Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐàm luậnPhải nhìn rõ bản chất quan hệ của 2 siêu cường Mỹ...

Phải nhìn rõ bản chất quan hệ của 2 siêu cường Mỹ – TQ

Thông điệp mơ hồ của Donald Trump về Biển Đông đang làm các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á cảm thấy lo lắng.  Những toan tính của Trung Quốc mặc cả với Mỹ để độc chiếm Biển Đông đang dần hiện hữu.

Đánh giá của Mỹ về chính sách Biển Đông và đồng minh châu Á

Các nhà lãnh đạo khắp châu Á đang nỗ lực tìm hiểu xem chính sách của Mỹ với một loạt các vấn đề đối ngoại cấp bách ở châu Á – Thái Bình Dương thế nào. Cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong xây dựng chính sách đối ngoại và việc ông quá tập trung vào Bắc Triều Tiên đang gây hoang mang cho khu vực.

Tại Hàn Quốc, ông Trump đã khiến người dân nước này tức giận vì phát biểu gợi ý đồng minh hơn 6 thập kỷ phải trả cho Mỹ 1 tỉ USD để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ tìm kiếm cách tiếp cận hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, sẵn sàng đi Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy một rạn nứt tiềm năng với chính sách của Hoa Kỳ.

Đối với Philippines, Việt Nam và Đài Loan, ông Trump đã cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc, thúc đẩy sự gia tăng lo ngại Hoa Kỳ sẽ ngừng các nỗ lực cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Washington chỉ phê phán chủ yếu các nỗ lực của Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông, nhưng chính quyền Trump gần đây rõ ràng né tránh các hành động có thể khiến Bắc Kinh tức giận. Liệu Biển Đông rồi đây sẽ thành ao tù của Trung Quốc?

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu Trump thường xuyên nhượng bộ Trung Quốc, chính nước Mỹ có nguy cơ bị “bòn rút”. Tại Đài Loan, các quan chức hòn đảo này lo ngại Trump sẽ trì hoãn việc bán vũ khí cho Đài Loan vì sợ căng thẳng với Trung Quốc, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35. Hơn nữa, Trump đã công khai thể hiện rằng, ông sẵn sàng dùng Đài Loan như con bài để ngã giá với Trung Quốc.

Các nước khu vực Châu Á đã từng hy vọng khi Tổng thống Obama tuyên bố điều động nguồn lực quân sự và kinh tế Mỹ lớn hơn sang châu Á. Nhưng tất cả đã thất vọng khi thấy Trung Quốc không ngừng bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Những phát biểu hùng hồn của ông Donald Trump, ông Rex Tillerson ban đầu cũng hứa hẹn một khởi đầu mới. Nhưng đến giờ nước Mỹ dưới thời Trump vẫn chẳng làm gì cả. Uy tín của Trump trong khu vực đã xuống thấp kể từ khi ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Ngược lại, Trung Quốc lại hứa sẽ tăng gấp đôi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xuống khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh đã nhìn thấy một cơ hội vàng để bước vào khoảng trống quyền lực trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson cố gắng trấn an ASEAN về sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á, hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông không có gì thay đổi.

Biển Đông vẫn là “miếng mồi” đối với Hoa Kỳ

Không có dấu hiệu nào cho thấy Washington đã dùng vấn đề Biển Đông để giao dịch, đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Mặc dù trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đúng là rất mong muốn Trung Quốc giúp đỡ trong việc kiềm chế Triều Tiên, và hiện có thông tin Lầu Năm Góc từ chối đề xuất của Hải quân Mỹ, tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.

Các cuộc đàm phán giữa ông Trump với người đứng đầu Trung Nam Hải về Triều Tiên xoay quanh một thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ có lợi hơn cho Bắc Kinh, nếu ông Tập Cận Bình chịu giúp. Sự giúp đỡ của Trung Quốc là rất quan trọng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Có lẽ sẽ là khôn ngoan nếu Mỹ không dùng đến con bài lớn hơn, đó là Biển Đông để mặc cả với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm điều gì khiến chính quyền ông Kim Jong-un bất ổn? Bên cạnh đó, Washington sẽ mất uy tín với các đồng minh và đối tác và có khả năng tạo rủi ro cho các lợi ích kinh tế của chính nước Mỹ.

Toan tính của Trung Quốc

Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông bởi mấy lý do chính. 

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc là một trụ cột của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kiểm soát hoặc ít nhất là tăng quyền kiểm soát yêu sách mà Bắc Kinh tuyên bố ở Biển Đông sẽ cho phép Trung Nam Hải sử dụng chủ nghĩa dân tộc củng cố vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính phủ nước này đã liên tục tuyên truyền cho người dân của họ rằng, Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu” của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Từ thời Mao Trạch Đông, đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên truyền về “sứ mệnh bảo vệ và mở rộng lãnh thổ Trung Quốc”. Họ khoét sâu sự thất bại của triều đình Mãn Thanh và Trung Hoa dân quốc trong việc để đất nước bị thực dân đế quốc xâm lược.

Bằng những hoạt động tuyên truyền liên tục, thường xuyên về “thế kỷ bị sỉ nhục”, đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục củng cố tính chính danh của mình. Vì vậy, họ thấy cần phải áp dụng điều này vào các tranh chấp trên Biển Đông, nếu không có thể châm ngòi cho những làn sóng chủ nghĩa dân tộc đe dọa đến chế độ.

Thứ hai, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các nguồn lợi kinh tế – an ninh trên Biển Đông. 

Trước hết là an ninh năng lượng. Hiện tại 86% dầu thô và hơn 50% khí đốt Trung Quốc nhập khẩu phải đi qua Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào tuyến hàng hải huyết mạch này được dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2035 khi tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế này sẽ tăng khoảng 50%. Hơn thế nữa, Biển Đông được cho là có thể chứa đến 125 tỉ thùng dầu và 500 ngàn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. Vì vậy, kiểm soát Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc khai thác (bất hợp pháp) nguồn năng lượng dồi dào này, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Tiếp đến là Bắc Kinh có lợi ích trong việc duy trì, bảo đảm tự do hàng hải cho tàu thương mại của mình trên Biển Đông, với 60% các mặt hàng thương mại xuất nhập khẩu của quốc gia này phải đi qua, trị giá tương đương khoảng 3 ngàn tỉ USD.

An ninh năng lượng và sự thịnh vượng kinh tế của không chỉ Trung Quốc, mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc – hai đối tác chính của họ, phụ thuộc rất lớn vào an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông. Nếu tuyến hàng hải huyết mạch này bị nước ngoài (Hoa Kỳ) ngăn chặn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và các đối tác Nhật – Hàn có thể bị đe dọa.

Thứ ba là về an ninh, kiểm soát Biển Đông giúp Trung Quốc ngăn chặn cái họ gọi là “thế lực thù địch”, đó là các hàng không mẫu hạm và tàu tuần dương, tàu khu trục mang tên lửa của Hoa Kỳ tiếp cận Trung Hoa lục địa từ hướng Nam.

Hơn nữa, thống trị Biển Đông cũng cho phép Bắc Kinh dễ dàng “thu hồi” đảo Đài Loan thông qua việc ngăn chặn hoạt động trao đổi thương mại hàng hải của Đài Loan với các đối tác qua Biển Đông.

Với tầm quan trọng của Biển Đông lớn như vậy, nếu Hoa Kỳ đánh đổi vấn đề Biển Đông để lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên sẽ là  một món hời cho Trung Quốc.

Con bài Biển Đông là vô cùng quý giá, Mỹ nên để dành dùng vào việc khác để có thể thu về các lợi ích lớn hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới