Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhán quyết trọng tài Vụ kiện giữa Philippines và TQ ở Biển...

Phán quyết trọng tài Vụ kiện giữa Philippines và TQ ở Biển Đông – một bộ phận quan trọng của luật pháp quốc tế

Ngày 5/1/2017, trả lời báo chí về vai trò Chủ tịch của Philippines năm 2017, ông Enrique Manalo, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines (nay là quyền Bộ trưởng Ngoại giao) cho biết vấn đề Biển Đông sẽ được đưa vào Chương trình Nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2017, song không nhất thiết phải đưa Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông vào Chương trình thảo luận bởi lẽ “Phán quyết vốn dĩ đã tồn tại và đã là một phần của luật pháp quốc tế”, “một bằng chứng pháp lý”.

5 vị trọng tài viên của Tòa trọng tài Phụ lục VII xử vụ Philippines. Ảnh: PCA.

Tại sao Thứ trưởng Ngoại giao Philippines lại tuyên bố như vậy, việc không đề cập tới Phán quyết vào các văn kiện của ASEAN có hạ thấp giá trị và vai trò của Phán quyết hay không? Dưới đây chúng ta cùng phân tích về vấn đề này.

Như chúng ta đã biết, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (Vụ kiện) đã ra phán quyết cuối cùng về nội dung Vụ kiện. Việc các quốc gia trên thế giới, thậm chí ngay cả ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật biển và Trọng tài… để giải quyết các tranh chấp phát sinh không phải là chuyện hiếm, song mức độ thu hút của cộng đồng quốc tế đối với Vụ kiện này là rất cao. Ngay từ khi Philippines tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc và trong suốt quá trình Tòa trọng tài xử lý vụ việc và kể cả sau khi Phán quyết được đưa ra, nhiều quốc gia, giới học giả và truyền thông quốc tế đã liên tục đưa tin, phân tích, bình luận, lên tiếng về tác động, ý nghĩa của Vụ kiện đối với cục diện địa chính trị ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương nói chung và tranh chấp ở khu vực Biển Đông nói riêng.

1. Diễn biến chính của vụ kiện: ngày 23/1/2013, Philippines gửi công hàm cho Trung Quốc thông báo nước này chính thức khởi động kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài quy định tại Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước 1982). Nội dung kiện của Philippines gồm 15 yêu cầu, tập trung vào việc xem xét tính hợp pháp và phù hợp của các vấn đề như yêu sách đường lưỡi bò, quy chế pháp lý của một số cấu trúc ở Trường Sa, một số hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả việc xây dựng đảo nhân tạo… với các quy định có liên quan của Công ước 1982.

Bằng việc lựa chọn thủ tục trọng tài, Philippines đã vận dụng tính chất tiến bộ của cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc trong Công ước đó là trong trường hợp các bên tranh chấp không cùng lựa chọn một biện pháp giải quyết tranh chấp hoặc đối tượng tranh chấp không bị loài trừ thì biện pháp giải quyết tranh chấp thì trọng tài được coi là hình thức mặc định.

Thực tế trong khu vực Biển Đông, trước đây năm 2003, Malaysia cũng đã từng vận dụng quy định về thủ tục này để kiện Singapore trong vụ liên quan đến việc Singapore đổ đất lấn biển trong khu vực eo Johor. Với việc vận dụng quy định này của Công ước, Trung Quốc khó có cơ hội rút lui khỏi tiến trình pháp lý được quy định trong Công ước.

Ngay sau khi nhận được thông báo khởi kiện của Philippines, phía Trung Quốc đã trả lại công hàm thông báo khởi kiện của Philippines và khẳng định lập trường không chấp nhận và không tham gia vào Vụ kiện. Song theo quy định của Công ước 1982, việc tham gia Vụ kiện vừa là nghĩa vụ và vừa là quyền của Trung Quốc. Nghĩa vụ ở đây là việc là thành viên Công ước 1982, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các quy định có liên quan trong Công ước, trong đó có việc thi hành các chế định về giải quyết tranh chấp trong Công ước. Quyền tức là Trung Quốc có quyền tham gia vào Vụ kiện để bằng các lý lẽ, lập luận và cơ sở pháp lý của mình để phản bác lại lập luận của phía Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lựa chọn không chấp nhận thực hiện cả quyền và nghĩa vụ của mình trong Vụ kiện.

Theo quy định có liên quan trong Công ước, Vụ kiện do Philippines khởi xướng sẽ được phân xử bằng một Tòa trọng tài gồm 5 thành viên, trong đó Philippines chỉ định một thành viên, Trung Quốc chỉ định một thành viên và 3 thành viên còn lại do 2 bên lựa chọn. Song như đã nói ở trên, do Trung Quốc kiên trì quan điểm không chấp nhận và tham gia, nên nước này không tiến hành chỉ định trọng tài viên đại diện cho quyền lợi của mình tại Tòa trọng tài.

Để xác định Tòa trọng tài có thẩm quyền xét xử vụ việc hay không, việc đầu tiên là hình thành nên Tòa trọng tài. Philippines chọn Thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) ông Rudiger Wolfrum, quốc tịch Đức, làm Trọng tài viên cho Philippines. Do Trung Quốc bác bỏ Vụ kiện, không tham gia thành lập Tòa trọng tài, theo quy định của Công ước Luật biển 1982 và yêu cầu của Philippines, Chánh án ITLOS, ông Shunji Yannai phải đảm đương cả nhiệm vụ chỉ định Trọng tài viên cho Trung Quốc và 3 trọng tài viên còn lại. Theo đó, ông Yannai đã chỉ định ông Stanislaw Pawlak, quốc tịch Ba Lan, Thẩm phán ITLOS làm Trọng tài viên cho Trung Quốc và 03 trọng tài viên còn lại (ông Jean-Piere Cot, quốc tịch Pháp, Thẩm phán ITLOS; ông Alfred Soons, quốc tịch Hà Lan, Giáo sư Đại học Utrecht (Hà Lan) và ông Thomas Mensah, quốc tịch Ghana,nguyên Chánh án, nguyên Thẩm phán ITLOS), trong đó ông Mensah là Chủ tịch Tòa trọng tài. Sau khi được thành lập, Tòa trọng chọn Tòa trọng tài thường trực (PCA) làm Ban thư ký cho Vụ kiện.

Cùng với việc hoàn tất thủ tục hình thành Tòa trọng tài, cơ quan này đã đưa ra các lịch trình cụ thể của tiến trình tố tụng để Trung Quốc và Philippines phải đáp ứng như việc đệ trình Bản Lập luận và Phản Lập luận, bổ sung, giải trình thêm các thông tin, yêu cầu của Tòa… Ở đây, có một số mốc quan trọng nhất đó là việc trên cơ sở các lập luận, chứng cứ được đệ trình (chủ yếu của Philippines), Tòa trọng tài đã tổ chức các phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa vào các ngày từ 07-13/7/2015 và về vấn đề nội dung thực chất vào các ngày từ 24-30/11/2015. Trên cơ sở kết quả của các phiên tranh tụng kể trên, Tòa đã ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền vào ngày 29/10/2015 và phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016.

Tại sao Tòa trọng tài phải ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền? Một trong những nguyên tắc căn bản của việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia đó là cơ quan xét xử phải có thẩm quyền đối với vụ tranh chấp. Và điều này đặc biệt quan trọng trong Vụ kiện khi mà Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia tiến trình tố tụng. Thực tiễn quốc tế về giải quyết tranh chấp quốc tế cho thấy đối với các vụ kiện do một bên đơn phương khởi kiện, bên bị khởi kiện đều ra tuyên bố hoặc tìm cách lập luận là cơ quan xét xử không có thẩm quyền. Do đó, cơ quan xét xử phải chứng minh cho các bên tranh chấp, đặc biệt là bên bị khởi kiện thẩm quyền của mình đối với vụ việc. Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Ngày 29/10/2015, Tòa đã ra phán quyết khẳng định Tòa có thẩm quyền ngay đối với 7/15 nội dung kiện của Philippines, 7 nội dung kiện còn lại, Tòa sẽ xem xét thẩm quyền của mình trong quá trình xét xử nội dung thực chất và yêu cầu Philippines làm rõ nội dung kiện thứ 15. Trong phán quyết về thẩm quyền, Tòa khẳng định Tòa trọng tài đã được thành lập một các hợp pháp và hợp thức và chỉ rõ đây là Vụ kiện liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước 1982. Tòa đã bác bỏ các lập luận được nêu trong Tuyên bố lập trường của Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 07/12/2014 coi đây là Vụ kiện liên quan đến vấn đề chủ quyền và phân định biển, do đó, Tòa không có thẩm quyền xử lý.

Phán quyết ngày 12/7/2016 vừa qua, Tòa khẳng định có thẩm quyền xem xét toàn bộ các nội dung kiện còn lại và ra phán quyết về vấn đề này.

2. Những nội dung chính của phán quyết ngày 12/7/2016: Tại phán quyết của mình, Tòa trọng tài đã kết luận về 5 nhóm vấn đề bao gồm:

i) Về quyền lịch sử và Đường lưỡi bò: Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường lưỡi bò;

ii) Về Quy chế của các cấu trúc: Toà kết luận không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà chỉ có nhiều nhất là vùng biển 12 hải lý xung quanh và bản thân các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất trong việc tạo ra các vùng biển. Hay nói một cách khác, dưới phán quyết của Tòa, Trường Sa chỉ là tập hợp các cấu trúc với vùng biển của mỗi cấu trúc là không quá 12 hải lý.

Đối với các cấu trúc cụ thể mà Philippines nêu trong đơn kiện, Tòa kết luận là Tòa nhất trí với Philippines rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi, tức là chỉ có tối đa vùng biển 12 hải lý và Xu Bi, Huy-gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên, tức là không có vùng biển riêng rộng 12 hải lý. Đồng thời, Tòa Trọng tài cũng không nhất trí với Philippines về quy chế của Ga Ven (phía Bắc) và Ken Nan và kết luận rằng cả hai đều là cấu trúc nổi;

iii) Về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông: Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Mặt khác, Toà cho rằng Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Philippines thực hiện quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough qua việc hạn chế họ tiếp cận khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines;

iv) Về gây hại cho môi trường biển: Toà xem xét ảnh hưởng tới môi trường biển do các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc tiến hành gần đây và cho rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Toà cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt bằng các biện pháp gây tổn hại môi trường các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông nhưng không thực hiện các nghĩa vụ ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này;

v) Về việc làm trầm trọng thêm tranh chấp: Mặc dù Toà cho rằng Toà thiếu thẩm quyền để xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Philippines và tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở Bãi cạn Second Thomas, song vẫn cho rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.

3. Một số nhận xét: nhìn lại toàn bộ tiến trình Vụ kiện, kể từ khi Philippines tiến hành việc khởi kiện cho đến ngày 12/7/2016, khi Tòa trọng tài ra phán quyết và phản ứng của dư luận quốc tế, cả chính giới lẫn học giả, truyền thông, chúng ta có thể thấy một số lý do đưa đến sự quan tâm mạnh mẽ đến Vụ kiện, thể hiện ở các điểm sau:

i) Các tranh chấp và bất đồng trên biển là các vấn đề phức tạp, khó xử lý do liên quan chặt chẽ đến quyền và lợi ích trực tiếp của các nước liên quan. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc thông qua Công ước 1982 không chỉ là quy định một cách rõ ràng quy chế pháp lý của các vùng biển của các quốc gia ven biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước mà còn xây dựng nên một trật tự pháp lý quốc tế về biển và dương. Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước 1982 chính là nhằm mục tiêu bảo vệ và duy trì trật tự pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương này.

ii) Đây là vụ kiện được tiến hành theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định trong Công ước 1982 liên quan đến việc giải thích và áp dụng của Công ước đối với những vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm nhất đó là sự phù hợp của yêu sách đường lưỡi bò với Công ước 1982 và vấn đề quy chế của các cấu trúc địa lý ở Trường Sa- vấn đề lâu nay chưa có một phán quyết nào của các cơ quan tài phán quốc tế xử lý và làm rõ như phán quyết này. Do đó, có thể nói Vụ kiện này là một bước ngoặt mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng;

iii) Vụ kiện đã làm sáng tỏ cơ sở và giá trị yêu sách của các bên ở khu vực Biển Đông, thu hẹp được phạm vi các khu vực tranh chấp. Do đó, về lâu dài sẽ có tác động tích cực cho việc xử lý và giải quyết các tranh chấp, bất đồng tồn tại ở khu vực Biển Đông. Đồng thời, nó sẽ mở ra cơ hội cho các bên ở khu vực Biển Đông đối chiếu, so sánh yêu sách, đòi hỏi của mình trước bước phát triển mới của việc giải thích và áp dụng các nội dung có liên quan của Công ước 1982;

iv) Vụ kiện này diễn ra trong bối cảnh Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là việc hành động đơn phương cải tạo, bồi đắp trên quy mô lớn ở Biển Đông đã gây xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực… do đó, cộng đồng quốc tế hy vọng phán quyết cuối cùng sẽ mở ra một chương mới cho việc giải quyết và xử lý các tranh chấp ở khu vực Biển Đông, tạo điều kiện cho việc hợp tác duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định;

v) Thực tiễn quốc tế cho thấy các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế có giá trị tham chiếu cao đối với các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Ví dụ, năm 1928, Trọng tài Max Hubber, trong vụ kiện nổi tiếng về tranh chấp chủ quyền giữa Hà Lan và Mỹ liên quan đến đảo Palmas đã thừa nhận chủ quyền của Hà Lan đối với đảo Palmas thông qua việc đưa ra các tiêu chí quan trọng cho việc thụ đắc lãnh thổ tranh chấp đó là việc thực hiện quyền lực nhà nước đối với vùng lãnh thổ tranh chấp một cách “thực sự, liên tục và hòa bình”. Những tiêu chí này đã được các phán quyết sau này của Tòa án công lý quốc tế thừa nhận, coi là nguyên tắc cơ bản để làm căn cứ xét xử các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia đối với đảo Sipadan và Ligitan, hoặc các vụ việc tương tự. Phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế luôn trở thành một phần của tiền lệ xét xử có giá trị.

Điều này còn xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm tính đồng nhất của luật pháp quốc tế cũng như bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế. Cùng một tranh chấp quốc tế không thể được xét xử ở các cơ quan tài phán quốc tế khác nhau với những kết quả khác nhau. Bởi vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines chính xác khi nói rằng Phán quyết vụ kiện trọng tài ngày 12/7/2016 đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc dù muốn hay không thì vẫn phải tuân thủ phán quyết này và phán quyết này sẽ tồn tại trong luật pháp quốc tế mãi mãi với tư cách một phán quyết đầu tiên xử lý dứt điểm các vấn đề gai góc nhất của tranh chấp Biển Đông.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ này thì việc có đưa hay không đưa Phán quyết vào nội dung các văn kiện của ASEAN cũng sẽ không làm thay đổi giá trị pháp lý của Phán quyết. Tuy nhiên, nếu như văn kiện của ASEAN đề cập tới Phán quyết sẽ là một sự hỗ trợ lớn hơn về mặt chính trị đối với Philippines và củng cố thêm quan điểm của ASEAN về “tiến trình ngoại giao và pháp lý” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. 

RELATED ARTICLES

Tin mới