Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinVì sao đồng minh của Mỹ rất yên tâm về THAAD-ER

Vì sao đồng minh của Mỹ rất yên tâm về THAAD-ER

Việc Mĩ triển khai hệ thống THAAD-ER ở Hàn Quốc hay bất cứ đâu đều sẽ càng làm căng thẳng thêm tình hình cũng như đẩy thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

 Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối, loại tăng tầm bắn (THAAD-ER) là sự cải tiến hệ thống THAAD hiện có; được công ty Lockheed Martin đề xuất theo nhu cầu thực tế. Việc cải tiến này phản ánh mối đe dọa mới mà hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ phải đối mặt và xu thế phát triển mới nhất của kỹ thuật công nghệ.

Đầu năm 2014, cục Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đề xuất ý tưởng hệ thống THAAD cải tiến. Phương án này đã nhận được sự ủng hộ của Ban phụ trách tên lửa phòng không và hệ thống điều khiển hỏa lực thuộc công ty Lockheed Martin.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, kế hoạch này nhằm nâng cao tầm bắn của tên lửa đánh chặn THAAD, đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên và Iran, thậm chí cả với vũ khí tốc độ siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga.

Tháng 1/2015, Phó tổng giám đốc về tên lửa phòng không và điều khiển hỏa lực thuộc công ty Lockheed Martin là Mike Trotsky tiết lộ, hệ thống THAAD loại tăng tầm có động cơ đẩy lớn hơn, có thể đánh chặn chính xác mục tiêu tốc độ siêu vượt âm, nhưng vẫn sử dụng thiết bị phóng và đầu đạn sát thương của tên lửa đánh chặn cũ.

Quân đội Mỹ đã đưa ra yêu cầu đối với giới sản xuất về nghiên cứu chế tạo hệ thống chống tên lửa thế hệ mới để đánh chặn mục tiêu có khả năng bay lượn tốc độ vượt siêu thanh và cơ động linh hoạt giai đoạn cuối hành trình.

Công ty Lockheed Martin đã đưa ra phương án đó là hệ thống chống tên lửa THAAD loại tăng tầm bắn (sau đây gọi tắt là THAAD tăng tầm) và điều khiển laser để đối phó với tên lửa tốc độ siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga.

Điều gì khiến đồng minh yên tâm khi được hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD-ER Mỹ bảo vệ? - Ảnh 1.

THAAD phóng thử nghiệm.

Lý do phải tiến hành cải tiến, tăng tầm cho THAAD

THAAD-ER nhằm đối phó với những vũ khí trong tương lai: trong thời gian qua, Nga và Trung Quốc đã liên tiếp tuyên bố thử thành công vũ khí siêu vượt âm.

Với Nga là tên lửa Yu-71 (Dự án 4202) với tốc độ thử nghiệm đạt Mach 8; Trung Quốc là dự án tên lửa DF-ZF. Với việc tuyên bố bước đầu thử thành công và ấn định thời gian đưa những vũ khí này vào trực chiến làm cho Lầu năm góc cảm thấy bất an và thúc đẩy tìm ra loại vũ khí để chống lại mối đe dọa mới.

THAAD-ER ra đời nhằm cạnh tranh với hệ thống cùng loại của hải quân: Trong thời điểm hiện tại, hệ thống THAAD còn chưa được triển khai rộng rãi nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ và công ty Lockheed Martin vẫn nhanh chóng triển khai hệ thống THAAD kiểu mới.

Đằng sau quyết định này, ngoài những yêu cầu trước mối đe dọa mới, đồng thời có bóng dáng của cuộc chạy đua giữa các quân chủng (của Mỹ).

Hệ thống THAAD kiểu mới trước hết là nhằm cạnh tranh với hệ thống cùng loại như Standard-3. Qua thời gian phát triển, hệ thống tên lửa đánh chặn Standard-3 của hải quân Mỹ dần dần trở thành tiêu chuẩn của hệ thống tên lửa tầm trung.

Vì vậy, Cục Phòng thủ tên lửa Mỹ thậm chí đã phát triển thành hệ thống Aegis trên bộ, sử dụng tên lửa đánh chặn Satandard-3 (đã triển khai tại Rumani), ngoài ra họ còn tích cực mở rộng triển khai hệ thống chống tên lửa của hải quân đánh bộ sang Nhật Bản. Điều này chắc chắn đã lấn sân lĩnh vực truyền thống của lục quân Mỹ.

Trong khi đó, tên lửa THAAD loại tăng tầm bắn có thể đáp ứng tốt nhất cho cả hệ thống của hải quân.

Có thể thấy hai loại tên lửa này dần dần tương đương nhau về tầm cao và tầm xa đánh chặn, có năng lực thay thế nhau nhất định, nhưng tốc độ đánh chặn của THAAD loại tăng tầm bắn còn cao hơn, có đầy đủ khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn ở khoảng cách xa hơn.

Như vậy, rõ ràng tham vọng của lục quân Mỹ và công ty Lockheed Martin là muốn cạnh tranh trực tiếp với Standard-3.

Từ phạm vi bảo vệ hẹp của hệ thông THAAD hiện tại: Hệ thông THAAD nguyên mẫu đang có nhiều bất cập về tầm bắn, năng lực bao phủ hẹp; điều này càng thể hiện rõ hơn khi triển khai tại Hàn Quốc.

Khu vực triển khai THAAD được xác định tại Seongju cách Seoul 270 km, trong khi cự ly phòng ngự của THAAD chỉ có 200 km, hệ thống không thể bao trùm tới Seoul, chỉ có thể bảo vệ được căn cứ quân sự của Mỹ – Hàn Quốc một cách hạn chế.

Hơn nữa, để bao trùm được hỏa lực phòng thủ đối với toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, đòi hỏi phải triển khai 2 đến 3 khẩu đội tên lửa THAAD, điều này hiển nhiên là không thể thực hiện được trong tình hình hiện nay.

Sự xuất hiện của THAAD tăng tầm chắc chắn sẽ giải quyết được khó khăn đó. Nếu triển khai tại Hàn Quốc một hệ thống THAAD tăng tầm, sẽ cơ bản bao trùm khả năng bảo vệ khắp lãnh thổ nước này.

Điều gì khiến đồng minh yên tâm khi được hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD-ER Mỹ bảo vệ? - Ảnh 2.

Đồ họa mô phỏng phương thức hoạt động của hệ thống THAAD.

Đặc điểm của THAAD loại tăng tầm

THAAD tăng tầm là sự cải tiến lớn đầu tiên trong quá trình phát triển hệ thống THAAD. Loại tên lửa này có sự khác biệt khá lớn so với tên lửa THAAD nguyên mẫu và tên lửa đánh chặn Standard-3:

Thứ nhất: THAAD-ER có tầm bắn lớn, do vậy khu vực phòng ngự được mở rộng. Tên lửa THAAD nguyên mẫu có tầm bắn xa 200km, THAAD-ER đã tăng tầm bắn lên 600km, xa gấp 3 lần.

Điều này khiến khu vực đánh chặn của tên lửa THAAD-ER mở rộng gấp 9 đến 12 lần, vượt trên cả tên lửa Standard (có tầm bắn 500 km). Đây không chỉ là sự gia tăng đáng kể diện tích phòng thủ tên lửa, quan trọng hơn là giúp cho hệ thống hoàn thành được nhiều lần đánh chặn.

Khi phát hiện việc đánh chặn bị thất bại, hệ thống tên lửa vẫn có đủ thời gian để thực thi đánh chặn lần thứ hai, thứ ba, nâng cao xác suất thành công khi đánh chặn.

Thứ hai: THAAD-ER đã nâng tầm cao đánh chặn, bổ sung những hạn chế trong đánh chặn tên lửa của hệ thống THAAD hiện tại. THAAD tăng tầm đã được nâng cấp động cơ đẩy từ 1 tầng thành động cơ đẩy 2 tầng, qua đó đã nâng được tầm cao đánh chặn.

Tầm cao đánh chặn của tên lửa THAAD nguyên mẫu từ 40 km đến 150 km. Độ cao này thích hợp cho đánh chặn tên lửa đường đạn có tầm bắn trong khoảng 600 đến 3000 km, nhưng với tên lửa tầm bắn trên 3000 km thì THAAD lực bất tòng tâm.

Trong khi đó, tên lửa Musudan của Triều Tiên là vũ khí có thể đe dọa cho nước Mỹ có tầm bắn xa từ 3500 km đến 4200 km. Vì vậy, cho dù Hàn Quốc có bố trí hệ thống THAAD thì cũng bất lực trước tên lửa của Triều Tiên.

Ngoài ra, trong tình hình trang bị vũ khí siêu vượt âm đang phát triển nhanh chóng hiện nay, các hệ thống Patriot, hệ thống phòng không mở rộng tầm trung (MEADS) và hệ thống Aegis mà Mỹ vẫn phụ thuộc tồn tại nhiều lỗ hổng về phòng thủ.

Chúng không thể đánh chặn được mục tiêu có tốc độ siêu vượt âm, do đó đòi hỏi bắt buộc phải phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao, có năng tác chiến bao trùm khu vực rộng.

Thứ ba: Tính cơ động quá tải tên lửa tốt, có thể đánh chặn mục tiêu tốc độ cao. THAAD tăng tầm lựa chọn phương án phân tách 2 tầng, khiến khả năng cơ động quá tải nâng cao rõ rệt.

Tốc độ tối đa của tên lửa đánh chặn THAAD nguyên mẫu đạt tới 8,45 Mach, độ quá tải cơ động trong bầu khí quyển lên tới 10g, ngoài bầu khí quyển là 5g. Còn theo phương án cải tiến của công ty Lockheed Martin, khả năng cơ động của THAAD loại tăng tầm bắn được tăng cường gấp 10 đến 40 lần.

Tuy công ty này không giải thích về khả năng tăng lên đó được tính toán như thế nào, nhưng theo giá trị quá tải cơ động thông thường đã cho thấy, THAAD loại tăng tầm có thể có độ quá tải cơ động trên 50g.

Đó là một khả năng đáng kinh ngạc, có thể gây tổn thương cơ học cho thân đạn và thiết bị bên trong quả đạn tên lửa thông thường. Ngoài ra, phương án phân tách 2 tầng có thể giúp tên lửa có lực đẩy với tốc độ tối đa.

Đồng thời, thời gian bay chủ động của động cơ trợ đẩy dài hơn, điều này vô cùng quan trọng đối với việc tiêu diệt mục tiêu tốc độ siêu vượt âm và bay lượn linh hoạt.

Thứ tư: Tăng nguồn thông tin, nâng cao năng lực chỉ huy. Tên lửa THAAD tăng tầm sử dụng đầu đạn sát thương nguyên mẫu cũ. Phương thức này có lợi cho phòng ngự mục tiêu tốc độ siêu vượt âm.

Trong quá trình tác chiến với vũ khí siêu vượt âm trong tương lai, công ty Lockheed Martin đang phát triển phần mềm mới, có thể tích hợp dữ liệu thông tin từ hệ thống hồng ngoại và xen-xơ tần số vô tuyến trên không và trên mặt đất nhằm đối phó với mối đe dọa mới.

So với tên lửa đánh chặn THAAD, tên lửa đánh chặn THAAD – ER sẽ phóng đi sớm hơn để tiến công mục tiêu cơ động tốc độ siêu vượt âm.

Thứ năm: Thu hẹp quy mô triển khai phòng thủ tên lửa trên bộ; vấn đề bất cập về tầm bắn ngắn, năng lực bao phủ hẹp của hệ thống THAAD nguyên mẫu sẽ được khắc phục nếu triển khai THAAD-ER. Thay vì phải triển khai 2 đến 3 khẩu đội THAAD như hiện nay thì chỉ cần triển khai 1 khẩu đội THAAD-ER là có thể đảm nhiệm được.

Điều gì khiến đồng minh yên tâm khi được hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD-ER Mỹ bảo vệ? - Ảnh 3.

Thông tin về hệ thống THAAD trên website chính thức của LockheedMartin.

Thứ sáu: Đối phó với mối đe dọa tên lửa đường đạn tầm xa hơn tốt hơn. Tính năng của THAAD nguyên mẫu chỉ có thể đánh chặn tên lửa đường đạn tầm bắn 600 đến 1200 km của loại tên lửa như Scud và Nodong của Triều Tiên, nhưng lại bất lực trước tên lửa Musudan mà Triều Tiên thử nghiệm liên tục gần đây vì Musudan có tầm bắn trên 3500 km.

Nếu tầm bắn sẽ xa hơn nữa thì THAAD nguyên mẫu càng không thể đánh chặn nổi; còn tầm bắn của THAAD kiểu mới tăng lên gấp 3 lần sẽ đánh chặn hiệu quả loại tên lửa đường đạn tầm trung Musudan đó.

Đây chính là điều mà Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đang mong muốn, vì tầm bắn của tên lửa Musudan đủ để bao trùm các mục tiêu là căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản và đảo Guam, trong khi tên lửa Patriot – 3 và THAAD lại bất lực.

Việc cải tiến và đưa vào sử dụng hệ thống THAAD-ER sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho quân đội Mĩ và đồng minh. Đồng thời kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mới; việc triển khai hệ thống THAAD ở Hàn quốc gần đây đã làm cho bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên vốn căng thẳng lại càng căng thẳng hơn.

Không chỉ Triều Tiên lo lắng mà ngay cả Nga và Trung Quốc cũng bất an khi hệ thống THAAD triển khai sát nách. Nếu hệ thống THAAD-ER được tích hợp trên các tàu chiến như tên lửa Standard-3 thì sẽ trực tiếp đe dọa hệ thống tên lửa chiến lược của Trung Quốc cũng như của Nga.

Việc Mĩ triển khai hệ thống THAAD-ER sẽ càng làm căng thẳng thêm tình hình cũng như đẩy thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới