Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ và ASEAN cần làm gì tiếp theo?

Mỹ và ASEAN cần làm gì tiếp theo?

Đông Nam Á sau 50 năm tồn tại và phát triển đã trở thành khu vực ngày càng quan trọng trong hệ thống cấu trúc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Một mặt, Đông Nam Á hội tụ một số nền kinh tế năng động nhất thế giới nằm ở cửa ngõ giữa Đông và Nam Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mặt khác, mười nước Đông Nam Á liên kết thành một khối – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), biến Đông Nam Á trở thành trung tâm hội nhập ở khu vực và địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

ASEAN ngày càng chứng tỏ vai trò trung tâm trong việc định hình kiến trúc khu vực. ASEAN không chỉ tăng cường quan hệ, liên kết giữa các nước thành viên mà còn với các nước trong khu vực và các nước xa hơn có lợi ích ở khu vực, kéo tất cả các nước này vào trong một mạng lưới thể chế, các cuộc họp và nhóm làm việc chung để giải quyết các vấn đề ở cấp cao nhất thông qua quá trình xây dựng lòng tin. Vai trò trung tâm của ASEAN thể hiện trong các cơ chế đa phương ở khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), là minh chứng rõ nét cho thành công của ASEAN trong việc lôi kéo các nước khác ngồi vào bàn đối thoại và ngoại giao để thu hẹp khác biệt và giải quyết các bất đồng. Không một nước ASEAN riêng lẻ nào có thể gây ảnh hưởng đối với các nước lớn bên ngoài, nhưng sự hội tụ và đoàn kết giữa tất cả các nước thành viên tạo cho ASEAN vai trò và tiếng nói to lớn trong hệ thống quốc tế ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngược lại với sự bàng quan của các chính quyền trước, Mỹ dưới chính quyền Obama triển khai chiến lược “xoay trục về Châu Á” sau đó là “tái cân bằng” dựa trên các mặt trận gồm tăng cường hiện diện quân sự và ngoại giao, thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm bốn nước thành viên ở Đông Nam Á. Chính quyền Obama đã ưu tiên cử các quan chức cấp cao dự các hội nghị khu vực và “chơi” theo cách của Đông Nam Á. Bản thân Tổng thống Obama thăm các nước Đông Nam Á 9 lần trong 8 năm cầm quyền để dự các hội nghị cấp cao APEC, ARF và EAS. Tháng 2/2016, lần đầu tiên, Tổng thống Obama đã mời lãnh đạo của mười nước ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, California. Các lãnh đạo đã thống nhất những nguyên tắc lớn dẫn dắt quan hệ Mỹ-ASEAN cho những năm tiếp theo.

Chính quyền Obama đã có đóng góp quan trọng trong việc tăng cường hình ảnh, uy tín và vai trò của Mỹ ở khu vực. Thay vì nhìn nhận Mỹ là “sen đầm” can thiệp vào các công việc của khu vực như trước đây, Mỹ được khu vực chào đón như là người bảo vệ trật tự, bảo vệ luật lệ và thể chế, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục đi theo đường hướng này. Các nước Đông Nam Á chào đón viễn cảnh chính quyền Trump có thể ít tập trung mũi nhọn vào vấn đề dân chủ nhân quyền, nhưng thất vọng về việc Trump đã tuyên bố từ bỏ TPP, phủ định toàn bộ nỗ lực của chính quyền Obama trong việc xây dựng trật tự thương mại phục vụ cho lợi ích và giá trị của Mỹ. Trong khi đó, nhiều người hoài nghi rằng Trump chú trọng đến song phương hơn là đa phương sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ của Mỹ với ASEAN, tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và quyết tâm thay đổi nguyên trạng ở khu vực.

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc nhanh chóng xây dựng sức mạnh cả về kinh tế và quân sự để thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực. Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Tập Cận Bình đã không ngần ngại thể hiện sức mạnh ra xung quanh, đặc biệt là ở Biển Đông. Trung Quốc đang tận dụng từng khoảnh khắc khoảng trống ở khu vực do Mỹ sao nhãng và tiến hành ráo riết chia rẽ ASEAN để không nước nào, đơn lẻ hoặc tập thể, có thể thách thức Trung Quốc bành trướng và quân sự hóa Biển Đông, phục vụ mục tiêu lâu dài là thống trị khu vực và thách thức trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, thậm chí sẵn sàng chấp nhận rủi ro đụng độ quân sự với Mỹ.

Trước bối cảnh đó, năm 2017, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và cũng là dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN. Mỹ và ASEAN cần làm gì tiếp theo để tăng cường quan hệ đối tác, đóng góp cho việc thiết lập trật tự ổn định, phù hợp với quyền lợi của Mỹ và tất cả các nước liên quan vì hòa bình và thịnh vượng chung?

Trước tiên, Mỹ cần phải tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ với ASEAN, đặc biệt là về kinh tế. Đông Nam Á có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lợi ích của Mỹvì nằm ở vị trí địa chiến lược với tổng dân số trẻ khoảng 630 triệu người và kinh tế lên đến 2,5 nghìn tỷ USD, hiện là khu vực kinh tế lớn thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản. Đông Nam Á mang đến cơ hội kinh tế béo bở cho các công ty của Mỹ. ASEAN là đối tác thương mại thứ tư của Mỹ, mang đến hàng triệu việc làm cho người dân Mỹ. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào ASEAN đạt 250 tỷ USD vào cuối năm 2015, lớn hơn so với tổng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan và New Zealand cộng lại. Rõ ràng, hợp tác với ASEAN mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Mỹ.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng coi trọng và ưu tiên quan hệ kinh tế với Mỹ bất kể nước nào đi theo đường hướng “dân túy” hay “chủ nghĩa dân tộc”. Hợp tác Mỹ – ASEAN không thể hiệu quả nếu không tập trung đủ mạnh vào hợp tác kinh tế. Tăng cường hợp tác về kinh tế sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực theo cách Mỹ mong muốn.

Dù đã tuyên bố dừng TPP, nhưng đây vẫn là công cụ hữu hiệu để tăng cường lợi ích kinh tế của Mỹ ở Đông Nam Á. Bất luận thế nào, 11 nước thành viên khác vẫn có thể tiếp tục con thuyền TPP dù không có sự tham gia của Mỹ. Thậm chí, họ còn có thể mời Trung Quốc tham gia. Nếu như thế, cộng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thì Mỹ sẽ dễ bị loại khỏi cuộc chơi về kinh tế ở khu vực. Các nước Đông Nam Á cũng sẵn sàng tham gia các hiệp định thương mại song phương với Mỹ vì trên thực tế đã và đang tồn tại các liên kết kinh tế dạng này giữa Mỹ và một số nước ở khu vực. Ngoài ra, Mỹ cần khuyến khích và ủng hộ các nước ASEAN tiếp tục phát huy các chính sách đối nội thúc đẩy hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại, thay vì đứng ngoài chỉ trích. Hội nghị cấp cao APEC năm nay do Việt Nam tổ chức là cơ hội tốt để Tổng thống Donald Trump đến và thể hiện cam kết kinh tế ở Châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Trump thực sự coi trọng các hiệp định song phương hơn là đa phương thì Việt Nam là những ứng viên sáng giá vì nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định, và nhập khẩu từ Mỹ ngày càng tăng.

Thứ hai, chính quyền Trump cần tiếp tục thúc đẩy ngoại giao cấp cao tham gia vào các hội nghị khu vực. Tổng thống Trump cần tham dự hội nghị cấp cao EAS và nên mời lãnh đạo các nước Đông Nam Á đến Mỹ dự Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN ngay trong năm đầu tiên cầm quyền để bắn tín hiệu rõ ràng với khu vực về vai trò lãnh đạo của Mỹ, hơn hết cho người dân Mỹ thấy rằng việc này sẽ đóng góp cho việc đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Quốc phòng James Mattis và các quan chức cấp cao của Mỹ cần tiếp tục tham dự các diễn đàn ARF, ADMM+ và các hội nghị khác để thể hiện vai trò. Sự vắng mặt của Mỹ sẽ cho thấy sự suy giảm cam kết của Mỹ và sẽ hủy hoại khả năng can dự của Mỹ với khu vực. Trong khi một số nước khác đang thể hiện tập trung nhiều hơn vào nội trị, Mỹ cần hướng đến các nước tích cực như Việt Nam và Singapore và coi các nước này như đối tác chủ chốt và cầu nối để thúc đẩy can dự của Mỹ với ASEAN.

Thứ ba, liên minh vẫn là một cấu thành trong chính sách đối ngoại của Mỹ nên Mỹ cần quản lý hữu hiệu các mối quan hệ liên minh của mình ở khu vực như Philippines và Thái Lan. Với Philippines, Mỹ cần đảm bảo những chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là quá trình cải thiện quan hệ với Trung Quốc không được vượt quá giới hạn, tạo ra nguyên trạng mới có lợi cho Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Với Thái Lan, Mỹ cần đối thoại với chính quyền Thái Lan để đảm bảo lợi ích chung vừa thúc đẩy Thái Lan có thái độ tích cực, đóng góp cho sự đoàn kết và phát triển của ASEAN, hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Lan.Bên cạnh đó, Mỹ cần tiếp tục khuyến khích các bên liên quan đạt COC.

Thứ tư, Mỹ cần đẩy mạnh hợp tác an ninh biển không chỉ với các nước yêu sách trong ASEAN mà còn với cả tổ chức ASEAN trong việc xây dựng năng lực và đối phó với các vấn đề xuyên quốc gia như cướp biển, an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường biển, v.v. Các chương trình hợp tác an ninh như Chương trình tài chính quân dụng nước ngoài (Foreign Military Financing) và Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á của Bộ Quốc phòng (Southeast Asia Maritime Security Initiative) cần được tiếp tục và mở rộng, đồng thời kêu gọi các đồng minh Nhật Bản và Australia cùng phối hợp.

Thứ năm, nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục lấn tới, quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông, Mỹ cần đưa ra các tuyên bố rõ ràng, nhất quán hơn và đủ mạnh; sử dụng các công cụ đối ngoại, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng răn đe rõ ràng và dứt khoát hơn, ví dụ không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2018; xem xét trừng phạt các công ty, các quan chức cấp cao Trung Quốc có liên quan đến việc quân sự hóa, mở rộng các đảo. Nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động thái quá sẽ cân đối lại bằng các biện pháp răn đe trên cơ sở phối hợp với tất cả các nước khác.

Đông Nam Á với sự năng động của mình ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy sẵn sàng thách thức địa vị của Mỹ ở khu vực. Chính quyền Obama đã làm tốt khi tăng cường quan hệ với Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính quyền Trump cần đẩy mạnh hơn, không nên thu mình vì sẽ tự tước bỏ đi lợi ích quốc gia và tạo khoảng trống để nước khác, đặc biệt là Trung Quốc hiện thực hóa giấc mộng thống trị và bá chủ khu vực, ép Mỹ phải nhượng bộ và rút về nửa phíaĐông của Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới