Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGiáo dục phổ thông Việt Nam hãy học hẳn Singapore?

Giáo dục phổ thông Việt Nam hãy học hẳn Singapore?

Nếu đưa ra các môn học chung chung, học sinh của ta sẽ không đủ kiến thức để cạnh tranh trong một nền kinh tế đã toàn cầu hóa cao độ.

LTS: Góp ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom đã có bài viết thể hiện góc nhìn riêng của mình. Báo Đất Việt xin đăng tải nội dung bài viết.

Trước hết, phải khẳng định là dự thảo đã đưa ra một cách có hệ thống về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thể hiện được tư duy hiện đại, cải cách mạnh mẽ. Một nền giáo dục hiện đại, đào tạo học sinh có năng lực cạnh tranh toàn cầu, lại có bản sắc riêng của Việt Nam là cái mà bất cứ ai cũng mong đợi. Tuy ở mức dự thảo, nhưng tôi cảm nhận được ý chí ấy, và rất ủng hộ việc cải cách này.

Nhưng đi sâu hơn, tôi xin phép được đưa ra một số ý kiến như thế này: chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi cực kỳ nhanh và mạnh mẽ của thế giới nghề nghiệp. Rất nhiều loại công việc, thậm chí là nghề nghiệp đang bị tác động rất mạnh bởi cách mạng công nghiệp, mà hiện nay là cách mạng công nghiệp 4.0, khiến cho nhiều loại nghề mới, công việc mới xuất hiện, nhiều loại công việc và nghề nghiệp lại hoàn toàn biến mất.

Chính vì thế, chúng ta không thể chỉ đào tạo học sinh có tinh thần tự học, mà phải đào tạo phát triển năng lực và kỹ năng tự học.

Là một người làm về công nghệ giáo dục, tôi nhận ra những dấu hiệu rõ ràng tương lai giáo dục sẽ rất khác, vì kiến thức và nội dung học sẽ có sẵn ở khắp mọi nơi, và học sinh có thể tìm kiếm dễ dàng các bài giảng rất hấp dẫn mà không nhất thiết phải chờ thầy cô giảng ở trên lớp mới có được.

Chính vì vậy kỹ năng và năng lực tự học sẽ là điều cực kỳ quan trọng đối với học sinh, để có thể nắm bắt được kiến thức mà các em cần một cách có hệ thống. Song song với nó, thầy cô giáo sẽ không thể chỉ dừng lại ở việc giảng dạy kiến thức môn học nữa, mà sẽ chuyển sang giai đoạn dạy kỹ năng tự học, phát triển năng lực khám phá kiến thức từng môn học cho học sinh.

Tinh thần tự học là chưa đủ, kỹ năng và năng lực tự học của học sinh, và khả năng giúp đỡ, đào tạo và dẫn dắt học sinh trong quá trình tự học của giáo viên sẽ là sức mạnh quyết định tới thành công của người học.

Nhìn chung về dự thảo thì tôi thấy dự thảo cho thấy bóng dáng của những hệ thống giáo dục hiện đại, với sự tổng hợp, tham khảo từ nhiều nền giáo dục tiên tiến khác nhau, và có điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.

Nhưng nếu nhìn sang Singapore, một nền giáo dục hiện đại và hiệu quả hàng đầu thế giới hiện nay, cũng mang đậm chất Á Đông như Việt Nam chúng ta, thì thấy họ tham khảo và áp dụng chủ yếu là theo hệ thống giáo dục Anh Quốc, và rõ ràng là họ thực hiện rất chắc tay, và thành quả đã thấy rõ. Học sinh học cấp 2 sẽ học theo O-level, và lên cấp 3 học theo A-level với định hướng về nghề nghiệp rất cao ở cấp 3.

Ai không theo được A-Level thì có thể chọn học nghề từ 1 đến 3 năm ngay sau khi tốt nghiệp cấp 2, và sau đó là tham gia vào thị trường lao động để tự kiếm sống, nuôi bản thân được.

Còn đã vào được A-level thì sẽ học tương đối khó với sự phân hóa sâu theo một định hướng nghề nghiệp mà các em sẽ chọn. Sự khác biệt thấy rõ là ở đó không có sự chung chung như ta đưa ra môn giáo dục kinh tế pháp luật như dự thảo của ta đưa ra, mà họ chia rất sâu thành môn kiến thức tài chính, quản trị kinh doanh, kinh tế học rõ ràng để học sinh chọn học.

Câu hỏi đặt ra ngay lập tức với người Việt Nam là lấy đâu ra giáo viên dạy các môn kinh tế, tài chính và quản trị cho học sinh cấp 3? Câu trả lời là các cử nhân chuyên ngành quản trị, tài chính và kinh tế hiện nay của ta ra trường rất nhiều, và đang dư thừa, họ hoàn toàn có thể tham gia vào việc giảng dạy các môn này, và cái ta cần là đào tạo kiến thức và kỹ năng sư phạm cho các cử nhân này thì ta sẽ có ngay đội ngũ giáo viên.

Nếu chúng ta đưa ra các môn học chung chung, thì học sinh của ta sẽ không đủ kiến thức để cạnh tranh trong một nền kinh tế đã toàn cầu hóa cao độ rồi.

Tại sao chúng ta không bê thử mô hình giáo dục thành công của Singapore hay Phần Lan ra để so sánh với dự thảo của ta, rồi phân tích chỉ ra rõ ràng cái ta có thể làm được như họ, đặc trưng gì của Việt Nam phải giữ lại và phát triển cho bằng được, cái gì chưa làm được nhưng cần phải làm thì sẽ đề ra giải pháp lâu dài để thực hiện cho kỳ được?

Tôi không nói tới việc copy y nguyên, tôi muốn gợi ý về một cách thức sử dụng mẫu thành công để học hỏi, và kiến tạo ra cái phù hợp thực sự với mình.

Điểm tiếp theo ta nên tham khảo cách làm của những nền giáo dục tiên tiến đó là họ không áp đặt về tư duy và giáo trình. Sau khi xác định xong các môn học và mục tiêu cần đạt được, họ đưa ra bản mô tả chuẩn cho từng môn, từng lớp học cụ thể, và gợi ý các giáo trình có thể sử dụng.

Và với mô tả chuẩn cùng với các mục tiêu môn học, độ tuổi rất rõ ràng, các trường học tùy ý chọn giáo trình để dạy, miễn sao đạt được đúng chuẩn là được.

RELATED ARTICLES

Tin mới