Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ "ngại" Đối thoại Shangri-La

TQ “ngại” Đối thoại Shangri-La

Trung Quốc chỉ cử quan chức quân đội cấp phó tham dự Đối thoại Shangri-La sau khi liên tiếp bị cộng đồng quốc tế chỉ trích tại diễn đàn đa phương này.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-La 2011

Bất ngờ người đại diện

Năm 2011, Trung Quốc đã cử Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Tướng Lương Quang Liệt đến tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore, một diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất tại châu Á.

Tuy nhiên, ngay trong năm sau, Trung Quốc không cử quan chức thuộc Bộ Quốc phòng đến tham dự đối thoại, mà thay vào đó, phái đoàn của Bắc Kinh được dẫn đầu bởi Chuẩn Tướng Ren Haiqan thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Từ năm 2013 đến 2016, phái đoàn của Trung Quốc luôn do một vị Tướng cấp phó trong PLA dẫn đầu, chẳng hạn Phó Tham mưu trưởng PLA. Điều đó có nghĩa là theo tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

Theo The Diplomat, các quan chức Trung Quốc theo thông lệ thường có những bài diễn văn theo lối mòn, những bài phát biểu mang tính xoa dịu nhằm tránh đi thẳng vào các vấn đề gây bất đồng, sau đó rời khỏi sân khấu mà không trả lời bất cứ câu hỏi nào. 

Tại Đối thoại Shangri-la năm 2011, Tướng Lương Quang Liệt đã phải đối mặt với khá nhiều sự công kích, bị chỉ trích vì cách hành xử ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gate đã dùng Shangri-La để nhấn mạnh cái mà Mỹ gọi là chính sách xoay trục sang châu Á. Đây có thể là lý do khiến Bắc Kinh không hài lòng và đã quyết định hạ cấp quan chức tham dự sự kiện vào các năm sau đó.

Theo The Diplomat, Trung Quốc không thích bàn luận về các tranh chấp lãnh hải tại bất cứ hội nghị đa phương nào, đồng thời nhấn mạnh đàm phán song phương mới là diễn đàn thích hợp để đưa ra các vấn đề như thế này.

Tuy nhiên, Biển Đông luôn là vấn đề nóng hàng đầu tại Đối thoại Shangri-La, và Trung Quốc, với sự bất mãn của mình, có rất ít ảnh hưởng trong chương trình nghị sự của diễn đàn này. Điều đó có nghĩa là mỗi năm, việc Trung Quốc cử ai đến Đối thoại Shangri-La đều liên quan đến các vấn đề mà Bắc Kinh không muốn đề cập một cách thẳng thắn trong một hội nghị mở và đa phương.

Thay vì giúp tăng cường vị thế của Đối thoại Shangri-La thông qua việc cử một đại diện cấp cao tới đây, Trung Quốc đã chọn cách củng cố diễn đàn an ninh của riêng mình, đó là diễn đàn Hương Sơn tổ chức vào mùa Thu hàng năm kể từ năm 2014 (trước đó được tổ chức 2 năm một lần từ 2006-2012).

Sợ bị chỉ trích

Một số chủ đề trong chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La năm nay là “Củng cố trật tự khu vực dựa trên các quy tắc” (bao gồm các bộ trưởng từ Nhật Bản, Australia và Pháp và do đó không phải là một cuộc thảo luận thân thiện với Trung Quốc) và “Những mối đe dọa hạt nhân ở Châu Á – Thái Bình Dương ” (chắc chắn sẽ tập trung vào Triều Tiên, một lần nữa khiến cho Trung Quốc trở thành mục tiêu bị chỉ trích). Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự dưới hình thức thảo luận về “các biện pháp thực tiễn để tránh xung đột trên biển”.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo Trung Quốc không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này chiếm giữ trái phép tại Biển Đông, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Ông James Mattis đã chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định Mỹ “sẽ không chấp nhận” việc Trung Quốc triển khai vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông nhấn mạnh rằng Mỹ “không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi mang tính đơn phương và ép buộc đối với nguyên trạng” làm ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng quốc tế cũng như phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ.

Liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng việc Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo bất chấp sự phản đối của quốc tế thực sự đang gây ra “mối lo ngại rõ ràng và hiện hữu”. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao cũng như gia tăng sức ép về mặt kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân. Mỹ cũng hoan nghênh Trung Quốc hợp tác cùng cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, trong đó nhấn mạnh đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực. Cả 3 bộ trưởng cùng hối thúc Trung Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, tuân thủ nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Những phát biểu như trên chắc chắn là điều mà Trung Quốc không muốn nghe và việc họ chỉ cử các đại diện cấp phó tham dự Đối thoại Sangri-La cho thấy Bắc Kinh thực sự ”ngán” diễn đàn đa phương này.

RELATED ARTICLES

Tin mới