Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCalifornia sẽ theo chân Brexit tách khỏi nước Mỹ?

California sẽ theo chân Brexit tách khỏi nước Mỹ?

Một phần ba dân số Mỹ không phản đối tách bang California khỏi nước Mỹ, tương lai chia rẽ sẽ tới gần kề dưới thời Donald Trump.

Bang lớn nhất nước Mỹ đòi tách khỏi 49 bang còn lại.

Tổ chức Rasmussen mới đây thông tin những con số thông kê tại Hoa Kỳ cho thấy có tới hơn 30% người dân Mỹ không phản đối việc bang California muốn đòi độc lập – phong trào Calexit (tương tự Brexit tại Anh).

Cụ thể, thống kê của Rasmussen cho thấy, 18% số người được hỏi đánh giá tích cực động thái tách bang có thể xảy ra.  13% số người được hỏi tin rằng cái gọi là Calexit không gây ra hậu quả.

Đặc biệt, có 41% số người được hỏi trả lời ủng hộ Calexit thuộc Đảng Cộng hòa.

Có khoảng 60% số người tham gia khảo sát thấy những hậu quả tiêu cực tiềm năng nếu tách tiểu bang ra khỏi đất nước.

Với ý kiến tiểu bang có quyền ly khai khỏi nước có 21% số người được hỏi đồng ý, 61% – không ủng hộ ý tưởng này, 19% còn lại chưa quyết định.

Phong trào Caliexit

Hiện các thành viên của phong trào Calexit đã được sự cho phép của cơ quan chức năng, bắt đầu thu thập chữ ký cho một cuộc trưng cầu dân ý nhằm thay đổi hiến pháp. Những người ủng hộ phong trào tách bang “Yes California” hy vọng  sẽ có cuộc bỏ phiếu trưng cầu vào đầu năm 2018.

Người sáng lập phong trào Calexit, Evans Ruiz cho biết lý do cho thỉnh nguyện thư là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Ý tưởng về việc ly khai này được hình thành dựa trên niềm tin của nhiều người khi cho rằng, bang California có thế mạnh về tài chính, kinh tế và đa dạng về chủng tộc đủ để vận hành như một quốc gia riêng.

Đại diện của phong trào California Exit sau khi Brexit thành công ở nước Anh đã chia sẻ: “Theo quan điểm của chúng tôi, nước Mỹ đại diện cho nhiều thứ đi ngược lại các giá trị của bang California. Và nếu California vẫn giữ vai trò là một tiểu bang, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tiếp tục trợ cấp cho các bang khác, trong khi lại gây hại cho mình và con cháu chúng ta”.

Nhóm vận động này khẳng định: “Với nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, California mạnh hơn cả Pháp về kinh tế và đông hơn cả Ba Lan về dân số. Xét trên từng phương diện, California khi so sánh và tranh đấu là so với các quốc gia, chứ không chỉ là 49 bang khác của nước Mỹ”.

“Bạn không thể chỉ tuyên bố mình độc lập. Nhưng nếu bạn nhận được sự đồng ý của các quốc gia khác và có cách để làm điều đó thông qua một quá trình sửa đổi. Sau đó bạn được tự do một cách hợp pháp và hòa bình”, vị thủ lĩnh Calexit khẳng định kêu gọi quốc tế để rời Mỹ.

Ông Louis J. Marinelli, Chủ tịch phong trào Yes California cho biết, nhóm này có kế hoạch thông qua Liên Hiệp quốc để tìm kiếm bước đi độc lập của mình bởi không tin rằng Quốc hội sẽ ký vào một bản kế hoạch cho phép California ly khai.

Những đại diện Calexit còn thiết lập những bước đi rất căn bản khi hồi cuối tháng 11/2016 còn tuyên bố sẽ lập “trụ sở Đại sứ quán tại Nga”.

Chưa kể, mới đây, Tổng thống Donald Trump bất chấp phong trào đòi ly khai đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở bang lớn nhất nước này, dọa sẽ rút tiền khỏi bang này.

Nguyên do là bang California đang xem xét đưa ra một bộ luật cho phép người tị nạn phi pháp được sinh sống trên toàn bộ bang này, bỏ qua nỗ lực kiểm soát người nhập cư của Tổng thống.

Ông Trump đã gọi dự định này của bang California là “lố bịch”. Không những thế, Tổng thống Trump còn cho rằng, bang California đang từ chối hợp tác với chính quyền liên bang trong vấn đề nhập cư dù “chính quyền liên bang đã đổ rất nhiều tiền cho bang này”.

“Tôi không muốn rút tiền của bất kỳ người nào. Tôi muốn cấp tiền cho họ để họ có thể hoạt động một cách phù hợp. Nếu họ muốn thành lập một “thánh địa” cho người nhập cư trái phép tại bang của mình, chúng tôi sẽ buộc phải rút tiền của họ. Đó có thể là một thứ vũ khí của chúng tôi” – ông Trump đe dọa rút tiền ngân sách Mỹ đổ vào cho bang này.

Theo thống kê từ chính bang California, mỗi năm, chính quyền liên bang cấp cho bang này số tiền lên đến hơn 360 tỷ USD, chủ yếu là để chi cho các chương trình chăm sóc y tế dành cho những người có thu nhập thấp.

Khoảng 1 tuần trước đó, ông Trump cũng gây căng thẳng ở Đại học California liên quan đến tình hình bất ổn ở khu học xá của trường này. Ông viết trên Twitter:  “Nếu trường Đại học California không chấp nhận tự do ngôn luận và có những hành động bạo lực chống lại những người vô tội có quan điểm khác biệt với họ thì họ CÓ NÊN NHẬN TIỀN CỦA CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG HAY KHÔNG?”.

Đáp lại phản ứng từ ông Donald Trump, những lãnh đạo ở chính quyền này quyết tranh luận với Tổng thống.

Chủ tịch Thượng viện Bang California Kevin de Leon cảnh báo chính quyền ông Trump đưa ra các lệnh  trừng phạt nhằm vào bang California sẽ làm dấy lên những làn sóng phản đối trên toàn nước Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Bang California Anthony Rendon cho rằng, nền kinh tế ở bang California rất mạnh và họ cũng đóng góp rất nhiều cho chính quyền liên bang.

Cả hai ông và nhiều quan chức Đảng Dân chủ khác tại California đều đã cam kết sẽ chống lại ông Trump qua nhánh Lập pháp và Tư pháp.

Tổng Chưởng lý bang California Xavier Becerra cũng đã tuyên bố sẽ thách thức bất kỳ động thái nào từ chính quyền của ông Trump. “Chúng tôi sẽ chiến đấu theo mọi cách có thể để đảm bảo rằng chúng tôi nhận được phần xứng đáng với những gì mà chúng tôi cống hiến”, ông Becerra nói.

Cùng với những quan điểm phản đối của cả những người lãnh đạo bang California, phong trào Calexit có nhiều khả năng sẽ được hối thúc và cổ vũ.

Calexit thành công: “Cuộc cách mạng màu” ở Mỹ?

Nếu những ước mơ của nhiều người Mỹ ở bang California trở thành sự thực, Hoa Kỳ sẽ không chỉ có 1 tiểu bang trong 49 thể thống nhất đòi ly khai. Bên cạnh California, New Hampshire và Texas cũng đang có có mầm mống ý tưởng phân tách khỏi nước Mỹ.

Vốn là quốc gia độc lập từ 1836-1845, nền kinh tế trị giá 1,6 nghìn tỷ USD/năm, nên các nhóm đòi ly khai nói Texas sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tách khỏi Mỹ.

Daniel Miller, Chủ tịch Phong trào chủ nghĩa dân tộc Texas khẳng định đã chính thức kêu gọi Thống đốc bang Texas tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự dành cho người dân Texas.

Tại New Hampshire, cuộc ly khai cũng đã được thúc đẩy trong vài năm qua. Nhưng từ khi ông Donald Trump tham gia cuộc bầu cử và trở thành ông chủ Nhà Trắng cũng như ‘cuộc ly hôn” của Anh khỏi EU thành công thì những phong trào này đang ngày càng được chú ý.

Ông Dave Ridley, nhà sáng lập NHexit nói: “Sự thành công của cuộc trưng cầu dân ý Brexit cung cấp một lời nhắc nhở rằng “liên minh” không phải là “vĩnh viễn”.

Nếu Calexit thành công, những làn sóng đòi được ly tách bang khỏi 49 bang của Mỹ sẽ sớm trở thành một cơn cuồng phong.

Nếu như ông Donald Trump là nguyên nhân chính dẫn tới sự ly tách các bang của Mỹ, nhưng các hệ thống quản lý từng bang và Hiến pháp Mỹ không cho phép điều này, phong trào đòi ly khai sẽ biến thành biểu tình chống lại Tổng thống và sớm sẽ là một cuộc “Cách mạng màu” trong lòng nước Mỹ.

Sau khi kết quả bầu cử Tổng thống được công khai, phong trào biểu tình đã bùng nổ và nhanh chóng lan trên khắp nước Mỹ. Trung tâm chính của biểu tình là Miami, New York, San Francisco, Atlanta, Philadelphia, và Portland, ngoài ra còn có Washington DC, Georgia, Austin, Seattle, Chicago, Boston, Oakland, Los Angeles…

Nhiều người biểu tình khẳng định ông Trump không phải là Tổng thống của họ. Người biểu tình muốn cảnh báo, không ai có thể cầm quyền nếu bất ổn chính trị, đặc biệt, nó sẽ khiến ông Trump không thể thực hiện các chính sách ông đề ra trong 100 ngày đầu tiên.

Một số chuyên gia nhận định, các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ phản đối Tổng thống Donald Trump đã chuyển từ “tự phát sang tự giác” có định hướng với sự tổ chức quy củ hơn. Điều này khiến nước Mỹ từng đau đầu và lo ngại về một cuộc “Cách mạng Cam 1” như ở Ukraine.

Theo giới chuyên gia, hoạt động biểu tình phản đối ông Trump lần này có thể có sự giật dây, chỉ đạo bài bản từ những cơ cấu quyền lực của Mỹ và giới truyền thông, nhằm mục đích loại bỏ tân tổng thống. Về mặt này, Mỹ đã có quá nhiều kinh nghiệm.

Một số chuyên gia nhận định rằng, có thể giới tinh hoa chính trị Mỹ đang lợi dụng nhân dân để tiến hành “Cách mạng màu” mà họ từng làm rất nhiều lần, để loại bỏ Trump khỏi chiếc ghế quyền lực của Mỹ.

Mỗi bước đi phản đối của 3 bang trên đối với Tổng thống Donald Trump cũng sẽ là hồi chuông cảnh báo cho những gì mà nước Mỹ đang và đã làm trong mỗi cuộc bầu cử ở các quốc gia mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới