Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMất Mỹ, một "ông lớn" khác đang đứng lên cầm trịch TPP

Mất Mỹ, một “ông lớn” khác đang đứng lên cầm trịch TPP

Không đầy 3 ngày sau khi nhậm chức hôm 20/1, tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nước này ký với 11 quốc gia.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) họp với lãnh đạo các nước đối tác thành viên TPP tại hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 ở Honolulu (Ảnh: Getty Images)

Đối với sự tồn vong và tương lai của TPP như được thiết kế và định hình cho tới nay, việc Mỹ không tham gia nữa là cú đòn rất có thể đến mức chí mạng bởi Mỹ chiếm tận 60% tổng GDP của tất cả 12 thành viên. Không còn sự tham gia của Mỹ, TTP bị suy giảm trọng lực và ảnh hưởng rất đáng kể trên thế giới.

Vì TPP đã được ký kết và chỉ còn chờ có hiệu lực chính thức, 11 thành viên còn lại của TPP giờ phải trả lời câu hỏi xử lý TPP như thế nào.

Trên thực tế, họ chỉ có ba sự lựa chọn là buông bỏ TPP, thực hiện tiếp TPP mà không có sự tham gia của Mỹ, và thuyết phục, chờ hoặc thậm chí chấp nhận đàm phán lại với Mỹ về TPP.

Như thế có thể thấy TPP có thể không được thực hiện hoặc nếu được thực hiện thì không còn hoàn toàn như trước nữa do Mỹ không tham gia hoặc nếu Mỹ tham gia thì sẽ có TPP với nội dung khác trước hoặc TPP của 11 nước không có sự tham gia của Mỹ.

Số 11 thành viên này hiện tự phân chia ra thành hai diện. Một số không thể hiện quan điểm rõ ràng và lặng lẽ chờ đợi. Số còn lại thúc đẩy nỗ lực duy trì TPP. Không ai theo Mỹ rút khỏi TPP.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng cho rằng “TPP vô nghĩa” nếu Mỹ không tham gia nhưng thời gian gần đây lại đặc biệt chủ động, năng động và tích cực vận động các thành viên còn lại của TPP tiếp tục chứ không buông bỏ TPP.

Vừa qua, đại diện của 11 thành viên này đã có cuộc họp ở Toronto (Canada). Tới đây, bên lề hội nghị cấp cao của APEC tại Việt Nam dự kiến sẽ có cuộc trao đổi giữa 11 nước về TPP.

Hướng đi lúc này là không thuyết phục hay chờ đợi Mỹ thay đổi quyết định nữa, mà cùng nhau quyết định về tương lai cho TPP, cụ thể là tiếp tục thực hiện TPP như đã thỏa thuận với nhau và cả với Mỹ hay điều chỉnh lại để có được TPP thích hợp cho tình huống không còn Mỹ tham gia.

Cơ hội cho Nhật Bản trở thành đầu tàu mới của “TPP không Mỹ”

Sự thay đổi quan điểm của ông Abe rất rõ nét, nhanh chóng và rất đáng được chú ý. Tokyo đã nhanh chóng qua được tâm trạng thất vọng ban đầu và biến cú đòn mang tính định mệnh đối với TPP này thành cơ hội mới cho nước Nhật Bản và cho mình.

Sau hai lần gặp ông Trump, ông Abe xem ra đã nhận thức được rằng khó có thể thuyết phục được ông Trump thay đổi quyết định, Mỹ và Nhật Bản rồi đây có thể đàm phán và ký kết được thỏa thuận hợp tác thương mại song phương nhưng không dễ dàng và nhanh chóng, lại không thể rất thuận lợi đối với Nhật Bản.

Vì thế, Nhật Bản càng cần có TPP và TPP thậm chí còn có thể là một thế mạnh mới, một con chủ bài đắc dụng của Nhật trong đàm phán với Mỹ về thỏa thuận hợp tác thương mại mới, và thậm chí còn có thể cả như vậy nữa trong quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh.

Duy trì được TPP hoặc biến TPP thành thỏa thuận hợp tác mới giữa 11 quốc gia, Nhật Bản với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và lớn nhất trong liên kết này đương nhiên sẽ có được vai trò, ảnh hưởng và tầm quan trọng lớn hơn cả, nếu làm khôn khéo thì còn có thể dẫn dắt cả liên kết.

Ông Shinzo Abe còn đang tích cực thúc đẩy quá trình sửa đổi hiến pháp hiện hành để Nhật có thể gây dựng vai trò chính trị thế giới và khu vực to lớn hơn, “tương xứng với thực lực và tiềm lực về mọi phương diện” của nước này. Cho nên TPP hay cái gì đó mới thay thế cho TPP còn có giá trị chiến lược cả về chính trị nữa đối với Tokyo.

Câu chuyện tự thân vận động

Các thành viên khác hiện ở trước quyết định quan trọng. Không có gì là khó hiểu khi họ tiếc nuối việc Mỹ không tham gia TPP nữa.

Lúc này, họ bị thách thức lớn về lý trí và chỉ có thể vượt qua được thách thức ấy khi tiếp cận TPP theo cách là tự thân vận động, còn nước còn tát và gạn đục khơi trong.

Mỹ là đối tác quan trọng nhưng không phải duy nhất. Trump hiện lãnh đạo nước Mỹ nhưng không phải là mãi mãi. Ông rồi sẽ phải thay đổi quan điểm khi nhận ra quyết định của mình thỏa mãn ước vọng cá nhân là làm khác người tiền nhiệm, nhưng thực chất về lâu dài lợi bất cập hại đối với nước Mỹ hoặc nước Mỹ sẽ lại có tân quan với tân chính sách.

Các đối tác không nên để quan hệ hợp tác và liên kết của họ phụ thuộc vào Mỹ và càng không nên chờ Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới