Thursday, March 28, 2024
Trang chủThâm cung bí sửVinh quang và bi kịch của lãnh đạo TQ quyền lực châu...

Vinh quang và bi kịch của lãnh đạo TQ quyền lực châu Á “đu dây” giữa Mao Trạch Đông-Stalin

Hơn 2 năm sau khi “nước Trung Quốc mới” thành lập, nhân vật này đươc tạp chí TIME gọi là “một trong những người quyền lực nhất ở châu Á”.

Các lãnh đạo ĐCSTQ tại nghi lễ thành lập nước CHND Trung Hoa ngày 1/10/1949,
từ phải qua: Chu Đức, Mao Trạch Đông, Cao Cảng, Chu Ân Lai (Ảnh: Getty Images).

Bước vào thập niên 1950, Chiến tranh Triều Tiên bước vào giai đoạn giằng co ở tiền tuyến, cùng các cuộc đối đầu căng thẳng trên bàn đàm phán.

Cao Cảng – thời điểm đó giữ chức Bí thư Cục Đông Bắc của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Chủ tịch Chính phủ nhân dân Đông Bắc, Phó chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung Quốc, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu Đông Bắc – là cái tên xuất hiện trên tạp chí TIME của Mỹ.

Vị trí địa lý quan trọng của vùng Đông Bắc Trung Quốc đối với cuộc chiến ở bán đảo, cùng với chức vụ quan trọng của Cao Cảng, cũng như sự kiện gây xôn xao với lãnh tụ Liên Xô Stalin… đã khiến TIME không thể phớt lờ Cao.

Một trong những người quyền lực nhất châu Á

Tờ TIME ngày 19/5/1952 xuất bản bài báo tiêu đề “Phía Bắc Vạn lý trường thành”, trong đó đăng kèm một tấm ảnh tiêu chuẩn của Cao Cảng.

Tạp chí nổi tiếng của Mỹ mô tả vai trò quan trọng của ông Cao và vùng Đông Bắc Trung Quốc:

“Tại hội nghị được triệu tập gần đây của các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thẩm Dương, một trong những nhân vật quyền lực nhất châu Á – Cao Cảng, với gương mặt vuông chữ điền lạnh lùng, đang thao thao bất tuyệt diễn thuyết trước các đồng liêu.

Ông Cao nói với các cấp dưới: ‘Chúng ta ở tiền tuyến, chúng ta bắt buộc phải có hy sinh.'”

“Tiền tuyến” được Cao Cảng nhắc đến chính là vùng đất phì nhiêu ở châu Á: Mãn Châu, hay như cách gọi của Bắc Kinh là “khu vực Đông Bắc”.

Hai năm rưỡi sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập (1/10/1949) dưới sự dẫn dắt của Mao Trạch Đông, khu vực này đã trở thành “vựa lương thực, trái tim của nền công nghiệp và ‘con dê đầu đàn’ của nền chính trị”.

Về quân sự, Mãn Châu đang là hậu phương để tiếp tế cho các căn cứ và kho lương của quân đội Trung Quốc ở Triều Tiên, trong cuộc chiến được Bắc Kinh gọi là “kháng Mỹ viện Triều” (hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ). Đồng thời, đây cũng là nơi che giấu 1.500 máy bay Trung Quốc, những chiến đấu cơ thường xuyên hiện diện trên vùng trời bán đảo.

Trong vai trò đứng đầu chính quyền phụ trách 3.6 triệu người dân, Cao Cảng – nhân vật mà TIME bình luận là ít người biết đến – là một trong những “đầu rồng” trong ĐCSTQ.

Rất ít người, kể cả những nhân vật danh tiếng ở các địa phương của “nước Trung Quốc mới”, được phê chuẩn để tận mắt chứng kiến Mãn Châu dưới tay Cao Cảng. Nhưng Trung Nam Hải vào giữa tháng 5/1952 đã thừa nhận, tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào vùng đất rộng 1148064 km vuông này.

“Đu dây” giữa Mao Trạch Đông và Stalin

Trong hồi ký, đặc sứ của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin tại Trung Quốc từ 1948 đến 1950, ông Ivan Kovalev kể lại một sự kiện về mối liên hệ giữa Stalin và Cao Cảng, khi ông Cao là thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu bí mật thăm Liên Xô vào tháng 7-8/1949.

Tham dự hội nghị mở rộng của Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Liên Xô ngày 27/7, đoàn Trung Quốc đã thảo luận với Stalin về các vấn đề quốc tế quan tâm chung. Tại đây, Cao Cảng phát biểu một số quan điểm cá nhân, trong đó ông đề xuất tuyên bố vùng Mãn Châu là “nước Cộng hòa thứ 17 của Liên Xô” (thời điểm đó Liên Xô có 16 nước Cộng hòa thành viên, bao gồm Karelia).

Cao nói rằng hành động này sẽ giúp Mãn Châu tránh được các cuộc tấn công của Mỹ, đồng thời trở thành căn cứ vững chắc giúp Trung Quốc tấn công Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan.

Cao Cảng còn kiến nghị Liên Xô lập căn cứ hải quân ở Thanh Đảo và mở rộng, tăng cường lực lượng đang đóng ở Đại Liên.

Bài phát biểu khiến Lưu Thiếu Kỳ tức giận. Lúc này, Stalin đứng lên và nói với Cao ở hàng ghế đầu tiên: “Đồng chí Trương Tác Lâm!”

Theo Kovalev, lời nói của Stalin khiến thính phòng xao động. Bởi trái với người con trai Trương Học Lương được gọi là “tướng yêu nước”, Trương Tác Lâm bị Bắc Kinh coi là “thổ phỉ” khi trở thành nhà độc tài ở vùng Đông Bắc nhờ sự giúp đỡ của người Nhật, rồi sau này bị người Nhật giết.

Cao Cảng bị Lưu Thiếu Kỳ chỉ trích nặng nề là “phản bội” khi ngồi trên xe cùng Kovalev trở về nhà khách.

Sau đó, Cao nhờ Kovalev chuyển đến lãnh tụ Liên Xô “một số tình hình nội bộ ở trung ương ĐCSTQ”, trong đó có các “hành động giả dối và chống Liên Xô của một vài lãnh đạo Trung Quốc cùng người ủng hộ Mao Trạch Đông”.

Do nhiệm vụ ở Trung Quốc, Stalin không cho phép Kovalev trao đổi sâu với Cao Cảng để tránh bị cuốn vào “đấu đá trong giới lãnh đạo Trung Quốc” mà cử người khác gặp Cao nắm tình hình. Stalin thừa nhận màn chỉ trích Cao ngày 27/7/1949 là quá mức, nhưng nói rằng ông phải làm vậy để tránh Bắc Kinh “hiểu sai vấn đề”.

Bất chấp Stalin nỗ lực hòa giải Lưu-Cao tại buổi tiệc ngày 30/7, Cao Cảng vẫn về nước ngày 31 mà không một thành viên nào của phái đoàn Trung Quốc ra tiễn.

Tối cùng ngày, Stalin hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ, nói: “Tôi đã phê bình Cao Cảng quá nặng. Ông cũng vậy, trong khi chúng ta không có căn cứ gì. Xin hãy chuyển lời của tôi đến đồng chí Mao như vậy.”

Stalin qua đời, Cao Cảng cũng kết thúc

Lưu Thiếu Kỳ dường như đã hoàn thành tốt ủy thác của Stalin, bởi không lâu sau chuyến đi đó Cao Cảng đã được bổ nhiệm vào các chức vụ rất quan trọng của nước Trung Quốc mới thành lập.

Mao Trạch Đồng thường xuyên nhấn mạnh trong các cuộc trao đổi với vị đặc sứ Liên Xô rằng Bắc Kinh “luôn ủng hộ Cao Cảng”. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với “bóng đen” treo trên đầu Cao Cảng đã mất đi – Kovalev kể lại.

Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo mô tả, trong Chiến tranh Triều Tiên, vai trò đặc biệt, sức mạnh kinh tế của vùng Đông Bắc cùng quan hệ đặc thù với Liên Xô đã tạo dựng một hình tượng lớn về Cao Cảng.

Tháng 11/1952, Cao được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban kế hoạch của Chính phủ nhân dân trung ương, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính Đông Bắc.

Tờ New York Times (Mỹ) số ra ngày 27/11/1952 giật dòng tít lớn: “Một ngôi sao mới nổi giữa Trung Quốc mới: Cao Cảng, một ‘người thực dụng’, được ca ngợi là người dẫn dắt kế hoạch công nghiệp hóa mới”.

Nhưng lịch sử sang trang rất nhanh. Cùng với các cuộc đàm phán đình chiến ở bán đảo, những chấn động mà Cao Cảng gây ra trong nội bộ ĐCSTQ, và đặc biệt là sự kiện Stalin qua đời tháng 3/1953, cái kết đã đến gần với vị “vua Đông Bắc” này.

Các tư liệu Trung Quốc ghi lại, Cao bị điều về trung ương năm 1953 và bị buộc tội mưu đồ thoán đoạt quyền lực tối cao của đảng và nhà nước.

Sau khi bị “vạch trần và phê phán” trước Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của trung ương ĐCSTQ khóa VII vào tháng 2/1954, Cao Cảng tự sát ngày 17/8 cùng năm.

Tháng 3/1955, ĐCSTQ triệu tập hội nghị đại biểu toàn quốc, thông qua nghị quyết tước bỏ đảng tịch của Cao Cảng.

RELATED ARTICLES

Tin mới