Tuesday, April 16, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 14/06

Bản tin Biển Đông ngày 14/06

Bản tin Biển Đông ngày 14/06/2017.

Về chiếc tàu chiến của hải quân Mỹ ghé thăm Trung Quốc sau cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông

Ngày 13/6, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Sau cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông, tàu chiến Mỹ ghé thăm Trung Quốc” của Franz-Stefan Gady, Nghiên cứu viên cap cấp tại Viện Đông Tây (EWI). Bài viết cho hay, theo nguồn tin từ trang Hệ thống chia sẻ dữ liệu hình ảnh quốc phòng (DVID) của Hải quân Mỹ, ngày 12/6, tàu khu trục gắn tên lửa hành trình loại Arleigh Burke có tên USS Sterett của Hải quân Mỹ đã đến Trạm Giang, Trung Quốc – trụ sở của Hạm đội Nam Hải thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc để thực hiện chuyến thăm cảng đã được lên kế hoạch từ trước. Chuyến thăm này chủ yếu sẽ bao gồm các cuộc trao đổi ở cấp thấp giữa Hải quân Mỹ và các lực lượng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nhằm “thúc đẩy hợp tác trên biển và quan hệ giữa lực lượng hải quân hai nước”, theo Tư lệnh Claudine Caluori của tàu USS Sterett cho biết. Trước đó, vào tháng 5, tàu USS Sterett và tàu tác chiến ven biển USS Coronado đã thực hiện cuộc diễn tập nhiều bên có tên Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) với tàu hải quân của Singapore và Thái Lan trên Biển Đông.

Theo ông Gady nhận định, đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu chiến Mỹ tới Trung Hoa lục địa năm 2017 và là lần đầu tiên một tàu của Hải quân Mỹ ghé thăm Trạm Giang kể từ năm 2015. Đáng chú ý, Trạm Giang là trụ sở chính chịu trách nhiệm về các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông: đa phần các chiến hạm trên mặt biển được đóng tại căn cứ hải quân Trạm Giang, bên cạnh các lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải được đóng tại căn cứ hải quân Du Lâm trên Đảo Hải Nam.

Thích ứng với Biến đổi khí hậu: về trường hợp Biển Đông

Ngày 13/6, Eurasia Review đăng bài viết “Thích ứng với Biến đổi khí hậu: về trường hợp Biển Đông” của Margareth Sembiring, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Trung tâm An ninh Phi Truyền thống, Khoa Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tác giả bài viết tỏ ra khá lo ngại trước việc mới đây Tổng thống Donald Trump đã quyết định để Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu trong khi tác động của vấn đề này đối với khu vực Biển Đông ngày càng trở nên rõ nét.   Tuy nhiên, bà Sembiring khẳng định đây lại là động lực để các quốc gia có liên quan trong tranh chấp Biển Đông nhận thấy sự cần thiết của việc thúc đẩy các cơ chế bảo vệ môi trường biển hiện có của khu vực, dù chưa thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hiện đang tồn tại ở điểm nóng này.

Tác giả nhấn mạnh, việc các nước ở khu vực tiến hành hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và bảo tồn môi trường biển ở khu vực cũng là nhằm thực hiện nghĩa vụ về môi trường cũng như triển khai chiến lược quản lý căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông, dựa trên cơ sở các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận hợp tác khu vực đã có trước khi các bên gia nhập Công ước. Tác giả cũng bày tỏ lạc quan rằng việc thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề ít mang tính nhạy cảm về chính trị như bảo vệ biển và nghiên cứu khoa học “sẽ mở ra cánh cửa đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có liên quan”. Tuy nhiên, bà cho rằng các cơ chế khu vực về quản lý môi trường biển ở các vùng biển tranh chấp vẫn chưa thực sự đầy đủ, và lo ngại điều này có thể sẽ gây ra khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra các sự cố môi trường bất ngờ ở Biển Đông. Do đó, tình hình hiện nay đòi hỏi các bên cần nỗ lực nhằm xây dựng một thỏa thuận có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý để tăng cường hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.

Trung Quốc đưa tàu gắn tên lửa ra Biển Đông tập trận huấn luyện thực tế

Ngày 14/6, Mạng Quân sự Trung Quốc đăng tải một số hình ảnh kèm thông tin về việc nước này đã triển khai 4 tàu gắn tên lửa mang tên Chaoyang (số hiệu 755), Yangjiang (số hiệu 770), Fu’an (số hiệu 767) và Linwu (số hiệu 754) để thực hiện cuộc tập trận huấn luyện thực tế “tại một khu vực không được tiết lộ trên Biển Đông” vào ngày 9/6/2017, được triển khai cùng một đội tàu hộ vệ, Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Cố ý tạo ra sự mù mờ về mọi thông tin quân sự của mình trên Biển Đông, Trung Quốc dường như một mặt muốn né tránh trách nhiệm minh bạch hoá các hoạt động của hải quân nước này ở khu vực, mặt khác lại đẩy mạnh việc tuyên truyền về các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông nhằm chứng tỏ “quyết tâm” mở rộng quyền kiểm soát trên thực tế đối với tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới này.

RELATED ARTICLES

Tin mới