Saturday, April 20, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì tên lửa Triều Tiên, Mỹ - Trung giằng co đến bao...

Vì tên lửa Triều Tiên, Mỹ – Trung giằng co đến bao giờ?

Ngoại trưởng Mỹ sẽ đối mặt với chuyến công du châu Á đầu tiên đầy sóng gió khi vừa phải trấn an các quốc gia đồng minh về mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng lớn của Triều Tiên, vừa phải gây áp lực để Trung Quốc mạnh tay răn đe Bình Nhưỡng.

Mỹ và Trung Quốc giằng co tranh cãi vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Reuters đưa tin trước khi tới thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tới Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á. Trong khi đó, vào tháng Tư tới, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên gặp mặt trực tiếp. 

Tuy nhiên, cơ hội thành công đối với Ngoại trưởng Tillerson trong việc thuyết phục Trung Quốc tăng cường tầm ảnh hưởng nhằm kiềm chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại trở nên khá hiếm hoi. Bởi Trung Quốc đang vô cùng tức giận trước việc Mỹ đưa những thiết bị đầu tiên của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới một căn cứ Osan ở Hàn Quốc, ngay sau vụ bắn thử 4 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 6/3. Bắc Kinh còn cảnh báo có hành động đáp trả Mỹ – Hàn do lo ngại THAAD sẽ thăm dò lực lượng tên lửa của Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng nhiều lần đe dọa tăng mức thuế quan đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất để lấy lại cán cân thương mại giữa hai nước. 

Chuyến thăm của ông Tillerson diễn ra đúng thời điểm Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra quyết định phế truất Tổng thống Park Geun-hye trước cáo buộc tham nhũng. Nhiều chuyên gia nhận định việc THAAD của Mỹ có được hoàn tất triển khai ở Hàn Quốc hay không còn phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành tân Tổng thống Hàn Quốc trong vòng 2 tháng tới. Còn tại Seoul vào ngày 17/3 tới, Ngoại trưởng Tillerson sẽ có cuộc gặp mặt và thảo luận với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn và Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-se. 

Liên quan tới Triều Tiên. Trung Quốc thừa nhận tầm ảnh hưởng của nước này với nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ có giới hạn. Do đó, Trung Quốc đề nghị Mỹ và Hàn Quốc ngừng tổ chức tập trận chung đổi lại Triều Tiên sẽ tạm dừng các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Washington và Seoul phản đối đề xuất của Bắc Kinh. 

Theo một quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Trump, quan điểm của Ngoại trưởng Tillerson về việc triển khai THAAD là rất “kiên quyết”. Song nhiều khả năng Mỹ vẫn có thể thỏa hiệp với Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác lớn hơn của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên.  

“Vấn đề liên quan tới THAAD không còn gì để bàn thảo. Bắc Kinh sẽ phải học cách thích ứng hoặc sống chung với nó dù họ có phản đối. Song, cơ hội thỏa hiệp vẫn còn bởi không ai muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không nhận lại được gì”, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên. 

Ngoài ra, không loại trừ khả năng trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào ngày 18 – 19/3 tới, ông Tillerson sẽ nhắc tới việc “trừng phạt lần hai” nhằm vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có mối quan hệ làm ăn với Triều Tiên. Tại Trung Quốc, ông Tillerson sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. 

Trước đó, hôm 13/2, giới truyền thông đưa tin ông Trump có kế hoạch gặp gỡ ông Tập trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày từ 6 – 7/4. Ngoài ra, trong chuyến thăm tới Mỹ vào tháng tới, ông Tập còn có thể ghé thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở bang Florida. 

Còn tại Nhật Bản, Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida. Giới chức Mỹ – Nhật có thể sẽ thảo luận về hoạt động mở rộng năng lực phòng thủ tên lửa và khả năng Tokyo sẽ cho triển khai thêm THAAD. 

Nhiều nguồn tin cho hay chính quyền của Tổng thống Trump đang nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có cả phương án tấn công quân sự.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, giới phân tích và chính trị gia cho rằng đây là lựa chọn nguy hiểm. Bởi nó có thể kích động một cuộc chiến trong khu vực, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường mà chủ yếu tại Hàn Quốc, quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á. Cụ thể, trước khi bị bao vây, chỉ với lực lượng pháo binh truyền thống, Triều Tiên đã có thể tấn công và hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc, khu vực nằm cách biên giới Triều Tiên 50 km. 

RELATED ARTICLES

Tin mới