Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 29/03

Bản tin Biển Đông ngày 29/03

Bản tin Biển Đông ngày 29/03/2017.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

Trung Quốc dùng lời lẽ bao biện trắng trợn để bảo vệ các công trình xây dựng trái phép ở Trường Sa trên Biển Đông

Ngày 28/3, Tân Hoa Xã cho biết tại buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã khẳng định hoạt động xây dựng đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là nhằm cung cấp tốt hơn các loại hàng hóa phục vụ dân sinh, cũng như thực hiện tốt hơn nghĩa vụ quốc tế của nước này. Cụ thể, bà này khăng khăng rằng quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ từ trước đến nay của Trung Quốc nên “các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ của Trung Quốc là nhằm để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các lực lượng đồn trú trên đảo, cải thiện công năng dân sự của các đảo, nâng cao khả năng cung cấp nhiều loại hàng hóa phục vụ dân sinh và thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của nước này”.

Có thể thấy rõ rằng phát biểu ngụy biện của bà Hoa được đưa ra ngay sau khi chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) công bố báo cáo mới đây nhằm vạch trần việc Bắc Kinh sắp hoàn tất việc xây dựng các cơ sở tấn công và phòng thủ trên quần đảo Trường Sa.

Sau đó, ngày 29/3, hãng CNN cho biết, theo ý kiến của các chuyên gia, các cơ sở mới mà Trung Quốc đang hoàn tất ở Biển Đông sẽ tăng cường hơn nữa việc củng cố sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực, giúp nước này tiến tới thành lập một Vùng nhận diện phòng không ở khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng khẳng định dù đã hoàn tất việc xây dựng song chưa máy bay nào được triển khai tới các cấu trúc. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bước tiếp theo của Trung Quốc có thể sẽ là triển khai máy bay đến các đảo một cách từ từ để “thử” và chờ đợi “sự phản đối” của các nước trong khu vực và Mỹ, từ đó có thể đưa “quá trình” này dần dần trở thành một “thông lệ”. 

Trung Quốc thực sự muốn gì ở Biển Đông?

Ngày 29/3, hãng Nikkei đăng bài viết “Trung Quốc thực sự muốn gì ở Biển Đông” của Bill Hayton, nghiên cứu viên tại Chatham House.

Bài viết cho rằng việc nghiên cứu về mục đích thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông còn chưa được chú trọng, chủ yếu các học giả đều mới chỉ dừng lại ở việc phỏng đoán về những động cơ chiến lược và chiến thuật của nước này chứ chưa bám sát vào các tuyên bố hay văn bản mà nước này công khai và “thể hiện một bức tranh hoàn toàn khác”, qua đó Bill Hayton kêu gọi các học giả phương Tây cần phải nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này nếu muốn hiểu được điều gì thúc đẩy Trung Quốc gây căng thẳng ở khu vực.

Mặc dù sự thiếu minh bạch về tiến trình chính trị ở Trung Quốc luôn cản trở việc đánh giá quan điểm của giới lãnh đạo nước này đối với vấn đề Biển Đông nhưng vẫn có thể thấy được đôi nét về vấn đề này qua các tuyên bố và văn bản chính thức của Trung Quốc, tiêu biểu nhất là phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Trung Quốc “cần đặt ưu tiên cao nhất đối với việc xây dựng “một bức tường bảo vệ biển và biên giới vững chắc” hồi tháng 6/2014 hay nhiều phát biểu lặp đi lặp lại về cái gọi là “nhu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích trên biển, sự thống nhất quốc gia đồng thời giải quyết một cách phù hợp các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp đối với các đảo”

Bill Hayton khẳng định, hành động của Trung Quốc chủ yếu dựa trên nhận thức về “quyền của quốc gia” đối với các đảo, đá và các vùng biển ở Biển Đông trên cơ sở các tài liệu lịch sử về khu vực của “các học giả yêu nước” nước này. Đây cũng là động lực thôi thúc Trung Quốc hành xử hung hăng hơn ở khu vực trong những năm qua, gây nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu trong tương lai.

Tác giả đánh giá các tính toán chiến lược rõ ràng rất quan trọng đối với Trung Quốc để đảm bảo quyền tiếp cận tới mọi ngóc ngách và tài nguyên ở Biển Đông. Với một quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Trung Quốc, việc đi qua Biển Đông để tới các đại dương lớn là “vấn đề sống còn của quốc gia”. Do đó, chương trình bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc là nhằm: (i) “phong tỏa các tuyến giao thương hàng hải trong trường hợp xảy chiến tranh quân sự với Mỹ trong tương lai”; (ii) tăng cường chiến lược “chống tiếp cận/ chống xâm nhập khu vực” thách thức sự ủng hộ của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột và (iii) sử dụng các vùng biển nước sâu ở Biển Đông để tạo căn cứ lắp đặt các tàu ngầm tên lửa đạn đạo loại Jin mới. Không những vậy, tác giả cho rằng hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc còn thể hiện rõ mục tiêu ngăn chặn các bên tranh chấp ở Biển Đông có bất cứ động thái nào để cản trở hoạt động khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên của nước này ở khu vực.

Thêm vào đó, một động lực khác nữa khiến Trung Quốc có hành xử hiếu chiến ở Biển Đông là “một phiên bản lịch sử bá quyền và riêng biệt” – “quyền lịch sử”, một yêu sách phi lý đã bị Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ. Tác giả cho rằng dù Mỹ hay một số nước khác đã “khôn khéo” khi lựa chọn lập trường trung lập đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực song các nước này “không nên phớt lờ vấn đề đó” bởi nguyên nhân cốt lõi nằm ở nhận thức của phía Trung Quốc về những “bất mãn” liên quan đến “quyền của họ” đối với các vùng lãnh thổ ở khu vực được thu hồi sau khi “mất đi”, thứ không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp xây dựng lòng tin hay phô trương lực lượng hải quân. Ngoài ra, Trung Quốc luôn thấy cần phải “phản kháng” lại mọi hành động của bất kỳ quốc gia bên ngoài nào nhằm cản trở quá trình “thu hồi lãnh thổ quốc gia của mình”, dù là tuần tra hải quân hay một vụ kiện trọng tài quốc tế, do họ luôn phải chịu “nỗi ám ảnh cố hữu” về giai đoạn lục địa Trung Hoa bị các thế lực nước ngoài chia cắt và nỗi ám ảnh này hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột lớn hơn.

Theo tác giả, các biện pháp ngoại giao hay đối đầu trực tiếp đều khó có thể phá bỏ động cơ của Trung Quốc ở Biển Đông bởi tranh chấp chỉ có thể được giải quyết bằng cách “gỡ bỏ” nhận thức của Trung Quốc về cái gọi là “tính chính đáng”, phản đối mạnh mẽ việc nước này cố tình sử dụng sai lệnh các bằng chứng lịch sử. Qua đó, ông kêu gọi các bên có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông cần đánh giá nghiêm túc hơn về vấn đề lịch sử đồng thời khẳng định các yêu sách phi lý không phải là cơ sở của mọi cuộc đối thoại và giải quyết tranh chấp. Tác giả cho rằng trước tiên, các chuyên gia ở khu vực và trên thế giới cần làm việc nhiều hơn với các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc về cơ sở của lập trường mà nước này có đối với Biển Đông. Bên cạnh đó, tác giả đề xuất các nhà đàm phán khi trao đổi với các quan chức Trung Quốc cần nắm được cơ bản những chứng cứ lịch sử xác thực trước lối suy diễn lịch sử mập mờ của họ và chủ động hơn trong các cuộc thảo luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới