Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Mỹ - Trung Quốc dù thế nào cũng khó tan...

Quan hệ Mỹ – Trung Quốc dù thế nào cũng khó tan vỡ

Trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cho rằng Mỹ và Trung Quốc có 1.000 lý do để kết thân và không có một lý do nào có thể khiến quan hệ hai nước tan vỡ.

Cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6/4. 

Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung, nhiều chuyên gia dự báo không khí cuộc họp sẽ đầy căng thẳng liên quan tới những bất đồng quan điểm của hai nước về lĩnh vực kinh tế cũng như chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Song trên thực tế, ông Trump đã ca ngợi đây là một cuộc gặp mang tinh thần “hợp tác và đầy thiện ý” giữa hai nền kinh tế lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Còn ông Tập thì nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc có “1.000 lý do” để tạo dựng quan hệ ngoại giao và không có một lý do nào có thể khiến quan hệ hai nước tan vỡ.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Tập quay trở về Trung Quốc, Mỹ lại có thêm động thái nhằm ám chỉ sẵn sàng tấn công quân sự nhằm vào đồng minh của Bắc Kinh là Triều Tiên. Cụ thể, hôm 9/4, hải quân Mỹ đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tiến tới gần khu vực bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, ngay tại thời điểm diễn ra bữa tiệc tối giữa ông Trump và ông Tập, Mỹ còn đưa ra quyết định tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự của Syria. Theo ông Trump, quyết định cho phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria ở Homs là phản ứng trước cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Mới đây, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh các cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào Syria là lời cảnh báo tới nhiều quốc gia trong đó có Triều Tiên. Theo ông Tillerson, “các nước khác cũng sẽ nhận phản ứng tương tự của Mỹ nếu bị coi là nguyên nhân gây nguy hiểm”. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể sẵn sàng tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria, nhất là khi Bình Nhưỡng được cho sắp làm chủ công nghệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ. Ngoài ra, trong tháng Tư, Triều Tiên cũng sẽ tiến hành kỷ niệm một số sự kiện trọng đại như ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Trong những dịp như thế này, Triều Tiên thường hay cho thử vũ khí mới. 

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), việc hải quân Mỹ điều động nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên cho thấy trong các cuộc thảo luận ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đã không đạt được thỏa thuận nào mang tính chắc chắn về phương thức giải quyết những vấn đề tranh cãi liên quan tới Bình Nhưỡng. Thậm chí, ông Trump còn nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ “sẵn sàng hành động theo cách của riêng mình”.

Theo giới phân tích, không phải ngẫu nhiên ông Trump chọn thời điểm tấn công căn cứ quân sự ở Syria lại trùng đúng dịp ông Tập sang thăm Mỹ. Quyết định tấn công Syria của ông Trump được đánh giá là có 2 thông điệp nhắn gửi tới Trung Quốc. Thứ nhất, Bắc Kinh chưa hành động đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thứ hai, Mỹ có thể sớm đưa ra hành động với Triều Tiên ngay cả khi không có sự trợ giúp từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ trước tới nay, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự ở nước ngoài của Mỹ, bao gồm các cuộc chiến ở Trung Đông như Mỹ triển khai quân tới Libya năm 2011 và tới Iraq năm 2003.

Thậm chí, một số nhà phân tích nhận định cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria còn được xem là lời cảnh báo với Trung Quốc rằng Washington sẽ mạnh tay hơn với Bắc Kinh nếu tiếp tục có những hành động bành trướng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan. 

Tuy nhiên, Washington và Bắc Kinh hiểu rằng tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên phức tạp hơn rất nhiều so với ở Trung Đông. Nếu Mỹ muốn phát động chiến tranh với Triều Tiên, Washington sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước các cuộc tấn công trả đũa của Bình Nhưỡng nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và các lực lượng quân đội Mỹ đồn trú ở một số quốc gia khác. Bên cạnh vị trí địa chính trị nhạy cảm, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng sẽ làm cuộc chiến giữa Mỹ – Triều gây bất ổn lớn cho toàn khu vực và có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

SCMP cho rằng giờ là lúc, Trung Quốc không thể còn giữ thế trung lập trong căng thẳng Mỹ – Triều bởi cuộc chiến giữa hai quốc gia này đang gần hơn bao giờ hết.

Với vị thế là đồng minh quan trọng nhất cả về mặt kinh tế và ngoại giao, Trung Quốc có đủ uy thế để ngăn cản Triều Tiên có thêm hành động khiêu khích. Đây cũng chính là điều mà ông Trump muốn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ để tránh làm các bên đều phải chịu tổn thương. 

Còn theo kênh truyền hình Trung Quốc CCTV, trong cuộc điện đàm hôm nay (12/4) giữa ông Trump và ông Tập, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh Bắc Kinh muốn một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

“Ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc quyết tâm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực đồng thời kêu gọi Mỹ đưa ra các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng”, CCTV đưa tin.

Cũng theo CCTV, ông Tập còn nói với ông Trump rằng Bắc Kinh sẵn sàng duy trì các cuộc trao đổi về vấn đề Triều Tiên với Washington. 

Trong cuộc điện đàm với ông Trump, ông Tập đã kêu gọi Mỹ đưa ra các “biện pháp chính trị” để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đồng thời có “tiếng nói chung” với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó, hôm 11/4, trên tài khoản Twitter, ông Trump viết: “Triều Tiên có thể còn gây ra thêm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ, điều này thật tuyệt vời. Còn nếu không, chúng ta sẽ tự giải quyết vấn đề mà không cần tới họ”.

Ông Trump còn nhấn mạnh: “Tôi đã giải thích với nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ có lợi nhiều hơn cho Trung Quốc nếu Trung Quốc chịu giúp đỡ giải quyết vấn đề Triều Tiên”. 

Giới quan sát nhận định dù các cuộc trao đổi liên quan tới tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giữa ông Trump và ông Tập ngày càng nhiều nhưng sự lựa chọn của Trung Quốc chỉ có giới hạn.

Theo Giáo sư Su Hao tại Đại học Đối ngoại Trung Quốc, ông Trump đang gia tăng sức ép lớn với Triều Tiên bằng cách đưa ra những lời đe dọa.

“Trong tình cảnh Triều Tiên có ý định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, Bắc Kinh nên đưa ra lời cảnh báo rõ ràng với Bình Nhưỡng về những hậu quả khôn lường có thể xảy ra cũng như các điều kiện để tránh rơi vào tình cảnh xấu nhất”, ông Su nói.

Còn theo Giáo sư Zhang Huizhi tại Đại học Jilin, Trung Quốc sẽ khó có thể chấp nhận lời đề nghị của ông Trump về việc có thêm hành động mạnh tay với Triều Tiên để đổi lấy một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

“Trung Quốc có thể sẽ chuẩn bị các kế hoạch thay thế như hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để thuyết phục Mỹ hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên”, ông Zhang chia sẻ. 

RELATED ARTICLES

Tin mới