Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 03/05

Bản tin Biển Đông ngày 03/05

Bản tin Biển Đông ngày 03/05/2017.

Quan chức Ngoại giao Philippines bác bỏ tin đồn xoay quanh Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Trang Inquirer đưa tin, ngày 2/5, ông Zaldy Patron, Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN, Bộ Ngoại giao Philippines đã bác bỏ một số thông tin vừa qua cho rằng các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc đã “yêu cầu” quan chức của Philippines đưa vấn đề Phán quyết ra khỏi Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, đồng thời bác bỏ những quan ngại cho rằng sự thiếu vắng Phán quyết trong Tuyên bố Chủ tịch sẽ làm suy yếu các yêu sách của Philippines ở Biển Đông vì “Phán quyết vẫn tiếp tục tồn tại và là một phần của công lý và luật pháp quốc tế, Philippines hoàn toàn có thể viện dẫn Phán quyết bất cứ thời điểm nào Philippines muốn, đây chính là điều Tổng thống đã khẳng định”.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho đến nay đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không đề cập đến Phán quyết vào thời điểm hiện tại vì ông đang nỗ lực cải thiện quan hệ còn nhiều căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Giải thích lý do vì sao Tuyên bố chung không đề cập đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, ông Patron cho rằng năm 2016 tại Viêng Chăn, Lào, các nước ASEAN chưa đạt được nhất trí để đưa vấn đề Phán quyết vào “bất kỳ tuyên bố chung nào của ASEAN”. Bên cạnh đó, ông Patron cho hay vấn đề trọng tâm và là “lợi ích” của các nước ASEAN hiện nay là đạt được bộ khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đồng thời khẳng định các nước đều đang “lạc quan” về khả năng bộ khung này sẽ được hoàn tất trong năm nay. Ông còn nói “nếu một mặt ta đã có được Phán quyết, mặt khác lại có thêm cả COC, ta sẽ có tới hai công cụ pháp lý để có thể sử dụng bất cứ lúc nào trong tương lai”.

Tuy nhiên, giải thích nêu trên của ông Patron được đánh giá là Philippines cố gắng làm giảm nhẹ mối quan ngại của nhiều nước ASEAN và cộng đồng quốc tế do nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Biển Đông như vấn đề bồi đắp, quân sự hóa đã không được ghi nhận trong Tuyên bố Chủ tịch.

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định việc nước này nâng cấp các cơ sở ở Đảo Thị Tứ trên Biển Đông là hợp pháp

Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 2/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar khẳng định việc Philippines củng cố các cơ sở trên Đảo Thị Tứ ở Biển Đông là hợp pháp dù Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã có những chỉ trích gay gắt trước đó. Ông nhấn mạnh “bất kỳ chuyến thăm hay hoạt động nào của Philippines ở đó đều nằm trong phạm vi cho phép của Hiến pháp nhằm đảm bảo an toàn, sự phát triển và đời sống của cư dân sinh sống tại khu địa chính này”.

Tàu chiến nước ngoài sắp tham dự Cuộc duyệt binh hàng hải quốc tế đầu tiên của Singapore

Ngày 2/5, The Diplomat đăng bài viết “Tàu chiến nước ngoài sắp tham dự cuộc duyệt binh hàng hải quốc tế đầu tiên của Singapore” của Prashanth Parameswaran đề cập đến sự kiện 30 tàu chiến đến từ 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Úc sẽ có mặt tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 50 năm thành lập hải quân Singapore (RSN50). Trong hoạt động này, các tàu chiến sẽ tham gia vào cuộc tập trận hải quân nhiều bên trên biển trong khuôn khổ Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương do Singapore dẫn dắt nhằm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử cho các va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Việc mở rộng CUES đã được Singapore, Mỹ và các nước ủng hộ nhằm góp phần hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Cuộc duyệt binh sẽ được tổ chức vào ngày 15/5, với hơn 4000 quan khách đến từ hải quân và cảnh sát biển các nước. Dự kiến, nhiều hoạt động của RSN50 sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cả năm, bao gồm hàng loạt hội thảo trong tháng 6, một triển lãm và các chuyến thăm quan trong tháng 11.

Đánh giá về Lực lượng Cảnh sát Biển Malaysia theo quan điểm ASEAN

Ngày 2/5, The Diplomat đăng bài viết “Đánh giá về Lực lượng Cảnh sát Biển Malaysia theo quan điểm ASEAN” của nhà báo Prashanth Parameswaran. Bài viết đưa ra nhận định tổng quan về một cơ quan giống với lực lượng Cảnh sát Biển của Malaysia trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bài viết đưa ra phân tích, đánh giá về thông tin từ trang ISH Jane’s cho biết một quan chức cấp cao Malaysia đã xác nhận nước này đã chính thức đổi tên “Cơ quan Chấp pháp trên biển của Malaysia” (MMEA) thành “Lực lượng Cảnh sát Biển Malaysia”. Ông Parameswaran cho rằng thông tin này đã phản ánh được một số xu hướng: sự phát triển của lực lượng cảnh sát biển hay những cơ quan tương tự ở Đông Nam Á cũng như tiềm lực còn “khiêm tốn” của MMEA trong những năm qua. Do sự gia tăng của một loạt những nguy cơ trên biển, các quốc gia ASEAN phải đẩy mạnh phát triển năng lực trên biển cả về quy mô lẫn quá trình hiện đại hoá để đối phó với chúng. Nhiều nước Đông Nam Á đã đẩy mạnh đầu tư vào lực lượng cảnh sát biển hay những cơ quan tương tự như một cách để các nước này “giảm bớt” sự bất cân xứng về tiềm lực trên biển giữa họ với Trung Quốc đã từng xuất hiện trong những sự kiện liên quan đến “vùng xám”, những sự kiện nằm trong ranh giới mong manh giữa chiến tranh và hoà bình cần đến việc phải triển khai những phương tiện “phi quân sự”, ít gây ra căng thẳng. Tuy nhiên bất chấp xu hướng này, chỉ một số những cơ quan giống với Cảnh sát Biển ở một số nước Đông Nam Á thực sự được xây dựng để trở thành lực lượng Cảnh sát Biển, và tên gọi của chúng, cùng với sự uỷ nhiệm của các Bộ, ngành chịu trách nhiệm về chúng, đã có thể được thay đổi. Mặc dù vậy, tên gọi của MMEA và Cơ quan An ninh biển của Indonesia (BAKAMLA) đều không thể hiện rõ những cơ quan này là “Cảnh sát Biển”. MMEA dù có khởi đầu khá khiêm tốn và còn nhiều khó khăn về nguồn lực song vào thời điểm hiện tại MMEA có vai trò quan trọng trong việc đối phó với nhiều thách thức như buôn lậu, cướp biển, đánh bắt cá trái phép. Trong những năm qua, năng lực của MMEA đã liên tục phát triển để xứng đáng hơn với danh hiệu “tương xứng với một lực lượng Cảnh sát Biển”. Nhiều quan chức Malaysia cho rằng MMEA cần được đổi mới, có thêm nhiều tàu và trang thiết bị mới hơn để hỗ trợ hoạt động tuần tra trên các vùng biển của Malaysia. Đô đốc Ibrahim Bin Mohamed, Vụ trưởng Vụ Điều tra Tội phạm trên biển Malaysia trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Biển và Tuần tra Bờ biển tại Jakarta, Indonesia đã khẳng định rằng việc đổi tên sẽ phản ánh Chương trình hiện đại hoá hiện nay của Malaysia và giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm của lực lượng này. Theo ông Ibrahim, việc đưa vào hoạt động các tàu mới sắp tới sẽ nói lên được tính chất của tên gọi mới này dù cái tên MMEA vẫn sẽ được giữ vào thời điểm hiện nay vì mục đích duy trì hoạt động. Dù một số người còn cho rằng việc đổi tên là quá sớm nhưng tác giả cho rằng sự thay đổi này đã khẳng định được vai trò quan trọng mà Malaysia đặt lên MMEA trong chiến lược quốc phòng lâu dài hơn của nước này cũng như quá trình hội nhập của tổ chức này bất chấp những thách thức to lớn mà lực lượng này đang phải đối phó.

Về cuốn sách điện tử của Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio về tranh chấp Biển Đông

Ngày 1/5, hãng ABS-CBN đưa tin, vào lúc 17 giờ ngày 4/5, tại phòng Turf, Câu lạc bộ Polo Manila, thành phố Makati, Philippines, cuốn sách điện tử của Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio “Quyền chủ quyền và Quyền Tài phán của Philippines ở Biển Đông: tranh chấp Biển Đông” sẽ được phát hành. Cuốn sách 264 trang bao gồm 140 bài thuyết trình của Thẩm phán Carpio về tranh chấp Biển Đông trong nhiều diễn đàn ở Philippines và nước ngoài. ABS-CBN đánh giá đây là một tài liệu quan trọng giúp độc giả nắm được những vấn đề cơ bản của tranh chấp Biển Đông. Đặc biệt. trong rất nhiều bài diễn thuyết, ông đã đề cập đến việc đưa Trường Sa thành một Công viên Hoà bình Biển quốc tế nhằm bảo vệ nguồn cá của Biển Đông.

Ứng viên cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông

Trang The Star cho biết, ngày 2/5, tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ, Thống đốc bang Iowa Terry Bransrad, ứng viên cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã khẳng định quan điểm cứng rắn của ông về quá trình xây dựng các “đảo nhân tạo” của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, ông nhấn mạnh “Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hay hạn chế quyền tự do hàng hải, hàng không”.

Học giả Mỹ: Biển Đông không phải là vùng biển của riêng Trung Quốc

Ngày 1/5, tạp chí Forbes đăng bài viết “Biển Đông không phải là vùng biển của riêng Trung Quốc” của Panos Mourdoukoutas, Giáo sư Đại học Columbia. Ông Panos cho biết, theo nguồn tin từ Chinatopix.com, Mỹ và các nước đồng minh hải quân Pháp, Nhật, Anh đang chuẩn bị gửi thông điệp tới Trung Quốc với nội dung “Biển Đông không phải là vùng biển của riêng Trung Quốc mà là vùng biển quốc tế mở cho tất cả các tàu thương mại và quân sự”. Cụ thể, “Nhật Bản và Mỹ lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát đơn phương Biển Đông, một vấn đề mà Pháp, quốc gia đang kiểm soát một số đảo ở Thái Bình Dương, bao gồm New Caledonia và Polynesia, cũng đang lo ngại”. Bốn nước cường quốc hải quân này cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị tập trận chung nhằm “thể hiện sức mạnh” trước các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Một mặt, động thái này có thể khiến Trung Quốc nổi điên nhưng mặt khác, cũng có thể chế ngự được tham vọng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc và tạo cơ hội để thúc đẩy hòa bình ở khu vực.

Tác giả bài viết cho rằng thị trường tài chính ở khu vực không chịu mấy ảnh hưởng từ những thay đổi địa chính trị, mặc dù vậy, các nhà đầu tư cần theo sát diễn biến các tranh chấp hiện nay ở khu vực bởi những bất ổn tiềm tàng có thể làm xáo trộn thị trường tài chính của khu vực.

Philippines yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không sử dụng vũ lực ở Bãi Union

Ngày 3/5, Manila Bulletin đưa tin, sau khi nhận được thông báo của phía Trung Quốc rằng họ “không tìm thấy bất cứ thông tin gì” về thông tin Cảnh sát Biển Trung Quốc tấn công các ngư dân Philippines ở khu vực Bãi Union, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) mới đây đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tiếp tục làm rõ thông tin về vụ việc và thông báo kết quả điều tra cho các cơ quan chức năng của Philippines. Đồng thời, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Rob Bolivar cho biết Philippines sẽ tiếp tục kêu gọi phía Trung Quốc kiềm chế không sử dụng vũ lực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới