Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Mỹ Yousef Al Otaiba tuyên bố các nước Arab không tính đến việc sử dụng giải pháp quân sự để chống lại Qatar, song nhấn mạnh sẽ gia tăng các sức ép kinh tế.
Hành khách làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 7/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington, ông Otaiba cho biết đã nhiều lần tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis để đưa ra đảm bảo rằng căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar, Al Udeid, sẽ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Qatar và các nước Arab tại vùng Vịnh.
Ông khẳng định rằng các biện pháp chống lại Qatar hiện nay không phải nhằm buộc Mỹ di rời khỏi căn cứ quân sự này, song cho biết thêm rằng “UAE sẵn sàng thảo luận” về việc này nếu được đề nghị.
Ông nhắc tới một thỏa thuận quốc phòng vừa ký giữa UAE với Mỹ hồi tháng trước, theo đó cho phép Mỹ tăng quân số và thiết bị quân sự tại UAE.
Căn cứ Al Udeid, nơi có 10.000 binh sỹ Mỹ đồn trú, đã nổi lên như một điểm nóng tranh cãi giữa Qatar và các nước láng giềng. Đây là nơi chỉ huy các lực lượng của Mỹ tham chiến tại Iraq, Afghanistan và Syria.
Đại sứ Otaiba gợi ý Mỹ nên cân nhắc di chuyển một phần căn cứ này, và phân bổ binh sỹ sang nhiều nước hơn, thay vì “để hết trứng vào một giỏ.”
Liên quan đến các biện pháp trừng phạt Qatar, Đại sứ Otaiba cho biết các nước láng giềng của Qatar sẽ sớm trao cho Mỹ một danh sách các hành động đặc biệt mà Doha sẽ phải thực hiện trước khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, trong đó có thể bao gồm yêu cầu Qatar phong tỏa tài khoản ngân hàng của các cá nhân mà các nước láng giềng Qatar đã trừng phạt.
Trước đó, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào “danh sách khủng bố” và đóng băng các tài khoản ngân hàng của các thực thể này.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir ngày 13/6 nhấn mạnh rằng nước này không áp đặt “phong tỏa” đối với Qatar bằng việc đóng cửa biên giới và cấm các hãng hàng không Qatar vào không phận Saudi Arabia.
Phát biểu tại thủ đô Washington sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông al-Jubeir cho biết biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia chỉ là trên bộ, và quyết định đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways chỉ ảnh hưởng đến các máy bay của riêng hãng này.
Ông khẳng định động thái này “hoàn toàn hợp lý” và thuộc “chủ quyền” của Saudi Arabia. Ông nhấn mạnh rằng Qatar “vẫn tự do đi lại,” không có lệnh phong tỏa nào đối với các cửa khẩu trên bộ và cảng biển của Qatar.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết đã có tiến bộ trong nỗ lực giải quyết căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh sau khi các quan chức ngoại giao Mỹ hội đàm với các nước có liên quan. Phát biểu với báo giới, ông Nauert nhấn mạnh: “Điều tồi tệ nhất đã qua.”
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới. Qatar, nước sản xuất heli lớn thứ hai thế giới, đã buộc phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất heli vì biện pháp kinh tế mà các nước Arab tại vùng Vịnh áp đặt.
Hai nhà máy trên của công ty RasGas – một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Qatar (QP), có 70% vốn của nhà nước Qatar và 30% do tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ đóng góp. Hai nhà máy ở Qatar cung cấp khoảng 25% tổng nhu cầu heli trên toàn cầu.
Việc đóng cửa hai nhà máy trên là bằng chứng cho thấy tranh cãi giữa Qatar và các nước Arab tại vùng Vịnh ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa như thế nào.
Theo các chuyên gia, trước mắt tác động đến thị trường heli toàn cầu chưa lớn bởi các nước tiêu thụ có thể sử dụng các kho dự trữ và tìm các lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, việc vận chuyển qua đường biển sẽ tốn kém hơn nhiều và nếu căng thẳng ngoại giao hiện nay kéo dài một tháng hoặc hơn, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Trường hợp tương tự đã từng xảy ra, làm giá cả tăng gấp đôi.
Heli được sử dụng để làm mát nam châm siêu dẫn trong máy scan MRI sử dụng trong y tế, làm khí để nâng khinh khí cầu lên cao, làm khí để thổi vào các thiết bị lặn dưới biển sâu và làm mát các thiết bị vệ tinh.
Heli được chiết xuất từ khí tự nhiên trong quá trình khai thác nhưng rất khó chiết xuất và cất giữ. Mỹ hiện là nhà sản xuất lớn trong thị trường trị giá 4,7 tỷ USD này, ngoài ra còn có Algeria, Nga, Canada và Trung Quốc.
Nhu cầu về loại khí này đang gia tăng, nhất là khi ngành công nghiệp chế biến đang “bùng nổ” tại châu Á. Hàn Quốc nhập khẩu 1/3 nhu cầu heli từ Qatar, sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của căng thẳng hiện nay.