Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinĐiều gì xảy ra tiếp theo trên con đường rời khỏi EU...

Điều gì xảy ra tiếp theo trên con đường rời khỏi EU của Anh?

Quốc hội Anh hôm qua (14/3) đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mở đường cho chính phủ của bà Theresa May bắt đầu quá trình đàm phán với EU. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Dự luật Brexit của chính  phủ Thủ tướng Theresa May đã được Quốc hội Anh thông qua. Nguồn: Daily Express

EU là một khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên, chia sẻ đường biên giới chung, mở, một thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ và 19 thành viên còn sử dụng đồng tiền chung euro. Vương quốc Anh gia nhập EU năm 1973 song được xem là một thành viên không mấy tích cực vì phần lớn các chính trị gia và giới truyền thông của nước này đều mang tư tưởng chống lại những quy định và điều khoản mà EU áp đặt.

Cựu Thủ tướng David Cameron là người mở ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên rời EU hay không và kết quả 52/48% số người chọn rời đi hồi tháng 6 đã khiến ông Cameron phải từ chức. Tiến trình Brexit bắt đầu từ đây.

Vương quốc Anh sẽ đệ đơn “ly hôn” EU như thế nào?

Dự luật được Quốc hội thông qua hôm 14/3 cho phép chính phủ Anh viện dẫn Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon, theo đó một quốc gia thành viên có thể “thông báo cho Hội đồng châu Âu biết về ý định” rời khỏi khối này.

Cuối tháng 3 tới, bà May sẽ gửi một lá đơn thông báo tới Chủ tịch Hội đồng là ông Donald Tush và sau đó báo cáo tin tức này tới Quốc hội. Khi này chính là thời điểm bắt đầu bật đồng hồ đếm ngược. Theo điều khoản 50, hai năm kể từ khi nhận được tờ thông báo thì Anh sẽ không còn là thành viên của EU nữa.

Bước tiếp theo phụ thuộc vào ai?

Thời điểm khởi động điều 50 là phụ thuộc vào Vương quốc Anh. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo là phụ thuộc vào EU. Ông Tush cho biết một khi các quan chức EU nhận được thông báo của Anh, họ sẽ trả lời trong vòng 48 tiếng, đưa ra một bản hướng dẫn đàm phán cho 27 thành viên còn lại cân nhắc. Lãnh đạo của 27 nước sẽ gặp mặt vào tháng 4 hoặc là bà May sẽ là người đưa ra thời gian cuối cùng của cuộc đàm phán này.

“Sau đó chúng tôi sẽ gặp mặt và bắt đầu. Tôi đoán rằng cuộc gặp đầu tiên sẽ là về việc phải làm như thế nào, cần bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu người tham gia…”, David Davis, Bộ trưởng Brexit cho biết.

Các cuộc đàm phán này có thể sẽ phải chờ cho đến khi bầu cử vòng hai của Pháp diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 kết thúc. Một “vật cản” trong tiến trình Brexit khác có thể là cuộc bầu cử tại Đức vào tháng 9, quyết định việc đi hay ở của bà Angela Merkel.

Ai là người tiến hành đàm phán?

Về phía Vương quốc Anh, ông Davis sẽ là trưởng đoàn, có nhiệm vụ báo cáo lại cho bà May. Đại sứ Anh tại EU, Tim Barrow cũng đóng một vai trò quan trọng và Văn phòng Đối ngoại sẽ gặp gỡ từng quốc gia thành viên để thuyết phục họ. 

Về phía EU, điều này khá phức tạp. Một viện nghiên cứu ở Anh cho rằng “Anh đang phải đàm phán với 27 quốc gia thành viên, chứ không phải là một khối thống nhất”. Nhà ngoại giao Pháp, Michel Barnier là trưởng đoàn đàm phán của Ủy ban châu Âu, bộ máy hành pháp của khối. Ông sẽ nhận chỉ thị từ Hội đồng, đại diện cho lãnh đạo các quốc gia thành viên.

Nghị viện châu Âu cũng muốn góp một tiếng nói và sẽ phải thông qua thỏa thuận cuối cùng giữa  Vương quốc Anh và EU.

Vấn đề áp lực nhất là gì?

Việc Anh rời khỏi EU đã để lại sự không chắc chắn cho 3 triệu cư dân EU đang sống ở Anh và 1 triệu người dân Anh đang sống tại 27 quốc gia còn lại. Cả hai bên đều đồng ý tạo ra một sự đảm bảo cho các công dân này và ưu tiên hàng đầu là cho phép họ duy trì cuộc sống hiện tại.

Và vấn đề xung đột chính, đó sẽ là về tiền bạc. EU cho rằng Anh cần phải trả một khoản “’phí ly hôn” lên đến 64 triệu USD để chi trả cho các khoản trợ cấp cho nhân viên của EU và những khoản khác mà Anh đã cam kết trước đó. Trong khi đó, Vương quốc Anh chưa đưa ra bất kỳ một con số cụ thể nào nhưng chắc chắn sẽ cố gắng để cắt giảm số tiền ít nhất có thể.

Ngoài ra, còn một mâu thuẫn khác có thể xảy ra đó là mong muốn của Anh trong việc duy trì tự do thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ với khối EU nhưng lại không chấp nhận nguyên tắc cốt lõi của EU là dòng nhân công tự do. Anh cho biết sẽ áp đặt những giới hạn đối với người nhập cư và do đó cũng buộc phải rời khỏi khối hải quan và thị trường chung EU. Điều này sẽ khiến các rào cản thương mại là không thể tránh khỏi.

Khi nào tiến trình này kết thúc?

Theo điều 50, Vương quốc Anh sẽ dừng tư cách thành viên của EU bắt đầu từ tháng 3/2019. Nhưng các nhà đàm phán châu Âu cảnh báo có thể phải mất tới 2 năm chỉ để đưa ra được các điều khoản “ly hôn”, vì vậy việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về mối quan hệ mới giữa Anh và EU có thể tốn nhiều thời gian hơn.

Nếu toàn bộ thành viên còn lại của EU đồng ý, quá trình đàm phán 2 năm có thể được kéo dài, khiến Anh ở lại EU thêm một thời gian nữa. Hoặc hai bên sẽ phải đồng ý về một giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, Anh cũng có cơ hội ra đi sớm hơn mà không cần thỏa thuận nếu như nước này cho rằng các cuộc đàm phán không đi đến đâu cả.

Brexit là tấm vé một chiều?

Chính phủ Anh khẳng định chắc chắn sẽ không đảo ngược tiến trình Brexit, song vẫn chưa rõ liệu điều 50 có thể lật ngược được hay không về mặt pháp lý. Cựu đại sứ Anh tại EU John Kerr, người viết ra điều 50, cho biết “quy định này không phải là không thể gỡ bỏ được. Bạn cũng có thể thay đổi ý định kể cả khi tiến trình đang được thực hiện”.

Tuy nhiên, trước những áp lực chính trị trong nước, chính phủ Anh sẽ khó có thể đảo chiều Brexit. Bà May sẽ học tập phương châm làm việc của người tiền nhiệm, “người đàn bà thép” Margaret Thatcher, đó là “quý bà không bao giờ quay đầu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới