Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ lo Iran phóng tên lửa "trá hình", Trung Đông trở thành...

Mỹ lo Iran phóng tên lửa “trá hình”, Trung Đông trở thành bán đảo Triều Tiên thứ hai

Theo hãng thông tấn nhà nước Hồi giáo Iran (IRNA) và giới chức quân sự Iran, nước này đang chuẩn bị phóng hai vệ tinh được chế tạo hoàn toàn bằng công nghệ nội địa vào không gian.

Nguy cơ tiềm ẩn

Tuyên bố trên của giới chức Iran đã khuấy động cuộc thảo luận của các nhân viên trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Họ cho rằng, động thái này có thể nhằm che dấu việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dưới vỏ bọc thử tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ, và cáo buộc đây là một phần của chương trình phát triển vũ khí tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của Iran.

Kết luận gần đây nhất được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục tham gia vào cuộc kiểm tra toàn diện về thỏa thuận hạt nhân của Iran, đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Các quan chức Mỹ nói với tờ Washington Free Beacon rằng họ sẽ đưa ra một kế hoạch đầy đủ để “phản ứng những thách thức mà Iran đang khiêu khích, có phương án ứng phó hiệu quả nhằm ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa tầm xa và hạt nhân của Iran”.

Trong thời gian gần đây, bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế, Iran tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự của mình bằng việc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo gây tranh cãi. Việc phóng vệ tinh vào không gian sử dụng một phần tên lửa đẩy cũng tương tự như việc thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM). Những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này có khả năng tiếp cận tới đất Mỹ.

Mỹ lo Iran phóng tên lửa trá hình, Trung Đông trở thành bán đảo Triều Tiên thứ hai - Ảnh 1.

Cờ Iran cạnh một tên lửa. Ảnh: UPI

Giới chức Mỹ và các chuyên gia an ninh quốc gia đã chú ý tới việc thử tên lửa của Iran khi tình hình bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau những đe dọa tấn công quân sự giữa Washington-Bình Nhưỡng cùng các vụ thử tên lửa.

Trong khi đó, giới cầm quyền Mỹ cho rằng Tehran và Bình Nhưỡng đang phát triển công nghệ tên lửa bất hợp pháp và họ nghi ngờ chương trình phát triển tên lửa của Iran có sự giúp đỡ về công nghệ của Triều Tiên.

Các vệ tinh mà Iran sắp thử nghiệm được phóng lên quỹ đạo bằng hệ thống tên lửa đẩy nhiều tầng, sử dụng nhiên liệu dạng lỏng. Đây là một nỗ lực nhằm phát triển một hệ thống mang phóng tầm xa, có thể mang đầu đạn hạt nhân khi cần thiết.

Điều này đã gây lo ngại cho giới chức an ninh Mỹ và đồng minh phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu với báo giới: Việc Iran tuyên bố thử vệ tinh chẳng qua là sự che đậy việc thử tên lửa tầm xa mà Iran đang bị cấm.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiến gần tới việc xây dựng một kế hoạch nhằm đối phó với hành vi khiêu khích ngày càng tăng của Iran.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quân sự Iran tuyên bố đầu tuần này, họ đang chuẩn bị cho việc phóng hai vệ tinh mới sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ trong nước.

Bộ trưởng Công nghệ thông tin Iran Mahmoud Vaezi đã phát biểu hôm thứ Hai trước báo chí: “Hiện tại, chúng tôi sẵn sàng phóng hai vệ tinh, một trong số đó là vệ tinh cảm biến Amir Kabir và một vệ tinh viễn thông khác của Nahid. Chúng tôi đã hoàn thành hơn 97 phần trăm công việc cho việc chuẩn bị phóng vệ tinh vào không gian”

“Triều Tiên 2.0”?

Trong quá khứ, Iran đã phóng thành công vệ tinh vào không gian ở tầng quỹ đạo thấp bằng tên lửa đẩy do trong nước tự sản xuất. Nếu phóng thành công lần thử nghiệm này, Iran sẽ được xếp vào một trong rất ít nước có khả năng đưa vệ tinh vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy do chính mình sản xuất.

Tuy nhiên điều này làm dấy lên quan ngại về việc Tehran lợi dụng vào kẽ hở của thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt trong thời gian qua để phát triển vũ khí tầm xa.

Ông Michael Rubin, một cựu cố vấn của Lầu Năm Góc và là một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Iran, nói với Free Beacon rằng: Việc gia tăng các hoạt động phát triển vũ khí gần đây của Iran cho thấy mặt trái của thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt đã giúp nới lỏng việc cấm vận quốc tế về hành vi quân sự đối với Iran.

Rubin nói: “Việc Iran sử dụng chương trình vệ tinh để che đậy cho sự phát triển tên lửa đạn đạo là không có gì bí mật. Về thực tế, kể từ khi chính quyền Obama nới lỏng các hạn chế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, họ không cần phải giấu giếm quá nhiều”.

“Điều then chốt để nhận ra là chúng ta không còn có khả năng kiềm chế chương trình phát triển vũ khí của Iran”.

Ông Rubin cũng cảnh báo lãnh đạo Mỹ nên chú ý tới hoạt động thương mại vũ khí bất hợp pháp giữa Iran và Triều Tiên: “Điều gì xảy ra ở Tehran sẽ xảy ra ở Bình Nhưỡng”.

Mỹ lo Iran phóng tên lửa trá hình, Trung Đông trở thành bán đảo Triều Tiên thứ hai - Ảnh 2.

Tên lửa tầm xa Shahab-2 trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP

Trong khi đó, Saeed Ghasseminejad, một nhà nghiên cứu và là chuyên gia về chế độ Iran tại đảng Dân chủ, đã kêu gọi chính quyền Trump áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran như là một biện pháp để ngăn chặn hành vi khiêu khích từ Tehran.

Ông Ghasseminejad tỏ ra hối tiếc việc chính quyền Obama đã nới lỏng cấm vận đối với Iran, khiến Tehran thu được hàng tỉ đô la tiền mặt.

Ghasseminejad nói: “Cách tốt nhất để dừng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngành công nghiệp tham gia vào chương trình này. Mỹ đã từng sử dụng những biện pháp trừng phạt dựa vào những ngành có thể cung cấp công nghệ mà Iran có thể lợi dụng để phát triển chương trình hạt nhân của họ”.

Việc Iran tuyên bố chuẩn bị phóng vệ tinh trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông và bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong quá khứ, việc Tehran phóng thử tên lửa khiến Mỹ nổi giận, Mĩ và Israel từng đe dọa sẽ không loại trừ khả năng phát động một đòn đánh phủ đầu vào Iran để “dập tắt tham vọng” về vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới