Thursday, March 28, 2024
Trang chủQuân sựBáo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công...

Báo động cao ở vùng Viễn Đông, Nga có thể tấn công đáp trả Triều Tiên?

Nga phản ứng vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm 14/5 bằng cách đặt hệ thống phòng không vùng Viễn Đông nước này vào tình trạng báo động cao – theo RIA Novosti.

(Ảnh: Sputnik)

Mối đe dọa từ Triều Tiên với Nga

Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh ở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga thông báo:

“Chúng ta phải hiểu rằng lãnh thổ Nga không chỉ là một mục tiêu tấn công, mà còn là địa điểm tên lửa có thể bay vào. Để bảo vệ chính mình khỏi những sự cố có khả năng xảy đến như vậy, chúng ta sẽ đặt hệ thống phòng không ở vùng Viễn Đông vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.”

Động thái hiếm thấy từ Moscow nhằm vào Bình Nhưỡng làm dấy lên nghi vấn về khả năng quân đội Nga sẵn sàng đáp trả bằng quân sự, thậm chí “tấn công phủ đầu” Triều Tiên.

Trong khi đó, phản ứng của Nhà Trắng được tờ Politico bình luận là “kích động” Nga trả đũa cứng rắn trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 14/5 rằng “tên lửa [của Triều Tiên] rơi quá gần lãnh thổ Nga, và thực tế là ở gần Nga hơn Nhật Bản. Tổng thống Donald Trump khó có thể hình dung Nga sẽ cảm thấy thoải mái về điều này”.

“Triều Tiên đã là một mối đe dọa trong thời gian quá dài,” thông cáo báo chí của Nhà Trắng nói. “Mỹ duy trì cam kết mạnh mẽ là sát cánh với đồng minh để đối đầu với mối đe dọa nghiêm trọng do Triều Tiên gây ra. Hãy để hành động khiêu khích mới nhất này là lời kêu gọi tất cả các nước áp đặt những lệnh cấm vận mạnh hơn chống lại Triều Tiên”.

Theo nhận định của Global Times (Trung Quốc), Nga tin rằng xung đột ở các khu vực như miền Đông Ukraine và Syria đáng bận tâm hơn vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng nhìn từ thành phố Vladivostok ở Viễn Đông – cánh cửa của Nga ra Thái Bình Dương, một vài nguy cơ đã trở nên thực tế, như khả năng xung đột quân sự Mỹ-Triều Tiên.

Nga chỉ có vài chục km biên giới chung với Triều Tiên, nhưng đã “trải nghiệm” một vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng vài năm trước, khi tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga.

Moscow hiểu Bình Nhưỡng

Nga không phải là đồng minh của Triều Tiên, nhưng phía Nga cho rằng những gì Bình Nhưỡng đang làm là có lý do. Họ hiểu rằng vũ khí hạt nhân là bức tường bảo vệ cho sự tồn tại của chính quyền ở nước này trước Mỹ, mà ban lãnh đạo Triều Tiên học được từ trường hợp của Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi.

Với công nghệ tiến bộ nhanh chóng, việc các kỹ sư Triều Tiên có khả năng phát triển tên lửa hạt nhân phóng tới bờ Tây nước Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nga đã kết luận rằng sẽ chỉ vô ích nếu trông chờ Bình Nhưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán hiệu quả nhằm hạn chế chương trình vũ khí của họ.

Theo kinh nghiệm của Moscow trong quá khứ, Washington sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn khả năng Triều Tiên phát triển vũ khí thành công. Vào năm 1962, chính quyền Kennedy thậm chí chấp nhận mạo hiểm nổ ra một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với Liên Xô, chứ không cho phép Moscow bố trí tên lửa ở Cuba.

Tương tự, không sức ép chính trị hay trừng phạt kinh tế nào có thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Còn nếu hành động quân sự thì bán đảo sẽ bị đẩy đến bờ vực một cuộc chiến quy mô.

Điều gì ngăn Nga tấn công Triều Tiên?

Theo Global Times, Nga – giống như Trung Quốc – lo ngại hơn về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.

Người Nga vẫn coi các lá chắn tên lửa Mỹ dù ở châu Á, châu Âu hay Bắc Mỹ như một phần của hệ thống hướng đến dài hạn, nhằm làm suy yếu sức uy hiếp của Moscow đối với Washington.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên là lý do phù hợp để Mỹ triển khai THAAD, nhưng Nga tin rằng mục tiêu thực sự là Nga và Trung Quốc.

Mặt khác, phản ứng cứng rắn nhằm vào Bình Nhưỡng cũng là hành động “qua mặt” Bắc Kinh, làm hài lòng Mỹ và đồng minh. Đây đơn giản không phải là một lựa chọn cho Nga.

Đồng thời, Nga đang thận trọng để không bị Bình Nhưỡng lợi dụng. Global Times cho hay, trong quá khứ ban lãnh đạo Triều Tiên từng “gài bẫy” để Moscow chống lại Bắc Kinh.

Cho đến nay Nga vẫn giữ thái độ trung tính về cuộc khủng hoảng trên bán đảo. Họ không đưa ra phát ngôn ủng hộ mạnh mẽ Trung Quốc, và bày tỏ lòng tin rằng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt bất chấp tình hình thực tế đang diễn ra trái ngược.

Global Times nhận định, Moscow gần như không thể bỏ qua việc điều phối hợp lý trong chính sách Triều Tiên với Bắc Kinh – đối tác chính trị, an ninh và kinh tế hàng đầu hiện nay.

Do đó, tên lửa Triều Tiên rơi gần Nga có thể là một đe dọa an ninh thực sự, nhưng khác với Nhật Bản, Moscow khó có khả năng đe dọa tấn công phủ đầu chống lại Bình Nhưỡng.

RELATED ARTICLES

Tin mới