Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông chưa lặng sóng

Biển Đông chưa lặng sóng

Trong thời gian qua, bất chấp phản ứng cứng rắn của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có một loạt động thái đẩy nhanh việc xây dựng các công trình phi pháp ở Biển Đông, thể hiện tham vọng độc chiếm khu vực hàng hải nhộn nhịp nhất trong khu vực vẫn chưa dừng lại.

Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đang dự định đặt trạm quan sát trái phép.

Tham vọng không dừng lại

Hồi đầu tháng, hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc vừa tiến hành xây dựng công trình mới ở đá Bắc, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo đó, động thái xây dựng phi pháp mới nhất của Trung Quốc gồm có san đất và có thể chuẩn bị xây dựng một cảng mới. Các chuyên gia dự báo, công trình này có thể sử dụng cho việc triển khai quân sự.

Đây là dấu hiệu cho thấy nước này tiếp tục củng cố năng lực quân sự tại vùng biển thương mại trọng yếu. Các chuyên gia an ninh trong khu vực cho rằng, công trình phi pháp mới cho thấy, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trong việc xây dựng một hệ thống các đảo và rạn san hô và biến Biển Đông thành “sân sau” của mình, ngay cả khi nước này muốn tránh một xung đột mới với chính quyền Mỹ của tân Tổng thống Donald Trump. 

GS Carl Thayer – chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho biết, quần đảo Hoàng Sa sẽ là nhân tố quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh trong tương lai để thống trị Biển Đông. “Chúng ta có thể thấy họ đang theo đuổi việc quân sự hóa, mặc dù các phát ngôn chính thức đều phủ nhận điều đó” – GS Carl Thayer nói.

Tiếp theo đó, vào ngày 17/3, ông Xiao Jie – thị trưởng của cái gọi là “TP Tam Sa” do Trung Quốc tự ý đặt ra cho biết, nước này đã lên kế hoạch xây dựng trạm quan sát môi trường tại một số đảo trong khu vực, trong đó có bãi cạn Scarborough trong năm nay. Các trạm quan sát môi trường được ông Xiao Jie ngang nhiên tuyên bố là ưu tiên của Trung Quốc trong năm 2017.

Bãi cạn Scarborough là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines từ nhiều năm nay. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và cấm ngư dân Philippines tiến vào khu vực này. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Philippines Duterte thăm Trung Quốc vào năm ngoái, nước này đã cho phép ngư dân Philippines quay trở lại ngư trường truyền thống.

ASEAN đẩy nhanh đàm phán xây dựng COC

Trước các động thái khó lường của Trung Quốc, các nước ASEAN đã nỗ lực hợp tác để đẩy nhanh việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Ngày 22/3, quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về các kế hoạch xây dựng một trạm giám sát môi trường trên bãi Scarborough ở Biển Đông tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre cho hay, Philippines có thể nối lại quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có hành động hung hăng ở bãi cạn Scarborough. Bộ trưởng Aguirre tuyên bố, Philippines sẽ phản đối mạnh mẽ kế hoạch xây dựng phi pháp của Bắc Kinh ở bãi cạn. Về phía Việt Nam, bà Nguyễn Phương Trà – Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ xác minh thông tin Trung Quốc xây dựng cảng trái phép ở Hoàng Sa và đề nghị các bên liên quan hành xử có trách nhiệm.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về một loạt các vấn đề, trong đó có tình hình trên Biển Đông. Lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm chung nhằm hoàn tất thỏa thuận khung về COC trong năm nay. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh cũng như tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích của tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới