Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc đụng độ Ấn Độ muốn TQ nhớ lại

Cuộc đụng độ Ấn Độ muốn TQ nhớ lại

50 năm trước, giao tranh Trung – Ấn diễn ra tại biên giới và Trung Quốc được cho là bên chịu thiệt hại lớn hơn.

Binh lính Trung Quốc theo dõi Ấn Độ tại Nathu La ngày 3/10/1967. Ảnh: Hulton Archive

Khi truyền thông Trung Quốc đang cảnh báo về một cuộc chiến với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại biên giới, truyền thông Ấn Độ đã nhắc nhở Trung Quốc về cuộc đụng độ 50 năm trước tại Nathu La và Cho La. Theo India Times, xung đột kết thúc với sự thất bại của Bắc Kinh.

Các cuộc đụng độ Nathu La và Cho La (11-14/9/1967 tại Nathu La và ngày 1/10/1967 tại Cho La) là xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới Vương quốc Sikkim, khi đó thuộc bảo hộ của Ấn Độ. (Sikkim hiện là một bang của Ấn Độ.)

Sau thất bại trong chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, quân đội Ấn Độ đã tăng gấp đôi quy mô. 7 sư đoàn lính sơn cước được thiết lập để bảo vệ biên giới phía bắc trước bất cứ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc. Hầu hết đơn vị này không đóng gần biên giới, ngoại trừ tại Thung lũng Chumbi, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở rất gần nhau. Đặc biệt ở đèo Nathu La tại thung lũng, bên cạnh biên giới Sikkim – Tây Tạng, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở cách nhau khoảng cách 20 – 30 m.

Biên giới ở đây chưa được phân chia rõ ràng. Trung Quốc kiểm soát phần phía bắc của Nathu La, trong khi quân đội Ấn Độ kiểm soát phần phía nam. Từ năm 1963, các cuộc xô xát quy mô nhỏ trong khu vực thường xuyên xảy ra.

Ngày 13/8/1967, quân đội Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La. Lính Ấn Độ quan sát thấy một số đường hào lấn sang phía Sikkim và phản ánh điều đó cho chỉ huy Trung Quốc, yêu cầu họ rút về. Binh sĩ Trung Quốc đã lấp hào lại nhưng lắp đặt thêm loa phóng thanh. Quân đội Ấn Độ sau đó dựng hàng rào dây thép gai dọc theo Nathu La để thể hiện đường ranh giới nhưng phía Trung Quốc phản đối điều này.

Ngày 11/9/1967, ẩu đả xảy ra giữa hai bên liên quan đến việc dựng hàng rào dây thép gai bùng nổ thành giao tranh. Cuộc đụng độ kéo dài suốt cả ngày lẫn đêm trong ba ngày tiếp theo với pháo binh, súng cối và súng máy. Ngày 14/9/1967, một lệnh ngừng bắn được đi vào hiệu lực. Do quân đội Ấn Độ kiểm soát những phần nhô cao hơn của con đèo nên họ có thể phá hủy nhiều hầm trú ẩn của Trung Quốc tại Nathu La.

Theo quan điểm của Ấn Độ và phương Tây, cuộc đụng độ này do phía Trung Quốc khơi mào. Trong khi đó, Trung Quốc đổ lỗi cho quân đội Ấn Độ đã kích động vụ đụng độ, cáo buộc rằng phía Ấn Độ nổ súng trước.

Ngày 1/10/1967, một cuộc đụng độ khác diễn ra tại Cho La, con đèo trên biên giới Sikkim – Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.

Theo Ấn Độ, cuộc đụng độ được khởi xướng bởi quân đội Trung Quốc sau một cuộc ẩu đả giữa hai bên, khi quân đội Trung Quốc thâm nhập vào Sikkim. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ thâm nhập vào lãnh thổ của mình, khiêu khích binh sĩ Trung Quốc và nổ súng.

Cuộc đối đầu quân sự kéo dài một ngày. Trung Quốc nói rằng họ mất 32 lính còn Ấn Độ mất 65 lính trong vụ Nathu La. Trong cuộc đụng độ ở Chola, 36 lính Ấn Độ thiệt mạng, không rõ số lính Trung Quốc chết.

Trong khi đó, Ấn Độ nói rằng 88 người thiệt mạng và 163 người bị thương ở phía Ấn Độ trong khi 340 người thiệt mạng và 450 người bị thương ở phía Trung Quốc trong hai vụ xô xát.

Theo Taylor Fravel, chuyên gia về an ninh quốc tế, Trung Quốc và Đông Á, cuộc cạnh tranh để kiểm soát vùng tranh chấp ở thung lũng Chumbi đã đóng vai trò quan trọng trong việc leo thang căng thẳng này.

Fravel nhận xét rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm nhận mối đe dọa tiềm ẩn từ Ấn Độ do căng thẳng biên giới và quyết định rằng cần một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, Fravel cũng nhấn mạnh rằng sau vụ Nathu La, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã yêu cầu lực lượng chỉ nổ súng đáp trả khi bị tấn công.

Theo John Garver, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia, Ấn Độ “khá hài lòng với khả năng chiến đấu của lực lượng trong cuộc đụng độ ở Nathu La, coi đó là dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cuộc chiến năm 1962”.

RELATED ARTICLES

Tin mới