Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tin900 triệu người châu Á phải đút lót năm 2016

900 triệu người châu Á phải đút lót năm 2016

Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin (Đức) vừa công bố báo cáo Chỉ số Minh bạch 2017, trong đó cho thấy hơn 1/4 số người sống tại Châu Á-Thái Bình Dương phải đút lót cho các cán bộ để làm dịch vụ công trong năm 2016.

Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 20.000 người ở 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Pakistan đến Australia.

Kết quả điều tra của tổ chức này cho thấy ước tính có khoảng 900 triệu người trong khu vực đã phải trả “phí bôi trơn” ít nhất một lần trong vòng 12 tháng qua.

“Chúng tôi phát hiện thấy hơn 1/4 số người được khảo sát đã phải trả tiền hối lộ để được tiếp cận các dịch vụ công. Dựa trên tỷ lệ hối lộ đối với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ và quy mô dân số người trưởng thành, con số này tương đương với hơn 900 triệu người tại khắp 16 nơi được khảo sát,” báo cáo viết.

Vậy ai nhận hối lộ và ai đút lót?

Báo cáo cho thấy cảnh sát đứng đầu danh sách các dịch vụ công thường đòi tiền hối lộ. Suýt soát 1/3 số người từng tiếp xúc với cảnh sát trong 12 tháng qua cho biết họ đã phải hối lộ cảnh sát.

Các cán bộ ngành khác thường đòi hối lộ là y tế, giáo dục và nước sạch.

Một điều đáng chú ý là những người càng trẻ càng dễ bị đòi tiền hối lộ. Theo khảo sát, những người dưới 35 tuổi hay phải hối lộ nhất (chiếm 34% số người được hỏi), tiếp đến là những người ở độ tuổi từ 35-54 (chiếm 29%), và những người trên 55 tuổi (chiếm 19%).

Phụ nữ chỉ kém chút ít so với đàn ông trong vấn đề đưa tiền hối lộ. Kết quả khảo sát cho thấy 27% phụ nữ đưa tiền hối lộ quan chức trong 1 năm qua, trong khi tỷ lệ này ở đàn ông là 30%.

Nhìn chung, 38% số những người nghèo nhất được hỏi cho biết họ đã trả tiền hối lộ, tỷ lệ cao nhất trong các nhóm thu nhập được khảo sát.

Cứ 5 người mới có 1 người cho rằng tỷ lệ tham nhũng đang giảm bớt, trong khi 2 người cho rằng đang tăng lên, còn 3 người cho rằng không thay đổi.

Khảo sát cho thấy Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất khi gần 2/3 số người được hỏi cho rằng họ phải “bôi trơn” để được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế.

Ngược lại, Nhật Bản, Hồng Kông và Australia được ghi nhận có tỷ lệ hối lộ thấp nhất. Danh sách này còn có cả Hàn Quốc, bất chấp vụ Tổng thống Park Geun-hye của nước này vừa bị phế truất vì liên quan đến vụ bê bối nhận hối lộ.

Hàn Quốc cũng là nước có nhiều người nhất cho rằng chính phủ nước này không làm tốt trong việc chống tham nhũng, với 76% số người đưa ra ý kiến này.

RELATED ARTICLES

Tin mới