Saturday, December 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKế sách Syria dưới thời ông Trump: Hợp tác với Nga để...

Kế sách Syria dưới thời ông Trump: Hợp tác với Nga để “ngáng chân” Nga

Chiến lược của ông Trump tại Syria chỉ là những giải pháp tình thế, thiếu nhất quán và luôn phải dè chừng Nga.

Hậu quả chiến tranh Syria kéo dài do mâu thuẫn quyền lợi các bên.

Chiến lược của Mỹ tại Syria: Nửa mới, nửa cũ

Ngay trong cuộc gặp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được một số nhận thức chung, cụ thể nhất là thoả thuận về ngừng bắn cho vùng tây nam của Syria. 

Đối với giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Syria, thoả thuận này chỉ là bước tiến nhỏ. Ở nơi này, trong hơn 5 năm qua, đã vài lần có được thoả thuận và thực thi ngừng bắn, nhưng ngừng bắn không được kéo dài hoặc chẳng được thực hiện nghiêm chỉnh. 

Ông Trump và ông Putin dùng thoả thuận này để chứng tỏ rằng họ có thể nói chuyện và nhất trí được với nhau, rằng Mỹ và Nga có thể đồng hành trong việc giải quyết vấn đề Syria. Hợp tác với Nga chứ không đối đầu Nga ở Syria trong cả việc tiếp tục chiến sự lẫn tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Syria là nét mới trong chiến lược của ông Trump đối với Syria.

Cho tới nay, ông Trump và cộng sự chưa từng lần nào thể hiện chiến lược riêng rõ ràng và hoàn chỉnh của Mỹ đối với Syria mà chỉ biểu lộ từng mảng riêng lẻ trong những dịp khác nhau. 

Cho nên có những mâu thuẫn nhất định giữa cái nói ra trước và cái được tuyên bố sau, giữa phát ngôn của ông Trump và tuyên bố của cộng sự. So với chiến lược của chính quyền của ông Obama đối với Syria thì chiến lược ấy không hẳn không có cái mới, nhưng vẫn giữ nhiều cái cũ.

Mỹ bắt tay Nga để cản bước Nga

Thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Syria là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria đồng thời lật đổ thể chế của Tổng thống Bashir al-Assad.

Ông Obama thành lập liên quân đa quốc gia để tiến hành chiến tranh với IS, dùng những lực lượng vũ trang chống chính phủ ở Syria làm đội quân tiên phong thực hiện cả hai mục tiêu nói trên. 

Nếu không có sự can dự kịp thời và quyết liệt của Nga về quân sự ở Syria thì Mỹ và đồng minh chưa đánh bại được IS nhưng chắc đã lật đổ được ông Assad ở Syria. 

Ông Obama không đưa binh lính Mỹ đến tham chiến trực tiếp ở Syria mà chỉ cử đến một bộ phận đặc nhiệm nhất định, chủ yếu sử dụng không quân và tên lửa từ xa. 

Thời ấy, ông Obama và ông Putin không có kênh liên hệ trực tiếp với nhau nhưng Bộ trưởng Ngoại giao hai nước John Kerry và Sergey Lavrov thường xuyên gặp nhau và rất hiểu nhau. Thời ấy cũng đã có chuyện liên quan đến vũ khí hoá học ở Syria. 

Ông Obama đưa ra cái gọi là “Chỉ giới đỏ” nhưng không hành động quân sự nhằm trực tiếp vào chính phủ của ông Assad mà nhờ Nga trung gian để có được thoả thuận về huỷ bỏ hết vũ khí hoá học của Syria. 

Thời ấy, Mỹ và Nga không hình thành kênh trao đổi song phương về Syria mà thông qua khuôn khổ diễn đàn đàm phán đa phương hoặc đi theo lối đường riêng.

Ở thời ông Trump, cách thức tiến hành chiến tranh với IS và nhằm vào chính phủ Syria về cơ bản không thay đổi gì nhiều. 

Ông Trump vẫn coi IS là mục tiêu đối phó hàng đầu, khẳng định không theo đuổi việc “thay đổi thể chế” ở Syria nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson lại không ít lần úp mở rằng Mỹ nhằm tới cả mục tiêu này. 

Khi gặp nhau vừa rồi, ông Trump và ông Putin không đả động gì đến vai trò hay số phận chính trị của ông Assad trong tương lai của Syria nhưng ông Tillerson lại cho rằng phía Nga đã trù tính đến việc ông Assad không còn tương lai gì nữa ở Syria.

Giống như người tiền nhiệm, ông Trump không chủ định đưa binh lính Mỹ đến Syria, nhưng khác người tiền nhiệm ở chỗ không chỉ tăng cường những hoạt động quân sự ở Syria mà còn sẵn sàng tấn công quân đội chính phủ Syria. 

Ông Trump đã cho không kích vào một sân bay của không quân chính phủ Syria, bắn rơi chiến đấu cơ của quân đội Syria, vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria. 

Ngay trước cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin, ông Tillerson cho biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong vấn đề thiết lập vùng cấm bay và phối hợp chuyện cứu trợ nhân đạo ở Syria.

Có thể thấy chiến lược của ông Trump đối với Syria thiếu nhất quán và không được đồng bộ. Dường như nó mới được hoạch định sơ sài và chủ yếu nhằm đối phó tình thế, lại còn không hoàn toàn luôn thống nhất giữa Tổng thống và cộng sự. 

Theo đó, Mỹ gây dựng liên quân mới nhằm thay Mỹ tham chiến trực tiếp ở Syria để tiêu diệt IS, Mỹ sẽ hợp tác với Nga sâu rộng hơn để cản trở Nga độc chiếm ảnh hưởng ở Syria và thông qua Nga lật đổ ông Assad cũng như luôn để ngỏ khả năng sẵng sàng sử dụng vũ lực quân sự ở Syria. 

Trước mắt cứ như thế đã. Cho tới khi có được chiến lược mới thật sự là của riêng.  

RELATED ARTICLES

Tin mới