lại đặt ra thêm nhiều vấn đề hơn trước.

Các cuộc đàm phán từ năm 1995 đến nay nhằm đạt được một giải pháp chung cho vấn đề Biển Đông vẫn chưa thể tạo ra một Bộ quy tắc ứng xử mà mới chỉ dừng lại ở Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002. Bài viết cho hay, những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán vẫn phải tiếp tục kéo dài đó là: (i) các bên tranh chấp chưa thống nhất về những đảo nào ở Biển Đông được xem là có tranh chấp, do yêu sách phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, (ii) ASEAN khá vất vả để có thể xây dựng một chiến lược thống nhất để phản đối yêu sách biển của Trung Quốc và (iii), quan trọng nhất, Trung Quốc mới bắt đầu chiến dịch theo đuổi tham vọng kiểm soát Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN vẫn chưa bao giờ từ bỏ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử, dù có bị Trung Quốc làm “kỳ đà cản mũi”. Tuy nhiên tác giả bài viết cho rằng, nếu để Trung Quốc tìm cớ trì hoãn càng lâu, họ sẽ càng có cơ hội tăng cường những lợi thế chiến thuật đối với các bên tranh chấp khác, đặc biệt nguy hiểm nếu Bắc Kinh tận dụng được những vấn đề về kinh tế – xã hội vẫn chưa được giải quyết trong khối hay cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận.

Kể từ sau khi Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết ngày 12/7/2016 bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, ASEAN và Trung Quốc đã có những thay đổi nhất định nhằm sớm hình thành cơ chế quản lý tranh chấp ở khu vực, thể hiện những thay đổi về chiến lược của từng bên. Tuy nhiên vẫn chưa rõ là liệu ASEAN và Trung Quốc có thể đi đến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử như cam kết hay không vì vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi cho việc thực hiện cam kết này, chẳng hạn như việc chưa có các cơ chế thực thi Bộ Quy tắc ứng xử. Hơn nữa, nếu một văn kiện mang tính ràng buộc được phê chuẩn, có khả năng văn kiện này vẫn sẽ không được xem như một cơ chế quản lý tranh chấp do Trung Quốc khăng khẳng chỉ giải quyết tranh chấp theo các cơ chế đa phương mà họ muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới