Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBảo hộ giấc mơ ô tô Việt: Hãy học Campuchia

Bảo hộ giấc mơ ô tô Việt: Hãy học Campuchia

Campuchia, Thái Lan đã chấm dứt tình trạng bảo hộ ô tô và coi đó là một phương tiện đi lại bình thường, mua rất dễ dàng.

Các chuyên gia đều cho rằng cần phải dừng việc bảo hộ công
nghiệp ô tô để thực hiện theo cơ chế thị trường. Ảnh minh họa.

Phải tuân theo quy luật thị trường

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc có nên bảo hộ ô tô trong nước trước làn sóng ô tô nhập ngoại đang ngày càng gia tăng hay không, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM thẳng thắn cho rằng Việt Nam cần phải mạnh dạn thay đổi.

PGS.TS Ngãi chia sẻ, thời gian vừa qua, ông có nắm được thông tin các nhà máy, công ty ô tô than phiền về tình trạng kinh doanh, buôn bán và úp mở chuyện rút lui khỏi Việt Nam vì không thể cạnh tranh về giá cả với ô tô nhập nguyên chiếc từ nước ngoài về.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường, ông Ngãi khẳng định việc dừng bảo hộ đối với công nghiệp ô tô là cần thiết. 

“Tại sao Việt Nam lại phải bảo hộ công nghiệp ô tô? Nếu doanh nghiệp cạnh tranh không nổi thì phải rút lui. Chúng ta không thể tiếp tục bảo vệ ô tô trong nước bằng các biện pháp tự vệ thương mại.

Việt Nam là một nước người dân có thu nhập rất thấp so với các quốc gia khác nhưng ô tô lại đắt gấp đôi với giá trên trời. Trong khi các nước như Campuchia, Thái Lan đã chấm dứt tình trạng bảo hộ ô tô và coi đó là một phương tiện đi lại bình thường, mua rất dễ dàng.

Đã đến lúc Việt Nam cũng phải để cho người tiêu dùng được hưởng lợi, được mua xe ô tô chất lượng đảm bảo, giá rẻ”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, thời gian qua Việt Nam bảo hộ ô tô trong nước vì một phần ngành công nghiệp này còn khá non trẻ. Chúng ta cố gắng bảo hộ để phát triển sản xuất cũng như lôi kéo, lan tỏa ra các ngành công nghiệp khác.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lo ngại nếu để ô tô ngoại ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam thì hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta không đáp ứng được, dẫn đến tình trạng ùn tắc hay hay những nguy cơ về ô nhiễm môi trường có thể xảy ra.

Tuy nhiên sau hơn hơn 20 năm bảo hộ cho ngành công nghiệp ô tô, kết quả Việt Nam thu được rất hạn chế, chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp đơn giản. Thậm chí nguồn thu thuế, ngân sách nhà nước chúng ta nhận được cũng không nhiều. Phần chênh lệch chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

“Đã đến lúc phải thả cho công nghiệp ô tô Việt Nam. Chấm dứt sự bảo hộ sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn. Doanh nghiệp sản xuất ô tô ở trong nước nếu không đổi mới, tự lực thì sẽ phá sản. Cơ chế cạnh tranh trên thị trường là như vậy. Chúng ta phải tiến tới việc đó, không còn con đường nào khác. Tôi ủng hộ hoàn toàn việc dừng bảo hộ ô tô”, PGS.TS Ngãi nhấn mạnh.

Cùng đưa ra quan điểm, TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn ô tô-máy động lực, Khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM khẳng định, nhà nước cần hạn chế sự can thiệp vào ngành công nghiệp ô tô để các doanh nghiệp “tự thân vận động” phát triển.

TS Nhân chỉ rõ, thời gian qua Việt Nam đã dành nhiều ưu đãi cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ô tô trong nước. Tuy nhiên, trình độ kỹ thuật, năng lực của đội ngũ nhân lực còn hạn chế nên rất khó có thể cạnh tranh với các đối thủ đã có lịch sử phát triển ô tô hàng trăm năm. Đặc biệt, tình trạng chảy máu chất xám vẫn trở thành vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp trong nước.

“Từ trước đến nay, nhà nước bảo hộ tương đối lớn với công nghiệp ô tô tuy nhiên Việt Nam ở một môi trường quá nhỏ bé. Giống như việc chúng ta có hạt giống nhưng không có đất, phân tốt để cây phát triển. Ngành công nghiệp ô tô đang rơi vào tình trạng đó. Nếu chúng ta cứ bảo hộ thì có ai dám chắc chắn bao nhiêu năm nữa ngành công nghiệp ô tô sẽ thành công?

Theo tôi nhà nước cần hạn chế sự can thiệp vào lĩnh vực này. Cần đảm bảo hoạt động của cơ chế thị trường hoạt động theo nguyên tắc “tự đào thảo”, tức là ai làm tốt thì thắng, người yếu kém sẽ thua, tự giải thể”, TS Nhân nhấn mạnh.

Tránh làm dàn trải, đầu tư vào xe chuyên dùng

Từ những phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng nhà nước và bản thân các doanh nghiệp trong nước cần phải tự thay đổi để thích nghi với những hoàn cảnh mới, nhất là khi thời điểm năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ là 0%.

The ông Ngãi, 2 vấn đề sống còn quyết định việc doanh nghiệp Việt có đủ sức cạnh tranh với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia khác, đó là giá thành và chất lượng sản phẩm.

“Phải làm sao để doanh nghiệp trong nước có những thế mạnh hoặc nổi trội hơn so với dòng xe nhập khẩu. Còn nếu giá thành vẫn cao và chất lượng, mẫu mã kém, không thu hút như thời gian qua thì rất khó đứng vững. Người tiêu dùng hiện nay lựa chọn rất thông minh. Họ được quyền chọn mua hàng nhập nguyên con nếu cảm thấy có lợi hơn so với hàng trong nước”, ông Ngãi nói.

Để làm được điều này, ông Ngãi cho rằng cần phải tập trung vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Nhân cho rằng Việt Nam cần phải tìm ra thế mạnh của mình trong lĩnh vực ô tô để tập trung phát triển chứ không nên đầu tư dàn trải như thời gian qua.

Ông Nhân khẳng định, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về ô tô trên thế giới cũng không tham vọng sản xuất ra toàn bộ chiếc ô tô mà chú ý vào những chi tiết nhỏ, mang lại nhiều doanh thu. Tập đoàn Bosch (Đức) hay hãng Toyota của Nhật sau nhiều năm ra đời cũng chỉ làm chủ một số khâu, sản xuất 1 số linh kiện nhất định trong chuỗi sản xuất ô tô chứ không tham vọng làm tất cả. Những ai làm xe đều mua linh kiện của các hãng này.

“Chúng ta không thể hi vọng làm hết được một chiếc ô tô. Chúng ta phải xác định là một chuỗi trong quá trình sản xuất ô tô. Với điều kiện hiện nay nếu chúng ta làm dàn trải được thì khó.

Việt Nam đang chọn phân khúc lắp ráp. Một số doanh nghiệp trong nước khác như Thaco đang chọn phân khúc phân phối và dịch vụ kỹ thuật hậu mãi”, ông Nhân nói.

Với kinh nghiệm của bản thân, vị chuyên gia đánh giá, hiện nay Việt Nam có đội ngũ lao động, kỹ thuật tương đối tốt nhưng chúng ta không tổng hợp sức mạnh được, thậm chí chảy máu chất xám. Nguyên nhân được chỉ ra là do Việt Nam không tạo ra được những ưu thế, những sản phẩm, linh kiện mang thương hiệu riêng.

“Giờ Việt Nam cũng cần đầu tư vào các lĩnh vực xe chuyên dùng như: xe ép rác, xe chữa cháy. Những công việc này chỉ dừng lại ở công đoạn thiết kế, lựa chọn rồi láp ráp các cấu thành lên một chiếc xe chuyên dùng. Trình độ hiện tại chúng ta làm được. Xe vẫn sử dụng được dù có một số tính năng hoặc thẩm mỹ còn thua kém nhập khẩu tuy nhiên giá rẻ hơn rất nhiều so với nhập khẩu nguyên chiếc. Nếu chúng ta chúng ta đi làm xe du lịch thì rất khó, không bán được cho ai hết. Việc này phải cân nhắc và tính toán kỹ”, TS Nhân kiến nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới