Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnĐối thoại Mỹ -Trung – những mớ bùng nhùng!

Đối thoại Mỹ -Trung – những mớ bùng nhùng!

 Đối thoại An ninh và Ngoại giao cấp cao là một trong bốn cơ chế được lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc  nhất trí triển khai trong cuộc họp tại Florida hồi tháng 4/2017. Ba vòng đối thoại tiếp theo từ nay đến cuối năm sẽ là các mảng về kinh tế, thực thi luật pháp và an ninh mạng.

Cuộc gặp gỡ giữa Donald Trump và Tập Cận Bình  tối 6/4/2017 tại bang Florida.

Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị Đối thoại An ninh – Ngoại giao lần đầu ở Washington vào ngày 21/6 vừa qua. Theo tờ Lianhe Zaobao (Singapore), đây là lần đầu, Mỹ đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tham gia hội nghị. Đây cũng là lần đầu Mỹ nâng Trung Quốc lên cấp ngang với “đồng minh” để tiến hành đối thoại. Trong các cuộc Đối thoại Chiến lược – Kinh tế Trung-Mỹ trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng và đại diện quân đội Mỹ đều không tham dự.  Vì vậy việc đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì đối thoại song phương “2+2” là một biệt đãi  mà Washington chỉ dành cho các đồng minh của Mỹ.  

Hoa Kỳ khẳng định không thay đổi lập trường về Biển Đông. Tuyên bố được ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đưa ra trong phiên họp đầu tiên nói trên của hội nghị cấp cao Mỹ-Trung tại Washington. Hai nhà lãnh đạo Mỹ Tillerson và Mattis đã tiếp đón ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại và tướng Phòng Phong Huy, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, phía Mỹ đã trao đổi thẳng thắn các quan điểm của mình liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông với các quan chức Trung Quốc.

Ông Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mọi thay đổi nguyên trạng bằng cách quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông và đưa ra đòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong khu vực”.

Còn Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tuyên bố đã thảo luận về tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông hàng hải, giải pháp hòa bình trong tranh chấp hàng hải và các biện pháp nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra trên không, trên biển và hoạt động tại những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết: “Về vấn đề Biển Đông, đây là một cuộc đối thoại mà chúng tôi nêu lên những lĩnh vực mà hai bên có thể cùng làm”.  

Thời gian qua, tại nhiều diễn đàn quốc tế, Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh việc không chấp nhận hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông.  Washington  cho rằng, những động thái như vậy làm suy yếu sự ổn định khu vực.

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc và Mỹ đã thống nhất kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên một cách “triệt để, rõ ràng và dứt khoát”. Tân Hoa Xã của Trung Quốc  công bố một đoạn văn bản kết luận được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc: “Hai bên đã tái khẳng định rằng họ sẽ hướng đến các biện pháp giải giáp vũ khí hạt nhân triệt để, rõ ràng và dứt khoát trên bán đảo Triều Tiên”.

Ngoại trưởng Tillerson trước đó từng nói Mỹ đã thúc giục Trung Quốc để nước này gây  sức ép về kinh tế cũng như chính trị đối với Triều Tiên. Ông Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã gặp gỡ Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Nhà Trắng. Sau đó, ông Dương còn gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump  để nói về vấn đề Triều Tiên.

Tuyên bố kết luận của cuộc gặp mặt giữa hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghị định Liên hợp quốc và thúc đẩy đàm phán và đối thoại nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã bỏ ngoài tai yêu cầu của Trung Quốc tạm ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn để đổi lại việc Triều Tiên sẽ chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Còn nhớ hồi năm 2005 đã  từng có thỏa thuận về đổi chác như vậy, nhưng sau đó Triều Tiên  đơn phương phá vỡ thỏa thuận.

Hiện tại Triều Tiên muốn quay trở lại với sáng kiến đổi chác nêu trên. Mới đây, ông Kye Chun-yong, Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ đã bày tỏ nguyện vọng đánh đổi như cách đây mấy năm. Chưa ai đoán trước được Trump sẽ phản ứng ra sao. Theo các nhà quan sát thì  Mỹ đang tính toán đến một bước đi táo bạo mà các vị tiền nhiệm của ông Trump chưa ai dám nghĩ tới. Đó là Mỹ sẽ lên kế hoạch trừng phạt một loạt các công ty và tập đoàn Trung Quốc vi phạm các lệnh cấm vận của LHQ đối với Triều Tiên.

Tình hình cũng nóng hẳn lên khi hai bên bàn về Đài Loan.

Trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chuẩn bị một gói bán vũ khí cho quốc đảo này, tuy mọi chuyện vẫn chưa đi vào hồi kết. Để tranh thủ phản ứng thuận lợi của Trung Quốc đối với Triều Tiên, chính quyền Trump đã trì hoãn việc phê duyệt gói vũ khí ấy. Nhưng do Trung Quốc không tiến triển được bao nhiêu trong vấn đề Triều Tiên, nhóm lợi ích trong việc bán vũ khí cho Đài Bắc lại hoạt động tích cực trở lại.

Trong tình hình ngoại giao có nhiều bất trắc khó lường, việc Mỹ nâng Trung Quốc lên cấp ngang với quy chế dành cho các đồng minh để tiến hành đối thoại cho thấy sự coi trọng đối với quan hệ Trung-Mỹ.  Cấp độ đối thoại Trung-Mỹ đang tăng dần  phải chăng là do chính quyền Mỹ lo lắng vấn đề Triều Tiên, mong muốn đổi lấy sự phối hợp nhiều hơn với Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên?

Còn nhớ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, một bộ phận Nhà Trắng từng lên tiếng phản đối triển khai đối thoại chiến lược với Trung Quốc. Cơ chế đối thoại hồi bấy giờ chỉ dừng lại ở mức “đối thoại cấp cao”. Đến nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, tên gọi hội nghị được bổ sung thêm hai chữ “chiến lược”. Nhưng thời kỳ đầu, hội nghị chỉ thảo luận về kinh tế, mãi về sau mới chuyển sang đề cập đến vấn đề an ninh, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng không tham dự.

Truyền thông Trung Quốc hí hửng: cuộc gặp mặt lần này là bước tiến tiếp theo trong công cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ, tiếp nối lần gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với ông Trump tại Florida vào tháng 4/2017. Ông Tập và ông Trump sẽ gặp nhau lần nữa trong cuộc họp thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hamburg (Đức).  

Theo Ngoại trưởng Tillerson, Hoa Kỳ vẫn đẩy mạnh quan hệ song phương cho 40 năm tới, trong bối cảnh hai nước chia sẻ lợi ích an ninh, mặc dù phải đối diện các mối đe dọa hoặc các lĩnh vực mà cả hai nước cần thu hẹp khác biệt. “Các cuộc đối thoại cho một cơ hội để cân nhắc chúng ta sẽ tiếp cận ra sao và làm thế nào để cùng chung sống trong 40 năm tới” –  ông Tillerson nói.    

CònBộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis kêu gọi cho mối quan hệ với Trung Quốc có tính “xây dựng” và “coi trọng kết quả”: “Tôi cam kết cải thiện quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung để duy trì một yếu tố ổn định trong quan hệ về toàn diện. Hai nước chúng ta có thể và đã có hợp tác theo những cách đôi bên cùng có lợi”.

Đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao là một trong bốn cơ chế được lãnh đạo hai nước là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump nhất trí triển khai trong cuộc họp với nhau tại Florida hồi tháng 4. Ba vòng đối thoại cấp cao nữa về các mảng kinh tế, thực thi luật và an ninh mạng sẽ diễn ra trong năm nay.

Đối thoại là giải pháp tích cực thế giới ngày nay đang khuyến khích. Nhưng trong khi đối thoại những lời nói tốt đẹp nhiều khi chả nói lên điều gì. Nó chỉ thay đổi về hình thức, cấp độ, còn nội dung cứ như một mớ bùng nhùng Vì thế mà xem ra anh Triều Tiên cứng đầu cứ phớt lờ luật pháp  và dư luận quốc tế, liên tục thử tên lửa hạt nhân cũng “oai ra trò”, khiến cho hai con hổ Mỹ và Trung Quốc lắm phen lạnh xống lưng!

RELATED ARTICLES

Tin mới