Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnSách lược và chiến lược của Bắc Kinh về vấn đề Triều...

Sách lược và chiến lược của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên

Sáng 12/8, trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên  ngày thêm nóng bỏng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Tập  nhấn mạnh một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Tân Hoa xã đưa tin, trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều có lợi ích chung trong việc hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, góp phần duy trì nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Ông Tập kêu gọi các bên liên quan cần kiềm chế, tránh những phát ngôn và hành động làm gia tăng căng thẳng.

Chủ tịch Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề hạt nhân cần được thực hiện thông qua đối thoại. Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm thúc đẩy một giải pháp phù hợp. 

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump nói với Tập Cận Bình rằng ông hiểu rất rõ vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Triều Tiên cần chấm dứt ngay lập tức các hành động làm leo thang căng thẳng. Tổng thống Trump cũng tái khẳng định cam kết của hai nước đối với tiến trình phi hạt nhân hóa, nhấn mạnh mối quan hệ “cực kỳ mật thiết” giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc hy vọng sẽ mang lại một giải pháp hòa bình trong vấn đề Triều Tiên. 

Mỹ và Trung Quốc đánh giá việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là một “bước đi quan trọng và cần thiết hướng tới việc đạt được nền hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tiếp tục có những phát ngôn cứng rắn đối với Triều Tiên. Ông Trump  cảnh báo, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sẽ “sớm phải hối tiếc” nếu có bất kỳ động thái nào nhằm vào đảo Guam hay bất cứ nơi đâu thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh Mỹ.  Ông tuyên bố “các giải pháp quân sự hiện đã sẵn sàng nếu Triều Tiên hành động không khôn ngoan”.  

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm với Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo, Tổng thống Trump cam kết rằng “các lượng lượng Mỹ sẵn sàng đảm bảo sự ổn định và an ninh của người dân ở Guam, cũng như những vùng lãnh thổ còn lại của Mỹ”. Còn Thống đốc Calvo  bày tỏ sự tin tưởng vào những cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ. 

Trước khi diễn ra cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã liên tiếp kêu gọi Trung Quốc  gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Còn Trung Quốc – đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên –  tuyên bố một mình Bắc Kinh không thể ép buộc được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. 

Phớt lờ tất cả, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên  đưa tin quân đội nước này đã đệ trình nhà lãnh đạo Kim Jong-un kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm vào khu vực cách Guam khoảng 30 đến 40 km. Đông thái này nhằm “phát đi cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ”. Đảo Guam có hơn 160.000  dân và 1 căn cứ quân sự của Mỹ, gồm 1 đội tàu ngầm, 1 căn cứ không quân và nhóm phòng vệ bờ biển đồn trú. Hiện giới chức đảo Guam cùng quân đội và các quan chức Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.

Trở lại thái độ của Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc điện đàm của ông Tập với ông Trump chỉ là “sách lược”, còn “chiến lược” của nước này vẫn không thay đổi. Bởi Trung Quốc có hai lý do  ủng hộ chế độ Triều Tiên. Trong lúc này hai lý do đó lại càng mang nhiều động lực hơn bao giờ hết: Thứ nhất, Trung Quốc không bao giờ muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên, bởi vì nó sẽ tạo ra một đồng minh lớn hơn của Mỹ ngay sát biên giới của mình; thứ hai,   hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy trốn sự sụp đổ của đất nước bằng cách chạy sang Trung Quốc, mang lại bất ổn cho ba tỉnh đông bắc Trung Quốc (ba tỉnh  này  có tình hình kinh tế trì trệ nhất  cả nước).

Bên cạnh đó còn có ba lý do mới hơn. Một, tên lửa của Triều Tiên, vào thời điểm hiện nay, không nhắm vào Trung Quốc, nhưng sẽ nhắm vào Trung Quốc nếu  họ tấn công quốc gia mà mình bảo trợ. Hai, Trung Quốc không xem ICBM của Triều Tiên như là một mối đe dọa sâu sắc theo cách nhìn của người Mỹ. Ba,

Trung Quốc đang lo lắng về các kế hoạch của Hàn Quốc nhằm triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), mà Trung Quốc tuyên bố thực ra là nhằm vào các tên lửa của nước này.  Bởi thế, về chiến lược, Trung Quốc ngầm ủng hộ Triều Tiên chống lại Hàn Quốc.

Trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của các nước khác đối với sự hiếu chiến của Triều Tiên hơn là quan tâm đến thái độ hung hăng của Bình Nhưỡng.

Vẫn là “bổn cũ chép lại” mà thôi. Bắc Kinh nói khác xa những điều họ làm.  

RELATED ARTICLES

Tin mới