Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 30/03

Bản tin Biển Đông ngày 30/03

Bản tin Biển Đông ngày 30/03/2017.

ASEAN đàm phán vấn đề Biển Đông tại Xiêm Riệp

Ngày 30/3, tờ The Phnompenh Post đưa tin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết Campuchia đang chủ trì cuộc họp cấp Vụ trưởng trong hai ngày 29 – 30/3 tại Siêm Riệp để bắt đầu đi đến nhất trí về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Theo Pou Sovachana, Phó Giám đốc Viện Hợp tác Hoà bình Campuchia (CICP), việc Campuchia chủ trì các cuộc đàm phán sẽ giúp cải thiện uy tín của nước này với các nước thành viên ASEAN khác, và củng cố hình ảnh “một bên đối tác quan trọng” thay vì bị coi là “kẻ quấy phá lúc nào cũng ủng hộ Trung Quốc”. Liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử, ông Sovachana cũng cho rằng “không quan trọng cuộc đàm phán kéo dài trong bao lâu”, điều quan trọng là Bộ Quy tắc phải cụ thể và có thể thực hiện được

Trong khi đó, ông Sophea Hok, một quan chức Bộ Truyền thông Campuchia khẳng định rằng Campuchia chỉ đơn thuần là một “nước chủ nhà”.

Chuyên gia an ninh quốc tế cảnh báo Trung Quốc đang truyền thông điệp bá quyền ở Biển Đông

Ngày 29/3, tờ The Philippine Star đưa tin, liên quan đến một bài báo gần đây của các quan chức hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định lại luận điệu nguỵ biện của phía Trung Quốc về hành động quân sự hoá của nước này ở Biển Đông, ông Peter Layton, chuyên gia an ninh thuộc Viện Lowy cho rằng bài báo này đang truyền đi thông điệp về âm mưu thống trị Biển Đông của Bắc Kinh và đưa ra hai lời cảnh báo về hành động của nước này trong tương lai. Với đoạn “do lo sợ trước các chương trình bồi đắp đảo (của Trung Quốc), các bên tranh chấp có liên quan và các nước láng giềng sẽ không có lý do để gây xung đột hay làm leo thang chiến tranh vì họ không chưa hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào”, ông Layton khẳng định “đối với độc giả Trung Quốc, thông điệp này nhằm thể hiện rằng “quyết tâm” mới của Trung Quốc đang “giúp” khôi phục tự tôn dân tộc và sức mạnh quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời cho thấy Đảng Cộng sản đang đạt được những kết quả tốt đẹp”. Trong khi đó, “đối với cộng đồng quốc tế, thông điệp này thể hiện rõ rằng Trung Quốc hiện đang làm bá chủ khu vực và các bên phải hành xử sao cho phải phép”. Ngoài ra, hai cảnh báo mà ông Layton đề cập đến là: (i) đe doạ về nguy cơ cao độ về xảy ra khủng hoảng quân sự ở Biển Đông và (ii) Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một vùng riêng biệt trên biển nhằm ngăn các nước ASEAN có yêu sách ở Biển Đông sở hữu thêm các cấu trúc ở khu vực hay cản trở hoạt động khai thác nguồn tài nguyên dầu khí và hoạt động đánh bắt cá quá mức của nước này.

Liệu Chiến tranh phức hợp có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông?

Ngày 30/3, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Liệu Chiến tranh phức hợp có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông?” của Tobias Burgers và Scott N. Romaniuk phân tích về những thuận lợi và bất lợi của việc tăng cường sử dụng các phương tiện không người lái ở Biển Đông đối với Mỹ. Bài viết khẳng định, chính quyền mới của Mỹ sẽ ngày càng tích cực hơn ở Biển Đông và các hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) thường xuyên có thể sẽ được tăng cường với nhiều tàu lớn hơn và mạnh hơn bởi các lực lượng quân sự của Mỹ có thể lựa chọn triển khai các hệ thống không người lái ở khu vực này. Trước đây, các tác giả cũng từng cho rằng, Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường các phương tiện không người lái ở Biển Đông và sử dụng các hệ thống này để tạo lợi thế cho mình.

Biển Đông có thể trở thành không gian thử nghiệm cho Mỹ sử dụng và phát triển các hệ thống không người lái mới, từ các thiết bị không người lái dưới nước (UUV) tới các loại thiết bị nổi không người lái (USV) và UAV (thiết bị bay không người lái). Nhu cầu thử nghiệm sử dụng các hệ thống đang được phát triển và dần đi vào hoạt động này trong tác chiến đối với Mỹ đang ngày càng lớn, không chỉ để học hỏi và phát huy tốt hơn các thiết bị và hệ thống không người lái mà còn nhằm đánh giá tác động có thể có đối với những chiến thuật và chiến lược rộng hơn. Bên cạnh đó, các chương trình tình báo, do thám và trinh sát (ISR) cũng sẽ rất hữu dụng bên cạnh mục đích quân sự của các thiết bị này (thu thập dữ liệu) do một cuộc xung đột cũng có thể được coi là một cuộc chiến về thông tin giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với nhiều người phương Tây, Biển Đông vẫn chỉ là một nơi “xa xôi”, thường “không được mấy để ý tới” và hiếm khi nhận được sự chú ý của các hãng truyền thông lớn do truyền thông chưa có được nhiều những hình ảnh thực tế về khu vực. Tuy nhiên, các phương tiện UAV, với các thiết bị ghi hình và thu thanh hiện đại sẽ cho phép các quốc gia chia sẻ về các hoạt động của Trung Quốc hoặc các nước khác ở Biển Đông. Việc sử dụng các hệ thống này cũng sẽ đưa ra một tín hiệu chính trị rõ ràng và cho giới lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng Mỹ rất nghiêm túc trong cam kết đối với Biển Đông. Thuận lợi lớn nhất của việc sử dụng các hệ thống không người lái ở Biển Đông lại liên quan đến bản chất cơ bản của chúng: thiếu vắng sự điều khiển trực tiếp của con người, tạo ra khuôn khổ triển khai mà có thể giảm thiểu các rủi ro chính trị so với khi dính dáng đến các bên sử dụng thiết bị “có người lái”, cho phép các hệ thống không người lái được sử dụng theo cách “mạnh tay hơn” hơn so với các hệ thống “có người lái”.

Các tác giả nhận định, khả năng USV và UUV có được vai trò quan trọng trong lực lượng USN gần như là “chắc chắn”, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết tâm mở rộng lực lượng tàu chiến trong USN – một mục tiêu được chính quyền Mỹ rất ủng hộ. Tuy nhiên hai học giả cũng cảnh báo, điều này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh ở khu vực

RELATED ARTICLES

Tin mới