Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Trump đang mất thể diện trước Triều Tiên vì "những tuyên...

Ông Trump đang mất thể diện trước Triều Tiên vì “những tuyên bố sáo rỗng”

Những tuyên bố sáo rỗng của ông Trump với Triều Tiên không chỉ khiến thanh danh nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn làm giảm khả năng đối phó của Washington trước các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

 

Những tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích và đe dọa Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ được xem là lời “hù dọa”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thử thách Triều Tiên về nguy cơ đối mặt với một cuộc chiến hạt nhân. Song theo nhà nghiên cứu cấp cao  Michael H. Fuchs tại Trung tâm Tiến bộ nước Mỹ, dù chiến tranh có xảy ra hay không thì ông Trump cũng đang làm giảm khả năng đối phó của Washington trước các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Còn theo tạp chí The Diplomat, Triều Tiên hiện là một trong những thách thức nguy hiểm nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thậm chí, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng cũng ngày một gia tăng. Chính những tuyên bố và hành động của ông Trump càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Nói cách khác, những tuyên bố mạnh miệng chỉ trích Triều Tiên trong hơn một tháng qua của chính quyền Tổng thống Trump là một phương thức giải quyết vấn đề không cần thiết, không hiệu quả và đầy nguy hiểm. Hành động này một là dẫn tới chiến tranh. Hai là làm mất uy tín nghiêm trọng của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết các mối đe dọa trên bán đảo Triều Tiên. 

Trên cương vị là một Tổng thống, những phát ngôn của ông Trump được đánh giá vô cùng có giá trị. Ngay cả khi những tuyên bố của ông Trump chỉ là lỡ lời, các nhà lãnh đạo quốc tế đều theo dõi sát sao mọi lời nói của ông này. Đối với Triều Tiên, những chia sẻ trên trang Twitter của ông Trump có thể nhanh chóng biến thành chiến tranh hoặc có thể mang lại hòa bình.

Trước thời điểm diễn ra buổi lễ kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4, chính quyền của ông Trump đã có hàng loạt tuyên bố ám chỉ Mỹ sẵn sàng có hành động đáp trả trước mọi động thái bị coi là khiêu khích từ phía Triều Tiên. Cụ thể, ông Trump tuyên bố: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ làm”. Còn trong chuyến thăm tới châu Á, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh “kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược của Mỹ với Triều Tiên đã chấm dứt”. Và sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một quả tên lửa hồi đầu tháng Tư, Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng khẳng định “Mỹ đã nói đủ với Triều Tiên”.

Đặc biệt nhất là tuyên bố từ chính Tổng thống Trump và giới chức Mỹ về việc Washington điều động nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tới khu vực Đông bắc Á. Thậm chí, nhiều báo cáo còn cho rằng chính quyền của ông Trump sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nếu như Mỹ phát hiện Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6. Tuy nhiên, những thông tin về vị trí hoạt động của tàu USS Carl Vinson lại vô cùng bí ẩn và đầy mâu thuẫn, khiến nhiều người cho rằng Mỹ chỉ đang tung hỏa mù.  

Theo nhà nghiên cứu Fuchs, những tuyên bố mạnh mẽ của ông Trump trong đó ám chỉ Mỹ có thể hành động một mình, được đánh giá là đầy nguy hiểm kể cả khi Washington chỉ có ý định đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Bởi tuyên bố của ông Trump không những không thể khiến Triều Tiên thay đổi thái độ mà còn đẩy nguy cơ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên đến gần hơn bao giờ hết. Và nếu ông Trump hạ lệnh tấn công Triều Tiên, cuộc chiến này sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nói cách khác, chỉ cần một cuộc tấn công quân sự có giới hạn cũng sẽ có thể bùng phát thành một cuộc chiến lớn ở bán đảo Triều Tiên, hủy diệt thành phố Seoul nơi đang có hàng ngàn người Mỹ sinh sống. Tên lửa Triều Tiên còn có thể phóng sang các địa điểm ở Nhật Bản và khả năng cả Mỹ. Còn Trung Quốc sẽ một lần nữa sát cánh bên Triều Tiên để chống lại Mỹ. Do đó, chỉ cần một quả tên lửa của Mỹ tấn công Triều Tiên cũng đã có thể nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến toàn diện và chiến sự sẽ lan nhanh trên toàn khu vực Đông bắc Á.

Trong khi đó, chính sách đối phó với Triều Tiên hiện thời của chính quyền Tổng thống Trump lại dường như tương đồng với những chính sách của người tiền nhiệm như cựu Tổng thống Barack Obama. Cụ thể, chính sách của Mỹ vẫn là hợp tác với các quốc gia đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản; thúc ép Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên; thi hành lệnh trừng phạt; sử dụng các biện pháp khác như triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD và tấn công mạng nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng từ phía Triều Tiên. 

Cũng theo ông Fuchs, ngay cả khi giai đoạn căng thẳng hiện thời trên bán đảo Triều Tiên trôi qua mà không xảy ra bất cứ xung đột nào, uy tín của ông Trump vẫn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi những lời đe dọa “sáo rỗng” của ông Trump sẽ khiến Triều Tiên nghĩ rằng Mỹ chỉ muốn hù dọa. Trong khi Trung Quốc sẽ phớt lờ toàn bộ những lời nói mà ông Trump đã trao đổi với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ mất niềm tin rằng Mỹ là một đối tác tin cậy trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Do đó trong hoàn cảnh uy tín nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay, cách tốt nhất ông Trump có thể làm là ngừng đưa ra những lời tuyên bố đe dọa rằng Mỹ sẽ đơn phương tấn công Triều Tiên.  Nói cách khác, ông Trump cần dừng lại việc chia sẻ cảm xúc và trạng thái trên Twitter để bắt tay vào nghiên cứu về những chính sách đối phó hiệu quả với Triều Tiên. Ông Trump cũng cần hiểu rằng uy tín của nước Mỹ chỉ được đảm bảo khi có một chiến lược thực thụ mang tới thành công.

RELATED ARTICLES

Tin mới