Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNATO kêu gọi tăng chi quốc phòng: Chịu khuất phục Mỹ?

NATO kêu gọi tăng chi quốc phòng: Chịu khuất phục Mỹ?

Tổng thư ký NATO cho rằng, việc tăng chi Quốc phòng là điều thiết yếu để duy trì mối quan hệ chặt chẽ và vững mạnh với Mỹ.

NATO kêu gọi thành viên tăng chi Quốc phòng.

Ngày 13/3, trong báo cáo thường niên năm 2016 của NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước trong khối hãy tăng ngân sách chi cho quốc phòng nếu muốn duy trì quan hệ quân sự xuyên bờ Đại Tây Dương bền vững với Mỹ.

”Đây là điều thiết yếu để duy trì mối quan hệ chặt chẽ và vững mạnh với Mỹ, vốn là nền tảng xây dựng liên minh quân sự của chúng ta”, ông Stoltenberg khẳng định và nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sức mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Theo ông, sự hợp tác “độc nhất vô nhị” giữa châu Âu và Bắc Mỹ trong gần 70 năm qua đã đảm bảo cho hòa bình và thịnh vượng của cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông cho rằng: ”Đó là thành tựu mà chúng ta không bao giờ được phép xem là điều dĩ nhiên”.

Theo số liệu mới, mức chi tiêu quốc phòng của Mỹ vào năm 2016 chiếm 3,61% GDP, cao hơn mức 3,58% GDP trong năm 2015. Trong khi đó, các đồng minh châu Âu trong khối NATO chi trung bình 1,47% GDP trong năm 2016, chỉ tăng nhẹ so với mức 1,44% GDP của năm 2015.

Thời gian gần đây, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc ép các nước đồng minh NATO thực hiện cam kết dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm cho quốc phòng đến năm 2024.

Tuy nhiên, báo cáo hàng năm của NATO cho biết, chỉ 5 nước gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan và Estonia, đáp ứng cam kết này. Trong khi đó, Washington vẫn đóng góp gần 70% chi tiêu quốc phòng cho NATO.

Dư luận cho rằng việc đáp ứng mục tiêu 2% đề ra có thể gây ra quan ngại ở châu Âu. Đơn cử như Đức, hiện tăng trưởng GDP của nước này đạt 1,2%, song tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% sẽ khiến ngân sách quốc phòng của Berlin ngang với mức chi của Nga.

Bỗng dưng đổi chiều

Động thái này của NATO trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bên lề hội nghị an ninh Munich hôm 15/2. Ông Juncker đã bày tỏ sự không hài lòng với lời kêu gọi của Mỹ gửi đối tác NATO về việc gia tăng ngân sách quốc phòng.

Theo ông Juncker, vấn đề tăng ngân sách quốc phòng là điều mà người Mỹ đã nói trong nhiều năm. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO không nên bị đẩy vào việc này.

”Tôi cho rằng, những người bạn Mỹ đang thu hẹp định nghĩa về an ninh khi cho rằng, điều này chỉ có thể đạt được nhờ tăng ngân sách quốc phòng. Chính trị hiện đại không chỉ là vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng vẫn còn nhiều yếu tố khác như sự phát triển hợp tác hay hỗ trợ nhân đạo”, ông Jucker nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Jucker cũng cho rằng khái niệm an ninh không thể chỉ thu hẹp trong lĩnh vực quân sự. ”Tôi cương quyết chống lại việc chúng ta đã cho phép mình bị đe dọa. Châu Âu phải chi tiêu quốc phòng tốt hơn và hiệu quả hơn”,  ông nói.

Giới phân tích cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn đến cá nhân ông Juncker và các thành viên thuộc khối NATO tỏ ra thờ ơ với đề nghị của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, gia tăng ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với việc các khoản đóng góp của các quốc gia thành viên sẽ tăng lên. Ở một khía cạnh nào đó, các nước thuộc NATO không muốn hoặc không có khả năng trích thêm GDP để đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.

Thứ hai, đó là bản thân NATO cũng đang dè chừng trước lời cảnh cáo từ phía điện Kremlin.

Không phải ngẫu nhiên mà lời cự tuyệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu với Mỹ trùng với thời điểm ông Alexander Grushko, đại sứ Nga tại NATO lên tiếng cảnh báo việc NATO tăng chi tiêu quốc phòng có thể dẫn tới việc khối này tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự tại Biển Đen cũng như các khu vực ngay sát biên giới Nga, điều sẽ đưa quan hệ Moskva- NATO trở lại thời chiến tranh lạnh.

Không còn lựa chọn khác

Việc NATO đột nhiên thay đổi quan điểm về việc tăng chi ngân sách Quốc phòng của các nước thành viên trong thời điểm này chắc chắn có liên quan đến những căng thẳng giữa Nga và NATO trong thời gian gần đây đã được đẩy lên cao.

EU từng hi vọng có thể dàn xếp ổn thỏa trong mối quan hệ với Moscow, thế nhưng nút thắt Ukraine đã không được gỡ bỏ, EU thậm chí còn xem xét gia tăng cấm vận đối với Nga. Trong khi đó, Mỹ vẫn bảo vệ quan điểm của mình, và yêu cầu các nước thành viên NATO phải tăng chi ngân sách quốc phòng.

Chính vì vậy, không còn cách nào khác NATO đã chọn phương án chấp nhận yêu cầu từ Washington. Không thể phủ nhận vai trò của Mỹ và những lợi ích to lớn mà các nước thành viên của NATO nhận được từ Mỹ.

Bên cạnh đó, hơn lúc nào hết EU cần có một mục tiêu chung nhằm kéo các nước thành viên xích lại gần nhau hơn, tránh chia rẽ nội bộ và sự khác biệt trong mục tiêu chiến lược.

Chỉ cần EU bị chia rẽ hoặc không tìm được tiếng nói chung trong thời điểm hiện tại, rất có thể nhiều nước sẽ khởi động tiến trình Exit. Khi ấy, NATO sẽ bị mất đi sức mạnh, mục tiêu đối trọng với Nga ở Châu Âu cũng vì thế mà trở nên xa vời.

Hiện nay Nga là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân vô cùng lớn, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ nước này không bị xâm phạm  từ khối NATO.

Các thống kê cho thấy Nga đang giữ nhiều kỷ lục khi sở hữu đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới cũng như vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga được xếp vào hạng tiên tiết nhất thế giới

Rõ ràng sức mạnh quân sự của Nga thực sự trở thành nỗi ám ảnh và đe dọa trực tiếp không chỉ đối với Mỹ mà với cả các quốc gia thành viên NATO.

RELATED ARTICLES

Tin mới