Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: Già néo thì đứt dây

Căng thẳng Đức – Thổ Nhĩ Kỳ: Già néo thì đứt dây

Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Đức thông báo, một số nhà bình luận người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giữ tại sân bay và không cho phép nhập cảnh.

Những động thái này một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này tiếp tục xấu đi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schafer cho biết, sau khi nhận được thông báo về các trường hợp trên, giới chức Đức đã gửi kiến nghị tới chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ những người này.

Các trường hợp bị từ chối nhập cảnh là người Kurd mang hộ chiếu Đức, đang làm việc tại quốc gia Tây Âu này với tư cách nhà bình luận, và họ có nguyện vọng về thăm gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Schafer cho rằng trong bối cảnh quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng thời gian gần đây thì “khó có thể thương thảo” về vấn đề trên, song nhấn mạnh tất cả các công dân Đức đều có quyền được bảo lãnh và hỗ trợ ngoại giao.

Phản ứng với vấn đề này, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng, những bình luận của các nhà bình luận mà phía Thổ Nhĩ Kỳ cấm nhập cảnh mang tính chất bảo vệ và khoan nhượng đối với người mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Ngoài ra, trong một dấu hiệu phản ánh mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xấu đi, hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ bang Hạ Saxony của Đức ông Boris Pistorius đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động bí mật theo dõi “không thể chấp nhận được” đối với những người được cho là ủng hộ phong trào do Giáo sỹ Fethullah Gulen lãnh đạo. Ông cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Đức hỗ trợ theo dõi 300 người được cho là ủng hộ Giáo sỹ Gulen.

Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere cùng ngày đã lên tiếng cảnh báo hoạt động gián điệp bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, cho rằng “mọi hoạt động do thám trên lãnh thổ Đức sẽ không được dung thứ và sẽ bị trừng phạt thích đáng”.

“Hoạt động gián điệp trên nước Đức là phạm pháp và sẽ không được chúng tôi chấp nhận”, ông nêu rõ. “Điều này áp dụng với mọi quốc gia và kể cả hoạt động tình báo. Đó là lý do vì sao các hoạt động như vậy đang được Cơ quan bảo vệ hiến pháp của Đức giám sát. Các quốc gia đều phải đăng ký nhân viên tình báo của mình với chúng tôi.”

Như vậy, với việc Đức mở cuôc điều tra liên quan tới hoạt động theo dõi của Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này tiếp tục xấu đi.

Tuy nhiên, giới quan sát ban đầu nhận định, đây chỉ là những “rung chuyển” nhẹ trong bối cảnh chính trị châu Âu đang có nhiều thay đổi và rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó mà làm căng hơn với Đức bởi Đức là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng hàng đầu của nước này và có vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa ước mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, Đức cũng rất cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại “khủng hoảng nhập cư” đang đe dọa an ninh của riêng Đức cũng như toàn châu Âu.

Dẫu vậy, “già néo thì đứt dây” nên các nhà bình luận cũng cho rằng, sự tranh luận đang bị đẩy đi khá xa và đã đến lúc cả hai bên nên dừng lại để ngồi vào bàn thảo luận, đặt lợi ích chung lên hàng đầu trước khi bị sa đà vào một cuộc đấu khẩu mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới