Saturday, November 2, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao TQ bất ngờ "xuống nước" với Ấn Độ?

Vì sao TQ bất ngờ “xuống nước” với Ấn Độ?

Việc Trung Quốc bất ngờ đồng ý rút quân khỏi khu vực tranh chấp Doklam cũng như khả năng cho dừng dự án xây dựng đường ở khu vực này cho thấy, Bắc Kinh muốn xóa tan căng thẳng với Ấn Độ trước khi diễn ra hội nghị BRICS vào tuần tới.

Binh sĩ Trung Quốc từng đặt hai boongke ở khu vực tranh chấp Doka La nhưng đã phía Ấn Độ ngăn chặn. 

Giới phân tích chính trị Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đã cho dừng triển khai xây dựng con đường nằm ở khu vực cao nguyên tranh chấp Doklam. Đây là một phần trong thỏa thuận chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng giữa binh sĩ Trung – Ấn trong hơn 2 tháng qua ở khu vực này. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tuần tra ở Doklam.

Hôm 28/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng thuận cùng rút quân khỏi Doklam.

Căng thẳng Trung – Ấn bùng phát hồi tháng Sáu sau khi New Delhi quyết định điều động binh sĩ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường cao tốc tại Doklam, khu vực vốn là điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. 

Về phần mình, cũng trong ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ đã rút lui khỏi Doklam, trong khi quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra và bố trí lực lượng đồn trú tại khu vực này.

Điều đáng nói là trong tuyên bố của cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ đều không nhắc tới việc liệu Trung Quốc đã cho dừng dự án xây dựng con đường ở khu vực tranh chấp Doklam hay chưa. Song theo giới phân tích Trung Quốc, khả năng Bắc Kinh đã cho dừng dự án xây dựng để đổi lấy việc quân đội Ấn Độ rút quân.

Ông Wang Dehua tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhấn mạnh, các cuộc đàm phán sẽ yêu cầu “hai bên cùng cho và nhận”.

“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không rút quân khỏi Doklam nhưng ít nhất, Bắc Kinh sẽ quyết định lùi quân một chút và cho dừng dự án xây dựng đường”, ông Dehua nói.

Còn theo ông Zhang Guihong- chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ tại Đại học Phúc Đán, hiện tại, Trung Quốc sẽ không cho triển khai dự án xây đường ở Doklam. Bởi theo ông Zhang, “về ngắn hạn, hành động này sẽ khiến hai bên có sự nhượng bộ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi Trung Quốc cho tái triển khai dự án, chuyện gì sẽ xảy ra là điều khó nói”. 

Trong khi đó, tờ The Times of India đã cho đăng tải thông tin và các bằng chứng liên quan tới việc Trung Quốc dừng dự án xây đường ở Doklam. 

Cụ thể, hôm 29/8, tờ báo của Ấn Độ khẳng định các binh sĩ nước này đã rút lui khỏi vị trí hiện diện tại Doklam. Trong khi đó, các binh sĩ Trung Quốc và thiết bị xây dựng đường xá cũng đã được đưa ra khỏi khu vực này.

Cũng theo The Times of India, quá trình đàm phán nhằm chấm dứt cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung – Ấn ở Doklam lần đầu tiên được tổ chức nhân chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, ông Ajit Doval với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng Bảy.

Trong cuộc họp này, Ấn Độ được cho đã yêu cầu Trung Quốc tuân thủ hiệp ước ký kết năm 2012 liên quan tới việc tranh chấp biên giới giữa 3 nước Trung Quốc – Ấn Độ – Bhutan sẽ được giải quyết theo con đường tham vấn 3 bên. 

Chuyên gia nghiên cứu khu vực Nam Á tại Đại học China West Normal, ông Long Xingchun nhận định, nguyên nhân gốc rễ dẫn tới cuộc khủng hoảng ở cao nguyên Doklam đến nay chưa được công bố. Song theo ông Long, Trung Quốc nên thiết lập hoạt động trao đổi giữa Ấn Độ và Bhutan.

“Hiện tại, Trung Quốc cần cho dừng dự án xây đường ở Doklam. Nhưng trong tương lai, Trung Quốc sẽ nối lại hoạt động xây đường ở khu vực này. Do đó, Trung Quốc cần tiến hành trao đổi thông tin tốt hơn với cả Ấn Độ và Bhutan để tránh hiểu lầm. Doklam là một khu vực rộng lớn. Quân đội Trung Quốc cũng đã có mặt ở đây trong khoảng thời gian dài. Đây còn là nơi Trung Quốc cho xây các tòa nhà và đưa thiết bị quân sự tới”, SCMP dẫn lời ông Long.  

Theo giới quan sát, tình trạng đối đầu ở Doklam chấm dứt là nhằm xóa tan bầu không khí căng thẳng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tuần tới ở Trung Quốc với sự xuất hiện của Ấn Độ. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, khối BRICS còn có Brazil, Nga và Nam Phi.

Nhà nghiên cứu James Char tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng: “Rõ ràng, Trung – Ấn ưu tiên cân nhắc các mục tiêu chiến lược thay vì tiếp tục căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền. Việc cùng chung tiếng nói sẽ có lợi cho sự phát triển của cả hai nước”. 

Chuyên gia Sun Shihai tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng nhấn mạnh, hành động đồng loạt rút quân mang lại chiến thắng cho cả Trung – Ấn.

“Rút quân là hành động có lợi cho lợi ích quốc gia của hai nước. Tình trạng đối đầu lâu dài hoặc leo thang thành xung đột sẽ chỉ mang lại thiệt hại lớn”, ông Sun nói. 

RELATED ARTICLES

Tin mới