Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinĐối với chính phủ Nga, điều gì còn nguy hiểm hơn các...

Đối với chính phủ Nga, điều gì còn nguy hiểm hơn các cuộc biểu tình lớn nhất 5 năm qua?

Những cuộc biểu tình lớn tại hàng loạt thành phố ở Nga ngày 26/3, đối với chính quyền, không phải là điều nguy hiểm nhất.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik

Phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Nga tham nhũng

Theo hãng tin nhận ngân sách của chính phủ Nga Russia Today (RT), những cuộc biểu tình chống tham nhũng trên gần 100 thành phố của Nga ngày 26/3 bắt đầu từ một bản báo cáo tố Thủ tướng Nga Medvedev tham nhũng, công bố ngày 2/3 bởi một tổ chức phi chính phủ mang tên Quỹ Chống Tham nhũng (FBK) – do chính trị gia đối lập ở Nga, ông Alexei Navalny lập ra.

Báo cáo của FBK cho rằng Thủ tướng Nga Medvedev sở hữu 4 biệt thự trên khắp đất nước, mỗi biệt thự trị giá vài triệu USD, cùng với đó là hai khu đất rộng lớn ở Kransnidar, một trang trại trồng nho ở Italy, một khu nhà xa hoa ở trung tâm thành phố St. Petesburg mà trong đó là những căn hộ hạng sang, và hai du thuyền, tất cả trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Cũng theo RT, báo cáo cũng cáo buộc ông Medvedev đã tạo ra “một mạng lưới những nhân vật bù nhìn và công ty sân sau” (gồm các bạn học đại học, họ hàng, những quỹ từ thiện); toàn bộ các bất động sản được đăng ký bằng những tên khác nhau, nhưng thực chất đều do ông Medvedev sử dụng.

Một phần bằng chứng của các cáo buộc trên là theo những bức ảnh mà Thủ tướng Nga đã đăng tải trên Instagram (Thực tế, ông Medvedev thường xuyên đăng tải các bức ảnh của mình ở những nơi sang trọng và đẹp đẽ lên Instagram nhưng thường người ta khó có thể xác định địa điểm chụp ảnh là ở đâu).

FBK cáo buộc ông Medvedev đã nhận tiền hối lộ từ những trùm dầu mỏ-chính trị và các ngân hàng để mua tất cả khối tài sản hàng tỷ đô đó.

Các cáo buộc không có bằng chứng

Ngoài bản báo cáo trên, FBK còn tung ra một video dài gần một tiếng với nội dung nói về những tài sản, biệt thự, lâu đài,…của Thủ tướng Medvedev. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi đăng tải, video này đã có hơn 2 triệu lượt xem. Những hình ảnh trong đó được quảng cáo là khán giả “chưa từng được thấy”.

Bản báo cáo của FBK tuy trở thành một đề tài được bàn tán trên mạng xã hội, nhưng về mặt pháp lý, nó hoàn toàn vô giá trị. 

Trả lời trang RBTH của Nga, Luật sư Denis Primakov, Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Nga, cho biết: “Bản báo cáo của FBK đã vẽ ra một kịch bản, nhưng chỉ có những thông tin bề nổi. Nó đưa ra giả thiết nhưng lại không đưa ra bằng chứng để chứng minh, không có những thông tin cần thiết để khẳng định giả thiết. Đó là chưa kể tính xác thực của những thông tin này cũng cần được kiểm chứng.”

Thư ký báo chí của Thủ tướng Medvedev đã cho rằng bình luận về bản báo của một nhân vật đối lập đang bị kết tội là vô nghĩa, và bản báo cáo “điều tra” đó chỉ là một kế hoạch với mục đích tranh cử. 

Navalny đã tuyên bố kế hoạch tranh cử tổng thống Nga 2018. Tuy nhiên, thực tế là ông sẽ không thực hiện được việc đó vì mới bị kết tội 5 năm tù treo do biển thủ công quỹ vào năm 2009 – khi còn làm việc tại một công ty gỗ của nhà nước. Luật pháp Nga không cho phép người đang thực thi án tù trên 3 năm, dù là án treo, ứng cử tổng thống.

Người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng cho biết, Kremlin đã không nghiên cứu chi tiết tài liệu báo cáo của FBK, vì cho rằng đó là “một tác phẩm do một cá nhân có tiền án tự sáng tác”.

Ủy ban chống tham nhũng của Duma (Quốc hội Nga) cũng đã tuyên bố rằng họ không có ý định có phản ứng gì với cuộc điều tra và các cáo buộc của FBK đối với thủ tướng Medvedev.

Không đạt được mục đích, Navalny đã kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình trên khắp nước Nga vào ngày 26/3.

Chống tham nhũng hay mục đích khác?

Trả lời RT, nhiều chuyên gia chính trị của Nga cho rằng, những cáo buộc trong báo cáo của FBK sẽ không ảnh hưởng tới vị trí của Thủ tướng Medvedev. Ông Medvedev vẫn sẽ là thủ tướng cho tới hết nhiệm kỳ.

Những cuộc điều tra như của FBK không được nhìn nhận như một hoạt động dân sự chống tham nhũng, mà nó được xem như một cuộc cạnh tranh giữa các nhóm khác nhau.

“Câu hỏi mà người ta quan tâm ở đây không phải là “Thủ tướng Medvedev có tham nhũng hay không”, mà là ai thực sự đứng đằng sau cuộc điều tra này”, học giả Konstantin Kalachev nói.

Theo báo Nga RBTH, những cáo buộc về cái mà phe đối lập gọi là “đế chế tham nhũng” của Thủ tướng Medvedev chắc chắn đã gây được sự chú ý nào đó với người dân. Người Nga thường không có thói quen ngay lập tức xuống đường chống đối, nhưng những cáo buộc như vậy sẽ góp phần gieo rắc “sự thờ ơ và chán ghét” vào công chúng. 

Điều đó, đối với chính quyền, còn nguy hiểm hơn cả những cuộc biểu tình. Khi công chúng thờ ơ, thì vấn đề chính của cuộc bầu cử 2018 sẽ là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp. Và đó có thể là điều mà phe đối lập mong muốn.

RELATED ARTICLES

Tin mới