Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Nga, TQ ngăn chặn HĐBA LHQ lên án Myanmar?

Vì sao Nga, TQ ngăn chặn HĐBA LHQ lên án Myanmar?

Lên án quân đội Myanmar chỉ là bước đầu một quá trình luật pháp hoá chính trị của phương Tây – như đã làm với nhiều nước gia châu Phi, Nam Tư cũ…

Phương Tây quyết tìm kiếm một tuyên bố lên án quân đội Myanmar phạm tội ác chống lại loài người

Reuters ngày 17/3 cho biết, Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn việc Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ra tuyên bố lên án quân đội Myanmar về tình hình bạo lực tại nước này. Theo các nhà ngoại giao quốc tế thì 15 thành viên HĐBA đã thảo luận về tình hình ở bang Rakhine, nơi mà quân đội Myanmar đang tiến hành một chiến dịch vãn hồi an ninh và đã gây ra xung đột vũ trang.

Văn phòng Nhân quyền LHQ hồi tháng 2/2017 đã buộc tội quân đội Myanmar có những hành động đốt nhà, hãm hiếp và giết chóc đối với người Hồi giáo Rohingya kể từ tháng 10/2016 trong một chiến dịch mà các quốc gia phương Tây xem là thanh lọc sắc tộc và “rất có thể” đã gây ra các tội ác chống lại loài người.

Giám đốc chính trị của LHQ, Jeffrey Feltman đã thông báo tình hình cho HĐBA trong một phiên họp kín, theo yêu cầu của đại diện nước Anh. “Chúng tôi đã đưa ra một số đề xuất để có thể ra thông cáo báo chí về sự việc, nhưng đã không có sự nhất trí giữa các thành viên HĐBA trong cuộc họp”, ông Matthew Rycroft, đại diện thường trực của Anh tại LHQ cho biết.

Theo Reuters, dự thảo sơ bộ của tuyên bố có nội dung “lo lắng với mối quan ngại về việc xung đột ở một số vùng của đất nước Myanmar và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận nhân đạo đến tất cả các khu vực”. Tuyên bố như vậy phải được sự đồng thuận trong HĐBA, nhưng các nhà ngoại giao cho biết nước láng giềng Myanmar và Nga đã ngăn cản việc ra tuyên bố.

Cũng nên biết rằng có khoảng 75.000 người Myanmar đã trốn khỏi bang Rakhine của Myanmar sang Bangladesh sau khi quân đội Myanmar thực hiện các hoạt động bảo đảm an ninh vào tháng 10/2016 để chống các cuộc tấn công của những phần tử nổi dậy người Rohingya ở các vùng biên giới. Hậu quả là có 9 nhân viên cảnh sát Myanmar đã bị thiệt mạng.

Liên minh châu Âu (EU) từng kêu gọi cần phải tổ chức một phái đoàn quốc tế đến Myanmar để điều tra các cáo buộc quân đội Myanmar đã tra tấn, hãm hiếp và hành quyết nhiều người Hồi giáo Rohingya trong chiến dịch tái lập an ninh. Tháng 11/2016, HĐBA đã họp và các nước phương Tây đã tỏ rõ họ ngày càng quan ngại về tình hình bạo lực tại khu vực biên giới phía tây bắc Myanmar.

Có thể thấy rằng, phương Tây đã rất quyết tâm để có được một tuyên bố lên án những hành động gây đổ máu của quân đội Myanmar mà theo phương Tây có quy vào tội chống lại loài người. Chỉ có điều việc chính quyền Myanmar chống lại quân nổi dậy đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ từ khi chính phủ của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyến thì phương Tây mới gia tăng mức độ sốt sắng với vấn đề này.

Thực tế đó khiến cho dư luận đặt câu hỏi phía sau sự sốt sắng đó là gì? Cá nhân người viết cho rằng phương Tây không phải vô tư trong việc tìm kiếm một tuyên bố của HĐBA lên án quân đội Myanmar, mà hành động của họ có mục đích và ý nghĩa nhân đạo chỉ là vỏ bọc mà thôi. Tại sao lại nhận định như vậy? 

Phương Tây muốn bắn 1 mũi tên trúng 3 đích cùng một lúc

Cũng nên nhắc lại rằng, sau cuộc bầu cử ngày 8/11/2015 mang lại chiến thắng “long trời lở đất” cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh tụ Aung San Suu Kyi, quân đội Myanmar đã chấp nhận nhường quyền lãnh đạo đất nước cho đối thủ của mình. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp Myanmar thì quân đội đương nhiên có 25% số ghế trong Quốc hội.

Bên cạnh đó là các bộ sức mạnh trong chính phủ Myanmar đều được quy định thuộc về đại diện quân đội nắm giữ. Đây là một rào cản rất lớn cho việc thực thi quyền lực của chính quyền mới theo đường lối dân chủ phương Tây tại Myanmar. Sau chiến thắng lớn của NLD, giới phân tích từng cho rằng một chính quyền thân phương Tây sẽ được thành lập khi NLD nắm quyền.

Vi sao Nga, TQ ngan chan HDBA LHQ len an Myanmar?

Chính quyền NLD và lãnh tụ Aung San Suu Kyi còn bị kìm giữ bởi quân đội Myanmar là thất vọng với phương Tây

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy, cho dù Mỹ và các nước phương Tây đã xoá bỏ nhiều rào cản cấm vận với Myanmar. Vấn đề được nhận diện là sự kìm giữ của quân đội với chính quyền mới của NLD. Đây là một nỗi thất vọng với Mỹ và các đồng minh – những người đã sang tận Myanmar để phổ quát nền dân chủ theo truyền thống phương Tây.

Khi lãnh tụ Aung San Suu Kyi chọn hoà giải và hợp dân tộc là nền tảng cho quyền lực của mình và hoà bình cho đất nước Myanmar là bước đâu tiên trong tiến trình xây dựng nền tảng ấy, thì đó có thể được nhận diện là cơ hội cho phương Tây trong việc gạt dần vai trò của quân đội Myanmar. Bởi sau Hội nghị Panglong thì hoà bình cho Myanmar không thể có được bằng việc bắt tay đoàn kết giữa chính phủ với các phe phái chống đối và vũ lực buộc phải được sử dụng.

Có thể thấy rằng, trong lịch sử thế giới, việc quân đội một quốc gia dùng vũ lực với những lực lượng chống đối luôn có rất nhiều vấn đề nhạy cảm mà các nhà quan sát có thể lập luận, lý giải theo cách nhìn của họ, trong đó đặc biệt là vấn đề nhân đạo và nhân quyền. Và phương Tây cũng đã giám sát tình hình tại Myanmar và nhận định quân đội nước này vi phạm nhân quyền.

Tiếp theo là họ tìm cách lên án quân đội Myanmar bằng một nghị quyết của LHQ mà Myanmar là một thành viên. Nếu nghị quyết lên án được thông qua thì việc quốc tế điều tra tội ác sẽ là bước tiếp theo nữa. Và từ đó có thể nhận định một kết luận rằng quân đội Myanmar phạm tội các chống lại loài người sẽ được đưa ra, mà lời buộc tội của Văn phòng Nhân quyền LHQ hồi tháng 2/2017 đã củng cố cho nhận định đó.

Khi quân đội Myanmar bị lên án phạm tội ác chống lại loài người thì sẽ diễn ra 2 tình huống. Một là Myanamar sẽ gia nhập ICC để đưa các can phạm ra xét xử tại một toà án quốc tế, hai là tất cả những nghi phạm đều phải rời khỏi quyền lực. Dù diễn tiến tình hình ra sao thì việc quân đội Myanmar bị lên án phạm tội ác đều khiến họ giảm nhiều ảnh hưởng với chính quyền dân sự.

Cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama là một trong những người đi tiên phong trong việc phổ quát nền dân chủ tại Myanmar

Bên cạnh đó, qua việc lên án quân đội Myanmar phạm tộc ác với người Hồi giáo Rohingya, phương Tây sẽ dễ dàng lấy lại niềm tin của thế giới Hồi giáo, vốn đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử sau khi nhiều đồng minh trong thế giới Hồi giáo rời bỏ, quay lưng hay hạ tầm quan hệ với của Mỹ và phương Tây.

Cho dù Washington và các đồng minh luôn nhận định không có mâu thuẫn với thế giới Hồi giáo, song điều đó rất khó thay đổi quan điểm vốn mặc định người Hồi giáo thân cận với chủ nghĩa khủng bố, đạo Hồi là nền tảng tư tưởng cho chủ thuyết của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Vì vậy, khi phương Tây làm một việc rõ ràng bảo vệ người Hồi giáo trước hành động gây tội ác của quân đội một “quốc gia không thù địch” thì niềm tin dễ dàng được xác lập.

Khi 2 cái đích mà mũi tên của phương Tây đã bắn trúng thì chính quyền dân sự của NLD và lãnh tụ Aung San Suu Kyi tại Myanmar sẽ phá được sự kìm giữ bởi “tàn dư của nền chuyên chế”. Và khi đó một chính quyền thân phương Tây sẽ thành hình tại xứ sờ chùa vàng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nước đi của Washington tại Đông Á – Thái Bình Dương và Nam Á – Ấn Độ Dương.

Có thể thấy rằng, việc lên án quân đội Myanmar chỉ là bước đầu cho một quá trình luật pháp hoá chính trị của Mỹ và phương Tây – như họ đã từng thực hiện với nhiều quốc gia châu Phi hay Nam Tư cũ. Chính vì vậy Moscow và Bắc kinh đã ngăn chặn điều đó, cho dù mới chỉ là một tuyên bố của HĐBA LHQ mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới