Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMỹ - Trung ưu tiên đối thoại

Mỹ – Trung ưu tiên đối thoại

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19.3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hầu như không đề cập các chủ đề gây bất đồng giữa hai nước.

Ngoại trưởng Tillerson (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tillerson đã kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh 2 ngày một cách hết sức “ngoại giao”. Theo tờ Le Monde, tại Đại lễ đường Nhân dân, cả ngoại trưởng Mỹ lẫn chủ tịch Trung Quốc gần như không nhắc đến những vấn đề dễ “gây căng thẳng” như Biển Đông hay chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, thay vào đó là những lời phát biểu rất nhẹ nhàng.

Ông Tillerson cho biết: “Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng hai nước có thể tăng cường đối thoại qua một chuyến thăm sắp tới. Chúng tôi biết rằng đối thoại sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn, từ đó giúp tăng cường quan hệ song phương”.

Đáp lại, ông Tập cho biết đã nhiều lần trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả hai nguyên thủ “đều hy vọng vào một thời kỳ mới với sự phát triển mang tính xây dựng”. Một trong những chủ đề được thảo luận là việc chủ tịch Trung Quốc có thể công du Mỹ vào tháng 4 tới.

Ngôn từ của ông Tillerson trong chuyến công du Bắc Kinh dịu hẳn so với nhiều tuyên bố trong thời gian qua của Tổng thống Trump. Trong chiến dịch vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh và dọa sẽ áp thêm nhiều loại thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.

Mới đây, liên quan đến CHDCND Triều Tiên, tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter rằng Bình Nhưỡng “hành xử rất tệ” và “Trung Quốc chẳng giúp được gì”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson nhận định trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 18.3: “Chúng tôi cũng đánh giá rằng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang rất cao và mọi thứ đã đạt đến mức nguy hiểm”.

Tình hình bán đảo này vẫn diễn biến rất phức tạp vì trong lúc ông Tillerson vẫn còn thăm Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên ngày 19.3 đã thông báo vừa thử động cơ tên lửa. Bình Nhưỡng tuyên bố việc phát triển và chế tạo động cơ tên lửa thế hệ mới sẽ giúp nước này “củng cố cơ sở về khoa học và công nghệ để đạt tầm vóc thế giới về phóng vệ tinh và tham gia các chương trình không gian”, theo Hãng tin KCNA.

Tuy nhiên, một số chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia Hàn Quốc lo ngại rằng từ mục tiêu “khoa học và công nghệ”, Bình Nhưỡng có thể chuyển hướng để phục vụ mục đích quân sự. Nếu chuyển hướng thành công “động cơ tên lửa khoa học” sang mục tiêu quân sự, Bình Nhưỡng có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa đủ khả năng bắn tới Mỹ.

Trung Quốc là điểm đến cuối cùng, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, trong chuyến công du đầu tiên đến châu Á của ngoại trưởng Mỹ. Trước đó, tại Seoul, ông Tillerson cảnh báo “sự kiên nhẫn chiến lược” của Washington dành cho Bình Nhưỡng dưới thời của tổng thống Barack Obama đã chấm dứt và giải pháp quân sự có thể được xem là một trong những lựa chọn của chính quyền Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới