Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTung đòn phản công THAAD đầu tiên, Triều Tiên khiến Mỹ "bủn...

Tung đòn phản công THAAD đầu tiên, Triều Tiên khiến Mỹ “bủn rủn”

Trong một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Seoul hủy bỏ hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng hồi đầu tuần này đã cho công bố những bức ảnh mà họ tuyên bố được chụp qua vệ tinh với độ phân giải cao, trong đó cho thấy chi tiết sự bố trí, sắp xếp của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở khu vực gần biên giới liên Triều.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Hoạt động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc đang vấp phải sự lên án, phản đối kịch liệt không chỉ của Triều Tiên mà của cả Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh và Moscow đặc biệt lo ngại về hệ thống radar cực mạnh cũng như tầm hoạt động rộng khắp của tên lửa THAAD.

Đài truyền hình quốc gia của Triều Tiên (KCTV) hôm thứ Hai (8/5) đã cho công bố hai hình ảnh mà họ nói là thu được từ một vệ tinh do thám của Triều Tiên. Hai bức ảnh đã chụp lại khá rõ các bộ phận của hệ thống THAAD ở một sân golf của quận Seongju, Hàn Quốc.

“Những bức ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy, hệ thống THAAD hiện đang được triển khai ở rìa phía bắc của sân golf ở Seongju trong khi hệ thống radar X-band và các thiết bị, bộ phận phụ trợ khác được lắp đặt gần rìa phía tây”, bản tin của Triều Tiên đã nói như vậy.

Bình Nhưỡng đã đưa thành công hai vệ tinh giám sát vào vũ trụ trong năm 2012 và 2016. Tuy nhiên, không rõ những vệ tinh này có hoạt động hay không. KCTV không cung cấp thông tin về việc họ thu được những hình ảnh nói trên như thế nào.

Những bức ảnh vệ tinh được công bố sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động triển khai lắp đặt hệ thống THAAD ở Hàn Quốc để có thể đưa các tên lửa vào hoạt động khoảng 2 tuần trước khi chính quyền mới ở Seoul nhậm chức.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Tổ hợp phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km, đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Việc Triều Tiên chụp được ảnh chi tiết hoạt động bố trí, sắp xếp hệ thống THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc nếu được xác nhận là thông tin chính xác thì chắc chắn đây sẽ là điều khiến Seoul và Washington phải lo ngại. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc Triều Tiên có khả năng đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD của Mỹ.

Trước đó, Quốc hội Mỹ từng đưa ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó cho biết việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD trên đất Hàn Quốc đã thúc đẩy Bình Nhưỡng chế tạo ra những tên lửa đạn đạo có mục đích cụ thể là nhằm vô hiệu hóa các năng lực của THAAD.

Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho hay, Triều Tiên đã chế tạo ra các tên lửa có thể xuyên vào những góc mà THAAD không thể đánh chặn. Một khi những tên lửa đạn đạo đó quay trở lại khí quyển của Trái đất, các đầu đạn hạt nhân gắn trên nó có thể bay ở những góc dốc và di chuyển với trường vận tốc cao hơn, thu được nhiều lực hút của trái đất hơn. Bước cải tiến mới nói trên trong tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể khiến tên lửa của họ “khó bị đánh chặn bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa hơn”, bản báo cáo cho biết.

Hơn nữa, “Triều Tiên đã thể hiện được khả năng phóng tên lửa theo loạt”, nghĩa là một loạt tên lửa được bắn đi mà hầu như không có “thời gian chết”. Năng lực này cũng là một thách thức khác đối với hệ thống THAAD bởi lá chắn tên lửa có thể sẽ không xoay sở được khi tên lửa được phóng đi theo loạt.

Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên trong ít nhất hai năm qua cũng đang tiến hành thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm và những loại tên lửa này có thể rơi ở bên ngoài tầm radar của hệ thống THAAD, khiến hệ thống vũ khí của Mỹ cũng không thể làm gì được với tên lửa của Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới