Tuesday, April 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTên lửa Nga, quân TQ áp biên giới Triều Tiên

Tên lửa Nga, quân TQ áp biên giới Triều Tiên

8 tên lửa đất đối không của Nga, 150.000 binh sĩ Trung Quốc tập trung ở biên giới Triều Tiên giữa tình hình nóng.

Biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson tiến về bán đảo Triều Tiên.

Daily Star thông tin, dẫn theo đoạn video cho thấy đoàn xe quân sự của Nga mang theo 8 tên lửa đất đối không và đều thuộc hệ thống phòng không của Nga.

Theo thông tin ban đầu, Nga đã chuyển các loại vũ khí này tới thành phố Vladivostok – chỉ cách biên giới Triều Tiên 12 km.

Thành phố này nằm trong phạm vi tấn công của Triều Tiên, và là nơi đóng quân một căn cứ hải quân quan trọng của Nga.

Mặc dù thông tin trên chưa được chính phủ Nga xác nhận, song các hình ảnh về việc di chuyển tên lửa đã được người dân sống tại thành phố biên giới ghi lại và đăng lên mạng xã hội.

TASS dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, nước này vừa triển khai những hệ thống đầu tiên của phiên bản hệ thống pháo tên lửa Pantsir-S2 đến đây.

Theo nguồn tin này, một tiểu đoàn trang bị hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S2 đã được sát nhập với Trung đoàn tên lửa phòng không phòng vệ Vladivostok.

“Các tổ hợp phòng không Pantsir-S2 đang đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Trung đoàn ở Vladivostok sẽ nhận được một hệ thống tên lửa mới nhất S-400 Triumph vào cuối năm nay.

Các kíp trắc thủ đang trong quá trình huấn luyện chuyển đổi lên hệ thống mới”, phát ngôn viên Quân khu Viễn Đông Roman Martov cho biết.

Trước đó, tờ báo Chosun của Hàn Quốc đưa tin, Trung Quốc đã triển khai 150.000 binh sĩ tới biên giới với Triều Tiên, sẵn sàng ứng phó quân sự trước khả năng Mỹ tấn công.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó phủ nhận thông tin này.

Tờ The Yomiuri Shimbun mới đây cũng cho biết, tàu do thám Nga và Trung Quốc đã đồng hành bám đuôi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson gần bán đảo Triều Tiên.

Dù  không cho biết cụ thể loại tàu nào đã được cả Nga và Trung Quốc triển khai bám đuôi tàu sân bay Mỹ nhưng nguồn tin này nhận định, động thái này cho thấy cả Moscow và Bắc Kinh đều muốn thăm dò hoạt động của Mỹ và muốn cho Washington thấy sự đồng thuận của của 2 nước trong vấn đề Triều Tiên.

Trong mối quan hệ giữa nước lớn, Nga và Trung Quốc hiện nay đều mong muốn giữ mối quan hệ ổn định với Triều Tiên vì lợi ích an ninh quốc gia. Trước tình hình căng thẳng ngày một leo thang giữa Washington và Bình Nhưỡng, Nga và Trung Quốc đều lên tiếng cảnh báo các bên đừng đẩy tình hình vào giai đoạn “không thể kiểm soát được”.

Ngày 14/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chúng tôi kêu gọi các bên hãy hạn chế các hành động đe dọa, khiêu khích và không để tình hình rơi vào tình trạng mất kiểm soát cũng như không cứu vãn nổi”.

Trung Quốc lựa chọn Nga tham gia vào cuộc chiến này là bởi những tác động phụ mà Triều Tiên trong trường hợp gây chiến với Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ.

Không những mất an ninh khu vực nếu Triều Tiên quyết định “hiếu chiến”, nền kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc là một bên hưởng lợi bị ảnh hưởng sẽ khiến cho Bắc Kinh dè chừng và “hãm phanh” Bình Nhưỡng.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov:

“Mục tiêu chung của hai nước chúng ta là đưa tất cả các bên quay lại bàn đàm phán. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga để góp phần làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, và cổ vũ các bên liên quan tái lập đối thoại”.

Ông Vương Nghị muốn nói đến các cuộc đàm phán sáu bên (giữa Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ) đã bị bế tắc từ nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh rằng “ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh và hỗn loạn ở Triều Tiên là phù hợp với lợi ích chung” của Bắc Kinh và Moscow.

Mối đe dọa chiến tranh xuất hiện sau lời cảnh báo từ các chuyên gia quân sự cấp cao cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu lượng nguyên liệu hạt nhân vượt xa mức ước tính trước đó, với đủ lượng urani đã được làm giàu ở cấp độ cao và plutoni cho tới 60 đầu đạn hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến “tổng lực” với Mỹ.

Phía Mỹ cũng luôn tỏ ra cứng rắn với tình hình Triều Tiên sau khi cảnh báo Trung Quốc không can thiệp mạnh mẽ vào bán đảo láng giềng.

Ngày 14/4, các quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết sau hai tháng rà soát chính sách, chính quyền Trump đã hoàn tất chính sách về Triều Tiên, theo đó tập trung vào việc “gây sức ép và can dự tối đa”.

Các quan chức này cho biết trọng tâm trước mắt của chính quyền Mỹ sẽ là gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng với sự giúp đỡ của Bắc Kinh mà hiện nay đã có cả Nga can dự.

RELATED ARTICLES

Tin mới