Saturday, December 14, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMetro ở Sài Gòn 'đói vốn', xin cấp cứu 500 tỷ đồng...

Metro ở Sài Gòn ‘đói vốn’, xin cấp cứu 500 tỷ đồng từ ngân sách

Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị đề xuất UBND TPHCM tiếp tục tạm ứng 500 tỷ đồng từ ngân sách để thanh toán cho các nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (lộ trình Bến Thành – Suối Tiên).

Sáng 28/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp thường kỳ về kinh tế xã hội và thu chi ngân sách tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Báo cáo với UBND TPHCM, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Lê Nguyễn Minh Quang cho biết các nhà thầu tuyến tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 đang thi công tích cực, nguồn vốn cần phải thanh toán cho các nhà thầu đến nay lên tới gần 500 tỷ đồng.

Ông Quang kiến nghị UBND TPHCM tạm ứng từ nguồn ngân sách khoản tiền trên để thanh toán cho nhà thầu nhằm đảm bảo tiến độ dự án dù “làm như vậy thì các Bộ không thuận lắm”.

“Đang có vấn đề về nguồn vốn. Ban đã quyết liệt đeo bám nhưng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng phân bổ vốn như thế nào”, ông Quang nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở KHĐT tham mưu cho UBND TPHCM văn bản đề nghị Bộ KHĐT.

Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết: Dự án metro số 1 đang vướng rất nhiều. Bộ Tài chính đã chính thức có văn bản không đồng ý nên “việc này mình cần phải bàn trước khi kiến nghị”.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 23/6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 nhiều lần đề nghị thành phố thanh toán kịp thời, nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình và uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà thầu dọa đình công

Theo ông Lê Thanh Liêm, hiện nay nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách trung ương cấp phát cho TPHCM giai đoạn 2016-2020 của 2 dự án trọng điểm là 29.512 tỷ đồng, trong đó dự án tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) là 20.930 tỷ đồng và dự án cải thiện môi trường nước (lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ) giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng.

 UBND TPHCM đã 3 lần kiến nghị bố trí đủ vốn cho các dự án trên. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án (và được sự đồng ý của Bộ Tài chính), mới đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA, trong đó dự án tuyến metro số 1 là 7.500 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 4.017 tỷ đồng.

“Với số vốn trên, thành phố rất khó hoàn thành đúng tiến độ 2 dự án trên. Hiện nay, khối lượng thi công đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình và việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Liêm cảnh báo.

Lãnh đạo UBND TPHCM đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn (tức bổ sung thêm gần 18.000 tỷ đồng) cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017- 2020 nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo các hiệp định đã ký, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời kịp đưa dự án vào khai thác vào năm 2020.

Trước mắt, TPHCM đề xuất Chính phủ cho tạm ứng 3.303 tỷ đồng vốn ODA năm 2017 cho dự án tuyến metro số 1 bởi hiện nay nhu cầu vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát năm 2017 để thực hiện dự án này là 5.422 tỷ đồng nhưng Bộ KHĐT tư chỉ bố trí 2.119 tỷ đồng (thiếu 3.303 tỷ đồng), trong khi khối lượng thi công đang được đẩy nhanh, dự kiến đến tháng 7 sẽ giải ngân hết số vốn đã bố trí năm 2017.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án tuyến metro số 1 vốn đầu tư tăng lên gần ba lần so với dự toán nhưng đến nay chưa có cơ quan nào phê duyệt nên phá vỡ kế hoạch sử dụng vốn. Đối với các dự án tăng vốn, trước mắt chỉ cho tạm ứng để thực hiện, tránh bị ngưng thi công, còn giải ngân rất khó vì luật không cho phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới