Friday, April 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông một năm sau PCA: Ai đeo lục lạc cho mèo?

Biển Đông một năm sau PCA: Ai đeo lục lạc cho mèo?

Tròn một năm về trước, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông dường như không giấu được vẻ hân hoan sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh về quyền lịch sử và đường chín đoạn.

PCA thậm chí còn cho rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo là gây hại cho môi trường biển và làm trầm trọng thêm tranh chấp trên biển.

Nhiều người đã tin rằng đây là bước ngoặt lịch sử để mở ra hướng đi mới trong việc giải quyết mâu thuẫn trên biển.

Nhưng tình thế thay đổi rất nhanh chỉ trong vòng một năm.

Sau phán quyết, Tổng thống mới của Philippines là ông Rodrigo Duterte thay đổi hoàn toàn thái độ với Bắc Kinh, tuyên bố sẽ không đả động gì đến phán quyết nữa và xây dựng cơ chế tham vấn song phương để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Trong vai trò chủ tịch Asean, Philippines đã hạn chế các nội dung về Biển Đông, không đề cập đến các hoạt động cải tạo đảo, quân sự hóa của Trung Quốc trong Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao Asean lần 30 cuối tháng 4 vừa qua.

Đổi lại, Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ nước này, cho phép tàu đánh cá Philippines được đánh bắt hải sản quanh khu vực tranh chấp, và hứa hẹn về những hợp tác khai thác dầu khí chung.

Tất cả đều yếu ớt và thiếu hiệu quả

Các quốc gia còn lại đang có tranh chấp với Trung Quốc từng được kì vọng sẽ tiếp nối con đường của Manila, tiếp tục sử dụng con đường pháp lý để đương đầu với cường quốc số một châu Á.

Đây được coi là hướng đi thực tế nhất, trong bối cảnh các nước trong khu vực không thể so bì lại với Trung Quốc về nguồn lực kinh tế và chính trị.

Thế nhưng trong một năm qua, các bên tranh chấp đều án binh bất động, không có hành động đáng chú ý nào cả về mặt pháp lý lẫn trên thực địa.

Việt Nam là quốc gia tuyến đầu trong tranh chấp với Trung Quốc, và có lẽ là nước dám phản ứng mạnh hơn cả trước những hành động khiêu khích từ Bắc Kinh. Thế nhưng một năm vừa qua, hành động của Hà Nội lại khá khiêm tốn.

Những cố gắng thúc đẩy giải pháp ngoại giao đa phương thông qua Asean vẫn không mấy hiệu quả, mặc dù hai bên đã thống nhất xem xét dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào tháng 8 tới đây.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thượng tướng Phạm Trường Long (phải) đón Đô đốc Hoa Kỳ Harry Harris thăm Bắc Kinh tháng 11/2015

Trong Asean, chỉ có Singapore và Indonesia là thực sự mong muốn làm người “cầm cân” trong tranh chấp, còn các nước khác dường như đang nghiêng về phía Trung Quốc trước những món lợi kinh tế mà siêu cường này mang lại.

Khó kì vọng trong nhiệm kì Philippines làm chủ tịch sẽ có điều gì khác thay đổi.

Những chương trình phối hợp, hợp tác với hải quân các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, chỉ đủ để phô trương thanh thế nhưng không mang lại nhiều đảm bảo về an ninh cũng như chiến lược lâu dài của Việt Nam. Một vài chiếc tàu tuần tra rõ ràng là không đủ để đối phó với mưu đồ của Bắc Kinh.

Trên thực địa, những bước đi từ phía Việt Nam đều vấp phải những phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.

Đáng kể nhất là quyết định khai thác lô 136/03, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, khiến phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam và cuối tháng 6 vừa qua.

Vừa rồi, trước đe dọa dùng vũ lực của Bắc Kinh, Hà Nội đã buộc phải yêu cầu tập đoàn dầu khí Repsoil tạm ngừng các hoạt động ở khu vực này.

Nhiều nhà quan sát đã tỏ ra ngạc nhiên khi Việt Nam thoái lui trước sức ép nhanh như vậy, trong một sự kiện có thể tạo ra bước ngoặt lớn, đẩy cán cân về phía Trung Quốc.

Bắc Kinh hoàn toàn có thể lấy đây làm ví dụ để đi rao giảng về việc các nước trên thực tế chấp nhận “Đường lưỡi bò”, đồng thời tiếp tục tạo ra “chuyện đã rồi” trên thực địa (facts on the ground) như cách họ vẫn đang làm.

Làm sao bảo vệ nhà đầu tư?

Câu chuyện đó cũng đặt ra tiền lệ hết sức nguy hiểm cho những hoạt động khác của Việt Nam trong vùng biển của mình, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Repsol được cho là đã bỏ ra đến 300 triệu USD tại lô 136-03.

Bản quyền hình ảnh VCG Image caption Biển Đông gần Hoàng Sa – Trung Quốc đã hoàn toàn làm chủ vùng này

Những động thái yếu ớt đó từ phía Việt Nam và các quốc gia tranh chấp lại càng khiến cho Trung Quốc được đà lấn tới.

Hiện tại, với những gì đang có sau khi đổ vào hàng chục tỷ USD vào Biển Đông, họ đủ khả năng kiểm soát hoàn toàn vùng biển này trong tương lai gần nếu các siêu cường khác không muốn can dự thêm.

Về quân sự, ba sân bay với đường băng dài trên 3000m, tức là đủ để sử dụng bất kì loại máy bay chiến đấu nào, đã được hoàn thành ở Vành Khăn, Đá Subi, và Đá Chữ Thập.

Đảo Hải Nam, “tiền đồn” Biển Đông của Trung Quốc, cũng đã có bốn căn cứ không quân được nâng cấp, cùng với các căn cứ hải quân có sẵn.

Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đã được hạ thủy vào cuối tháng 4, và được cho là sẽ đưa vào hoạt động ở Biển Đông.

Về tình báo, Bắc Kinh vừa tuyên bố sẽ đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 300 triệu USD) để xây dựng hệ thống quan trắc đáy biển ở Biển Đông và Hoa Đông.

Khi hệ thống này được hoàn thành vào năm 2022, Trung Quốc trên thực tế đã có thể kiểm soát toàn bộ các hoạt động trên Biển Đông.

Về kinh tế, liên tiếp các thế hệ giàn khoan khổng lồ của Bắc Kinh được ra đời, từ Lam Kình 01 cho đến Hải Dương 982.

Họ cũng là quốc gia đầu tiên khai thác được băng cháy ở Biển Đông. Các đội tàu cá đội lốt dân sự ở phía Nam Trung Quốc cũng không ngừng được đầu tư, trở thành mũi nhọn cho các hoạt động gây hấn, tình báo, và thể hiện chủ quyền “lưỡi bò” của Bắc Kinh.

Việc Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục chiến lược “tằm ăn dâu” trên biển là dễ hiểu, nhưng việc các nước tranh chấp thiếu nỗ lực trong việc tận dụng phán quyết PCA để ngăn cản những hành động đó là rất đáng tiếc.

Bản quyền hình ảnh Kyodo News Image caption Hồi tháng 5/2014 tại Việt Nam đã từng có những khẩu hiệu công khai như thế này

Nó cũng sẽ gửi đi những tín hiệu sai lầm rằng các nước tranh chấp dần chấp nhận “cúi đầu” trước những sức ép của Bắc Kinh, củng cố thêm quan điểm diều hâu của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ được bầu vào đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần 19 cuối năm nay.

Có một câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc cổ nói về những con chuột họp bàn nhau cách đối phó với mèo. Chúng thống nhất sáng kiến đeo lục lạc vào cổ mèo (dĩ linh hệ miêu) để biết lúc nào nó đi mà phòng tránh.

Ý tưởng thì rất hay, nhưng tất nhiên không có con chuột nào dám tiến lại gần con mèo để đeo lục lạc.

Câu chuyện Biển Đông cũng tương tự vậy. Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III đã dám phá tiền lệ với vụ kiện vô tiền khoáng hậu.

Quốc gia nào trong khu vực dám tiếp bước “đeo lục lạc cho mèo”, vì mình và cũng vì người?

RELATED ARTICLES

Tin mới