Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Nếu chỉ Nixon đi được TQ thì cũng chỉ có Trump đến...

“Nếu chỉ Nixon đi được TQ thì cũng chỉ có Trump đến được Triều Tiên”

Nếu chỉ có Nixon là người có thể thay đổi mối quan hệ ngoại giao với TQ thì rất có thể Tổng thống Trump sẽ trở thành người tạo nên những biến chuyển trong quan hệ với Triều Tiên.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (ngoài cùng bên trái) và Tổng thống Mỹ Richard Nixon (giữa) trong cuộc gặp năm 1972. Ảnh tư liệu

“Nixon đi Trung Quốc”

Lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp các nhà lãnh đạo đã thay đổi thậm chí là đảo ngược lại lập trường vốn có làm tác động đến mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, vì vậy, rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong suốt bốn thập kỷ qua, cụm từ “Nixon đi Trung Quốc” vốn để chỉ một nhà chính trị với năng lực nhất định có thể đảo ngược lại lập trường hay quan điểm trước đó của đảng mà mình đại diện để thực hiện chính sách mới.

Đó là một hành động không theo khuôn phép và có thể sẽ bị chỉ trích nếu được thực hiện bởi một chính trị gia khác không có những phẩm chất tương tự như vậy.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), Tổng thống Mỹ Richard Nixon vốn nổi tiếng là nhân vật có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, nên chỉ có Nixon mới có khả năng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1972.

Bất cứ một nhân vật nào của đảng Dân chủ nếu cố gắng thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc thời gian đó đều có thể bị đánh giá là “quá mềm yếu” hoặc thậm chí là tệ hơn.

Cũng giống trường hợp của Nixon, chỉ có Ronald Reagan mới có thể thương lượng hiệp ước cắt giảm vũ khí với Liên Xô, vì lập trường cứng rắn của ông. Hay chỉ có cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon, người luôn theo chính sách hiếu chiến mới có thể thành công rút quân đội khỏi dải Gaza mà không bị chỉ trích là nhu nhược.

Và cũng chỉ có nhân vật đảng Dân chủ có khuynh hướng trung dung như Bill Clinton mới có thể tiến hành cải cách phúc lợi xã hội cho nước Mỹ.

Vì vậy nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump – người thuộc đảng Cộng hòa nổi tiếng với những phát ngôn quyết liệt sẽ thực hiện cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nhận định này bắt đầu gây chú ý khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói hồi tháng Ba trong chuyến thăm khu vực Đông Bắc Á rằng, “chiến lược kiên nhẫn của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc, đây sẽ là thời điểm để tiếp cận với quốc gia bí ẩn này”.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó vào tháng Tư, ông Tillerson dường như muốn đề cập đến viễn cảnh một cuộc trao đổi giữa Mỹ và Bình Nhưỡng.

Trả lời về khả năng các cuộc đối thoại trực tiếp, ông nói: “Rõ ràng đây có thể là cách giải quyết vấn đề. Nhưng Triều Tiên phải quyết định sẵn sàng đàm phán với chúng tôi về những vấn đề đúng đắn”.

Và chính Tổng thống Trump trong cuộc phỏng vấn mới đây đã ca ngợi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “một người thông minh” và cho biết “rất vinh dự” được gặp gỡ ông Kim trong điều kiện phù hợp.

Trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg, Trump nói: “Hầu hết chính trị gia không bao giờ nói như vậy nhưng tôi muốn nói với bạn rằng trong điều kiện thích hợp tôi sẵn sàng gặp Kim”.

Quan hệ Mỹ-Triều có thể thay đổi

Những lãnh đạo Triều Tiên luôn cố gắng thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn cố gắng thúc đẩy điều đó suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ luôn ưu tiên thiết lập cuộc đàm phán sáu bên với sự tham gia của cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga, tránh việc đối diện trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Nguyên nhân là do Mỹ luôn coi Triều Tiên như một quốc gia bị cô lập. Cựu Tổng thống George W. Bush còn xếp Bình Nhưỡng vào “Trục ma quỷ” (danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố).

Việc một Tổng thống Mỹ gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Triều Tiền giống như đã công nhận tính hợp pháp của chính quyền vốn được coi là “chuyên quyền, sở hữu vũ khí hạt nhân và kiểm soát thông tin”, SCMP bình luận.

Trump luôn tin rằng ông là một thương nhân giỏi. Ông cũng từng viết cuốn sách Nghệ thuật đàm phán (The Art of The Deal). Chắc chắn ông muốn sử dụng quyền lực của mình để đối mặt với đối thủ. Việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này là một thách thức đầy cám dỗ với Trump.

Đáng chú, người tiền nhiệm của Trump – cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng cân nhắc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Năm 2007, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, khi được hỏi liệu có sẵn sàng gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo các nước Venezuela, Cuba, Syria, Iran và Triều Tiên vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ không, Obama đã trả lời: “Có”.

“Nguyên tắc ngoại giao coi việc không đàm phán, đối thoại với quốc gia khác là một biện pháp trừng phạt hết sức vô lý”, Obama nói.

Khi đó, cựu Tổng thống Mỹ đã bị chỉ trích, bị đối thủ coi là “ngây thơ” và ông đã tiến thẳng vào Nhà Trắng suốt hai nhiệm kỳ. Trong thời gian nắm quyền, ông luôn theo đuổi chính sách đối thoại với Iran nhằm đạt được thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nửa thế kỷ.

Obama đã bị lên án bởi cánh hữu của Mỹ trong hai lần cải thiện quan hệ ngoại giao với Iran và Cuba. Trump cũng nằm trong số những người chỉ trích Obama và còn hứa sẽ xem xét lại việc khôi phục quan hệ với Cuba và thỏa thuận với Iran.

Theo SCMP, Trump hiện đang dần dần từng bước tiến đến một cuộc đối thoại với Triều Tiên, một động thái thú vị, một canh bạc đầy rủi ro và táo bạo nhưng cũng là một cuộc chơi mà Trump, Tổng thống phi quy tắc nhất nên tham gia.

“Đừng đàm phán vì sợ hãi nhưng cũng đừng sợ hãi việc đàm phán”, cố Tổng thống John F. Kennedy từng phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961.

Hoặc như chính cựu Tổng thống Obama từng nói: “Không nói chuyện với người chúng ta không thích không giải quyết được vấn đề… Để bắt đầu một kỉ nguyên mới, chúng ta cần một Tổng thống sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia, cả bạn bè và kẻ thù”.

RELATED ARTICLES

Tin mới